Trịnh Vĩnh Đức - Dấu ấn của “Điểm hẹn văn chương”
Trịnh Vĩnh Đức quê Hoằng Sơn, Hoằng Hóa. Tốt nghiệp khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Hiện là Phó ban lý luận phê bình Hội VHNT Thanh Hóa. Tác phẩm “Điểm hẹn văn chương” là tập sách viết riêng thứ hai của anh về tiểu luận phê bình.
Ảnh: Minh Chi
Văn chương là cuộc đời. “Điểm hẹn văn chương” chính là nơi anh gửi gắm những điều tâm huyết, trăn trở với văn chương nghệ thuật. Bằng những kiến thức lý luận phê bình khá vững vàng trong quá trình tích lũy, có nét đặc trưng riêng, Trịnh Vĩnh Đức đã có cái nhìn khá toàn diện để thai nghén sinh thành những tác phẩm nghiên cứu văn học có giá trị. Điều trân quý là anh đã dành tâm huyết để nghiên cứu khảo sát, phân tích đánh giá về mảng văn học địa phương phần văn học hiện đại Thanh Hóa từ 1945 đến nay. Đó là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, công phu. Nếu như những sự kiện văn học là nét vẽ điểm tô sắc màu thì những chân dung VHNT (tác giả, tác phẩm) gắn với tiến trình văn học mà anh giới thiệu trong cuốn sách này, là linh hồn, chiều sâu của bức tranh đó, trên hành trình đổi mới, hội nhập và phát triển cùng quê hương, đất nước.
“Điểm hẹn văn chương” ngoài phần viết về văn xuôi và thơ Thanh Hóa từ 1945 đến nay, anh còn viết cảm luận về tác giả tác phẩm của ba nhà thơ là Hữu Loan, Nguyễn Quang Thiều và Văn Đắc... với các bài viết: Dấu ấn hiện đại trong thơ Nguyễn Quang Thiều; Hữu Loan - đọng mãi một hồn thơ; Văn Đắc - Thơ một cõi tình.
Phần cuối anh dành nhiều tình yêu, công sức cho việc nghiên cứu, tiếp cận thơ Thanh Hóa nửa sau thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, với một tinh thần cảm hứng đối thoại tìm được nhiều điểm sáng thẩm mỹ khá lôi cuốn.
Theo dòng chảy văn học, những dẫn chứng, phân tích, luận bàn về tác giả, tác phẩm trong hiện thực đời sống văn học là những ưu điểm được đề cập trong tác phẩm. Mặc dù có một vài khoảng trống nhất định. Song phê bình của Trịnh Vĩnh Đức đã làm nổi bật thần thái, chân dung các nhà thơ, nhà văn có sự đóng góp quan trọng vào sự hình thành và phát triển của nền văn học hiện đại Thanh Hóa. Từ đó, góp phần khơi mở vẻ đẹp của dòng chảy trong đời sống văn học Thanh Hóa đương đại. Cuốn sách được viết với văn phong nghiên cứu nghiêm cẩn và chặt chẽ, có độ phiêu về cảm xúc.
Văn chương từ bao đời nay vẫn luôn thực hiện sứ mệnh cao cả của nó, cảm hóa tâm hồn độc giả, kết nối giữa người với người, với mọi thời đại. Đương nhiên, giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng. Tư tưởng ấy, phải được rung lên ở các cung bậc cảm xúc khác nhau, mang đến một cái nhìn khái quát. Và tác giả đã không lỗi hẹn với người đọc. “Điểm hẹn văn chương” cho thấy dư lượng của niềm đam mê rất lớn trong con người Trịnh Vĩnh Đức.
Trên tinh thần đối thoại của Trịnh Vĩnh Đức trong tập sách này, người đọc không chỉ nhận diện và hiểu biết hơn về chân dung nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học ở Thanh Hóa, mà tác giả thể hiện rõ trong tác phẩm khả năng thao tác tư duy. Việc lựa chọn một số tác giả với một số thi phẩm nổi bật để phân tích, bình luận, là chiến lược khôn ngoan đầy dụng ý của tác giả. Với cách viết và khoanh vùng như thế, anh không cần quan tâm hay bàn luận nhiều về tiểu sử tác giả, phong cách cá nhân, trào lưu, hiện thực đời sống hay tư tưởng của các nhà văn, nhà thơ... Cái Trịnh Vĩnh Đức quan tâm duy nhất, cũng là nơi anh sở trường nhất khi viết, đó là thế giới nghệ thuật được anh khai thác qua văn bản nghệ thuật. Vì vậy, hình thức, thủ pháp nghệ thuật lẫn tư tưởng của từng tác giả với những tác phẩm văn chương đặc sắc mới chính là điều Trịnh Vĩnh Đức quan tâm trong “Điểm hẹn văn chương”!
Khi tiếp cận về Văn xuôi Thanh Hóa giai đoạn từ 1945 đến nay trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại, anh có nhận xét xác đáng: Văn xuôi Thanh Hóa là một bộ phận của văn học Thanh Hóa không thể tách rời văn học cả nước. “Nếu nói văn học Thanh Hóa gồm có thơ ca, văn xuôi và kịch bản văn học hành trình cùng văn học dân tộc qua các thời đại, thì văn xuôi Thanh Hóa là một thành tố của văn học dân tộc nói chung, văn học Thanh Hóa nói riêng đã làm tròn nghĩa vụ cầm bút của các nhà văn Thanh Hóa”.
Nhìn chung các nhà văn, nhà thơ ở Thanh Hóa đã có ý thức thay đổi cách nhìn hiện thực, trực tiếp đối mặt với thực trạng xã hội và con người. Họ rút ngắn cự ly giữa văn học và hiện thực, giữa tác phẩm và người đọc, giữa chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận. Đó có thể xem là một đóng góp không nhỏ của các tác gia cho nền văn học nước nhà trong tiến trình phát triển. Và tác giả khẳng định: Hoạt động VHNT ở Thanh Hóa trong hàng chục năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, lực lượng văn nghệ sĩ được phát triển ngày càng đông và không ngừng sáng tạo trong lao động nghệ thuật. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị xuất hiện ngày càng nhiều. Các chuyên ngành, có nhiều tác giả, tác phẩm đoạt các giải thưởng Nhà nước, hoặc giải cao tại những cuộc thi, liên hoan trong nước .
Anh xác nhận: Trong số nhà văn Thanh Hóa nổi bật có nhiều đóng góp cho văn xuôi Thanh Hóa phát triển, ngoài Nguyễn Thế Phương là anh cả trong lĩnh vực văn xuôi, phải nói đến nhà văn Nguyễn Ngọc Liễn, Trần Hiệp, Kiều Vượng, Từ Nguyên Tĩnh, Phùng Gia Lộc, Hoàng Tuấn Phổ, Đặng Ái, Lê Xuân Giang, Nguyễn Văn Đệ, Hà Cẩm Anh, Nguyễn Cẩm Hương, Viên Lan Anh, Trịnh Tuyên, Ngân Hằng... Nhìn chung, các tác phẩm của họ đều có chất lượng tốt, tuân thủ định hướng tư tưởng, đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng. Qua đó, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân, hướng con người tới giá trị chân- thiện - mỹ.
Như đã phản ánh ở phần trên, trong quá trình thực hiện, Trịnh Vĩnh Đức chỉ dành riêng phạm vi tìm hiểu về các tác giả, tác phẩm văn xuôi do các tác giả quê Thanh Hóa viết. Họ là những người đang sinh sống trong và ngoài tỉnh, hoặc không có gốc quê Thanh Hóa nhưng đang sinh sống, làm việc tại xứ Thanh lâu đời, đã tham gia Hội VHNT. Hiện nay con số được tính người gốc quê Thanh Hóa là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, gồm có 95 người, bẳng 1/10 số Hội viên Nhà văn cả nước. Yếu tố này cũng là nguồn lực không nhỏ góp thêm nhiều thành tựu cho Văn xuôi Thanh Hóa phát triển.
Mặt khác, trong “Điểm hẹn văn chương” chúng ta thấy rõ: Trịnh Vĩnh Đức đã kết hợp nhuần nhị giữa tư duy logic và tư duy hình tượng, giữa quan sát và suy ngẫm. Nhiều trang viết về những tác gia lớn, những cây đại thụ của văn học Việt Nam, Trịnh Vĩnh Đức luôn cố gắng tìm cho mình một cách tiếp cận riêng; không chỉ mang lại cho bạn đọc cảm xúc yêu mến Thanh Hóa mà còn khẳng định những hiểu biết, những kiến thức sâu rộng về thân thế sự nghiệp cũng như tài năng văn chương của họ.
Nhà thơ Hữu Loan được anh xếp vào “hàng thi bá của các tác giả thơ Việt Nam hiện đại”. Thi phẩm đặc sắc nhất: “Màu tím hoa sim”, đã thể hiện một nhà thơ tài hoa; có mấy ai trong chúng ta đọc “Màu tím hoa sim” của ông mà không có chút nào rung động, xuyến xao... Riêng với bài bình luận về thơ Văn Đắc thấu tình mênh mông khi cảm nhận về chất thi sĩ xứ Thanh có nét sáng tạo đúng như hồn thơ Văn Đắc trong sự nghiệp thi ca.
Từ những đại thụ lừng danh đầu thế kỷ XX và kết lại ở thế hệ nhà thơ đương đại, tiêu biểu như Nguyễn Bao, Nguyễn Duy, Mai Ngọc Thanh, Văn Đắc, Anh Chi, Mã Giang Lân, Quế Anh, Huy Trụ, Nguyễn Minh Khiêm... “Điểm hẹn văn chương” thực chất như là một thiên chính luận, một công trình tổng kết sâu sắc chủ yếu về những nhà văn, nhà thơ tiêu biểu quê hương Thanh Hóa. Tác giả làm nổi bật những ấn tượng, cảm xúc, hình thái mà thơ, văn của từng người đã in dấu trong tâm hồn anh. Qua đó đưa ra những lời phê bình rất tâm đắc, thấu cảm đi từ trái tim của một người nghệ sĩ “say thơ” đến với trái tim của người đọc một cảm nhận mới mẻ, sâu sắc hơn về văn chương Thanh Hóa. Giọng văn mang sắc điệu tâm tình, âm điệu nhẹ nhàng và câu từ duyên dáng, đôi khi cũng rất dí dỏm.
Văn học là nhân học. Nhà văn và cuộc sống luôn có một mối quan hệ gắn kết chặt chẽ. Văn chương là cuộc đời. Bởi “Cuộc đời“ cũng chính là nơi xuất phát để đi tới “Điểm hẹn văn chương” thông qua việc “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”... Chắc chắn bạn đọc sẽ được đón nhận “Điểm hẹn văn chương” tập 2 và tập 3 trong thời gian tới. Đó cũng là món quà tri âm với bạn đọc như anh từng tâm sự, rất đỗi yêu thương và đáng quý.
Triều Nguyệt
{name} - {time}
-
2024-11-20 20:00:00
[Podcast] - Tản văn: Cô giáo của tuổi thơ
-
2024-11-16 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Lớp học của tình yêu thương
-
2024-08-30 09:39:00
Bến làng
Sắc hương gọi mùa
Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung năm 2024 có gì hấp dẫn?
Bỗng nhận ra kiếp sóng giữa vô cùng...
Đắm mình trong tri thức về cội nguồn văn hóa truyền thống Việt Nam
Nơi hội tụ những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đặc sắc
Đọc thơ Phạm Thanh Phương
Dòng sông thời gian
Thanh Hóa có 9 tác giả tham gia Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung Bộ năm 2024
[Podcast] Truyện ngắn: Chiếc xe thồ của cha tôi