Trên đất Kẻ Cuội
Đến nay hầu hết người dân ở thôn Nhân Hòa, xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) đều không hiểu tại sao tên làng lại thay đổi từ Nhân Cõi khu đến Kẻ Cuội rồi Nhân Vực. Đã thế sau này lại còn cụ thể hơn là Cuội trên. Chỉ biết đến ngày nay câu ca “Khoai làng Vĩnh, lúa làng Cuội” được dân gian lưu truyền đã khẳng định đây là vùng đất trù phú phát triển nghề nông.
Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đền thờ tướng quân Lê Hoằng Công.
So với nhiều xã trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, thì Hoằng Hợp có lợi thế về tưới tiêu, phù sa, bởi có sông Mã và sông Dọc cổ chảy qua. Ngày nay, con sông Dọc cổ chỉ còn trong ký ức của những người cao niên, còn sông Mã đã có đê kiên cố, không lo vào mùa lũ nước chảy mạnh, phù sa cuốn đi nhanh và thường gây vỡ đê.
Nhân Vực cùng với các làng An Hòa, Lộc Bồi và Đức Giáo đã làm nên một đất Hoằng Hợp có những đặc trưng văn hóa riêng. Hoằng Hợp là vùng đất cổ nằm trong địa vực của nền văn hóa Đông Sơn thuở các vua Hùng dựng nước. Từ năm 1961, đến năm 1979, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật một số địa điểm, ven bờ sông Dọc cổ và thu thập được nhiều hiện vật sinh hoạt của người Việt cổ thuộc thời đại đồ đồng sơ kỳ đồ sắt, cách đây khoảng 3.000 năm như rìu, dao găm, lưỡi cày cánh bướm bằng đồng, trống đồng, đồ trang sức bằng đồng, mộ táng...
Cũng như người dân trên khắp xứ Thanh này, dân làng Nhân Vực trước năm 1945 có cuộc sống lam lũ, quanh năm lao động mà không đủ ăn. Cảnh nghèo không có ruộng đất, còn phải chịu sưu thuế, phu phen, tạp dịch, như đi đào sông Hồ Thượng (nay thuộc thị xã Nghi Sơn), làm sân bay Lai Thành (TP Thanh Hóa)... khiến nhiều người phải bỏ làng mà đi.
Trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, làng Nhân Vực có khu Mả Cò cây cối um tùm, thuận lợi để các đồng chí lãnh đạo Việt Minh tổng Lỗ Hương chọn làm nơi hội họp. Sách Lịch sử Đảng bộ xã Hoằng Hợp 1953-2013 (NXB Thanh Hóa) có chép lại chuyện: Trong một lần cán bộ Việt Minh tổng Lỗ Hương họp bàn kế hoạch ở Mả Cò, bọn mật thám đến, Nhân dân làng Nhân Vực đã phải đốt cả cây rơm, rạ, thậm chí đốt cả nhà cửa, rồi hô hoán chữa cháy nhằm báo động cho cán bộ trốn thoát.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng đã đem lại cuộc đời mới, người dân được sống trong độc lập, tự do và làm chủ vận mệnh của mình. Thấu hiểu điều đó, người dân Nhân Vực luôn sẵn sàng góp người, góp công, góp của, sẵn sàng tháo dỡ đền thờ để tạo điều kiện cho công binh xưởng sản xuất vũ khí. Qua các cuộc kháng chiến cứu quốc, làng Nhân Vực có 212 người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong đó có 16 người hy sinh. Vì thế, cán bộ đảng viên và Nhân dân làng Nhân Vực đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 42 huân, huy chương kháng chiến...
“Trước đây tôi được nghe các cụ trong làng kể về cảnh quan hữu tình. Làng có hồ Sen, hồ Lão... rồi những ao nghè, ao chùa, giếng Đồng, hộc Bom (dấu tích của quả bom do phát xít Nhật ném xuống Hoằng Hợp năm 1944), nhưng rồi tất cả đều được san lấp để bảo vệ đê sông Mã được an toàn”, ông Trần Mạnh Hùng, trưởng thôn Nhân Hòa chia sẻ.
Nói về văn hóa, thì Nhân Vực cũng là làng có nhiều công trình văn hóa tâm linh. Tiêu biểu phải kể đến đình làng thờ Trần Gia Chân – thành hoàng làng nằm ở thế đất đẹp, trước đình có “cửu khúc long chầu”. Ngoài ra, làng còn có Nghè thờ Hiển linh Hoằng nghị tôn thần (nay là đền thờ Lê Hoằng Công, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh), có chùa làng... Đến nay, người dân làng vẫn giữ gìn, hằng năm tu bổ cảnh quan của chùa và đền thờ Lê Hoằng Công.
Giới thiệu với chúng tôi về đền thờ Lê Hoằng Công, ông Trần Anh Tôn, người trông coi đền, cho biết: “Qua nhiều lần tu sửa, đền về cơ bản khang trang. Ngoài những hiện vật cổ còn lại thì có lẽ quý giá nhất ở đây là vẫn còn giữ được 39 đạo sắc phong của các triều Lê – Nguyễn ban tặng cho các vị thần và cho làng Nhân Vực. Từ năm 1674 đến 1924, trải qua nhiều đời vua, làng đều có vinh dự được ban sắc phong. Đây là niềm tự hào của chúng tôi”.
Ngày 17/1/2001, làng Nhân Vực đã khai trương làng văn hóa, và đến năm 2008, làng đã được công nhận là làng văn hóa cấp huyện.
Là vùng đất nằm ven sông Mã, lại có hồ bao xung quanh, nên làng Nhân Vực có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp truyền thống, đặc biệt là trồng lúa. Câu ca: “Khoai làng Vĩnh, lúa làng Cuội” ra đời cũng xuất phát từ đặc trưng ấy. Vì làm nông nghiệp nên người dân ở đây rất cần cù.
Phù sa màu mỡ đã giúp cho vùng đất này lợi thế trong phát triển các loại cây trồng nông nghiệp.
Ngoài ra, điểm đáng tự hào nhất của Nhân dân Hoằng Hợp nói chung, dân làng Nhân Vực nói riêng là truyền thống hiếu học. Khoán ước làng Nhân Vực (bản soạn lại năm 1938), thể hiện rất rõ điều đó: “Vị thứ ở đình chia làm bốn bên: trái, phải, trong, ngoài. Bên trái, phía trong ra xếp bên văn từ cử nhân trở lên mới đến thọ 80, 90 tuổi. Khi có người đỗ đạt làng tổ chức đón rước và vinh danh trong làng”. Hễ trong làng có người đỗ đạt vinh quy thì cả làng mở hội ăn mừng.
Người làng còn rất quan tâm đến đạo đức làm người, sự hiếu đễ với cha mẹ. Khoán ước của làng cũng có ghi: “Bất hiếu với cha mẹ, hỗn xược với anh chị thì bị phạt tiền 1 đồng 2 hào. Trong làng ai làm điều trộm cắp, gian tà thì đưa ra dân làng, tùy nặng nhẹ xử phạt từ 6 hào trở lên. Phạm ba đến bốn lần thì cho ra khỏi sổ làng”. “Chính bởi thế mà làng lúc nào cũng bình yên, rất ít khi nghe thấy nhà này nhà kia to tiếng với nhau”, ông Trần Mạnh Hùng cho biết thêm.
Nếu như các địa phương khác một làng sẽ tách ra thành các thôn thì ở Hoằng Hợp, hai làng Cuội dưới (làng An Hòa) và Cuội trên (làng Nhân Vực) đã sáp nhập thành thôn Nhân Hòa. Thôn Nhân Hòa hiện đang hoàn tất các điều kiện để được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Bài và ảnh: HUYỀN CHI
{name} - {time}
-
2024-11-17 11:58:00
Đổi thay trên đất Quý hương nhà Nguyễn
-
2024-11-15 09:41:00
Về đền Thổ Khối nghe chuyện dân gian
-
2024-07-05 07:11:00
[WOW! THANH HOA] Sam Son Water Park - Siêu phẩm vui chơi giải trí mới nhất tại Sầm Sơn
Pù Luông rừng “vàng”, núi “bạc”
Bia đá ở danh thắng Kim Sơn
UNESCO: Cần đưa vòng tròn đá Stonehenge vào danh sách di sản bị đe dọa
Hơn 400.120 lượt khách du lịch đến Hải Tiến trong 6 tháng đầu năm
Ngành du lịch hướng đến mục tiêu đón 28 triệu lượt khách quốc tế
Lên vùng cao thăm chợ phiên Trung Hạ
Khám phá hang động tại núi Đụn
Tấm bia đá khắc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Minh Tân
Thác Muốn ngày hè