Trung tá, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Thăng hoa cùng “tình yêu xứ Thanh”
Với Trung tá, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, mỗi chuyến đi và đến là cơ duyên để anh thêm một lần được thỏa sức tìm hiểu, khám phá những điều hay, nét độc đáo của đất và người quê Thanh. Để rồi sau mỗi chuyến đi ấy, anh lại nhẩn nha tận hưởng cảm giác thăng hoa cùng con chữ, trong nồng ấm hương đất, tình người xứ Thanh.
Trung tá, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy tìm cảm hứng sáng tác bên cột mốc 355 biên giới Việt Nam - Lào, thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Phóng viên (PV): Được biết, năm 2023 anh “về với xứ Thanh” khoảng gần chục lần. Từ đầu năm 2024 đến nay, dẫu bận bịu với nhiều công việc, anh cũng đã kịp về Thanh đôi, ba lần? Từ đâu mà “người con Phú Thọ”, "anh lính Thủ đô", lại sâu nghĩa nặng tình với xứ Thanh đến thế?
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Có câu chuyện vui thế này, khi tôi gửi bút ký “Lịch sử gọi tên làng” viết về làng cổ Đông Sơn gắn với sự phát tích nền văn hóa Đông Sơn cho Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Tổng Biên tập Tạp chí đã hỏi tôi rằng, “chú quê Thanh Hóa nhỉ” làm những người bạn văn chương của tôi có mặt tại đó đều cười vì sự nhầm lẫn này. Có lẽ là do mật độ viết và công bố về Thanh Hóa của tôi thời gian gần đây có hơi dày. Mọi thứ đều có cơ duyên của nó, nên việc viết và đăng về Thanh Hóa cứ “dồn dập”, gửi bài nhiều đến chính tôi cũng phát ngại (cười).
Cơ bản và xuyên suốt là từ Cuộc thi bút ký “Biên cương một dải vững bền” do Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa tổ chức mà tôi được mời tham dự. Trong khuôn khổ cuộc thi, chúng tôi đã có những chuyến đi thực tế về với cán bộ, chiến sĩ biên phòng và bà con Nhân dân khắp dải biên cương Thanh Hóa. Sau những chuyến đi đó, tôi đã viết cả chục bài bút ký, mỗi bài có dung lượng 5.000 - 10.000 từ đăng trên các tạp chí chuyên về văn học.
Sau đó là một vài chuyến đi khác, từ cơ duyên kết nối ấy mà tôi được đi thực tế sáng tác, cùng anh chị em văn nghệ sĩ của Hội Văn học - Nghệ thuật Thanh Hóa lên rừng, xuống biển. Cuối năm 2023, Hội Điện ảnh Việt Nam lại tổ chức trại sáng tác kịch bản phim tại Thanh Hóa, biết tin tôi đã xin tham gia vì tôi thấy vùng đất này còn nhiều điều cho tôi và những người cầm bút tìm hiểu, còn nhiều chất liệu hay cần khai thác.
PV: Dường như mỗi người cầm bút đều có một “vùng văn học” của riêng mình. Vùng đất xứ Thanh, con người xứ Thanh có phải là mối duyên lành đối với nghiệp văn, là “vùng văn học” của Nguyễn Xuân Thủy?
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Với vị trí thư ký tòa soạn của một tạp chí văn nghệ, tôi không có nhiều thời gian để đi và viết. Có thể nói năm 2023 tôi gần như đã “dành toàn bộ thời gian và năng lượng viết cho Thanh Hóa”. Ngược lại, vùng đất này cũng đã kích thích sáng tạo trong tôi, khiến việc viết của tôi được bén rễ trở lại vào đời sống tươi xanh nhiều dưỡng chất.
Tôi nghĩ nó là một quá trình sàng lọc tự nhiên, cái gì đậm sâu thì sẽ ở lại. Nếu kể thêm thì tôi còn có duyên với Thanh Hóa từ sớm, từ xa hơn nữa. Khi tôi ở Trường Sa hơn hai mươi năm trước, những năm 2000, 2001, ở đảo có rất nhiều đồng đội của tôi người Thanh Hóa, một trong số đó đã trở thành nguyên mẫu trong tiểu thuyết đầu tay “Biển xanh màu lá” của tôi. Bây giờ anh ấy cũng đã chuyển về quê, làm ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa. Mỗi lần về xứ Thanh chúng tôi vẫn gặp nhau. Tiểu thuyết “Sát thủ online” là tác phẩm tôi khởi thảo khi tham dự Trại sáng tác của Bộ Công an năm 2009 sau chuyến đi thâm nhập các trại giam của Bộ Công an tại Thanh Hóa. Trong thời gian dự trại ở Nhà khách Hương Thanh, Sầm Sơn, tôi đã hoàn thành được 80 trang. Năm 2022, truyện ngắn “Giao thừa” của tôi giành giải A trong một cuộc thi của Bộ Công an cũng lấy bối cảnh một trại giam ở miền núi Thanh Hóa.
Cơ duyên văn chương của tôi với Thanh Hóa ngẫm lại cũng dài lâu và kha khá (cười). Dù tôi không có thói quen định danh mọi thứ, nhưng ít nhất thì Thanh Hóa cũng là vùng đất nhiều duyên nợ văn chương với tôi.
PV: Chúng ta cùng làm một so sánh vui. Giữa Phú Thọ quê hương và xứ Thanh ân tình, nơi nào lưu dấu trong văn chương Nguyễn Xuân Thủy nhiều hơn, ấn tượng hơn và thành công hơn? (cười).
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Tôi chưa viết được nhiều về quê mình, bởi thực tế thì tôi chỉ được ở quê 18 năm, học xong tôi nhập ngũ và đi biền biệt đến giờ, nên trải nghiệm của tôi nằm ở mảng lực lượng vũ trang và những vùng đất khác quê mình, trong đó có một ân tình với xứ Thanh. Với người viết thì đâu cũng là quê hương, còn gắn bó sâu nặng với nơi nào thì còn là cơ duyên như đã nói.
PV: Nhà văn chưa hẳn là người viết hay và nhiều nhất về quê hương mình. Quan điểm của anh như thế nào?
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Vùng sáng tạo của nhà văn gắn liền với những gì anh ta thuộc nhất, gắn bó sâu nặng nhất, hoặc khiến anh ta hứng khởi nhất. Nghề nghiệp cũng dạy cho tôi biết lễ độ trước những khu vực mình không nên đi sâu hay chạm vào, nếu thực sự chưa thẩm thấu đủ độ thì một sự chừng mực cũng là thái độ cần thiết, và với quê hương cũng vậy. Rất may, ở Phú Thọ và người Phú Thọ xa quê cũng rất nhiều văn nhân tài ba, các thế hệ viết hay về vùng đất, con người quê mình.
PV: Quay trở lại mối duyên tình giữa Nguyễn Xuân Thủy và xứ Thanh, thăng hoa nhất trong mối duyên tình ấy có phải là sự kiện anh giành giải nhất Cuộc thi ký “Biên cương một dải vững bền” do Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa tổ chức?
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Tôi đã tham gia cuộc thi, làm việc nghiêm túc, thăng hoa và cảm động trong khi viết về dải biên cương ấy, và có lẽ điều ấy đã chạm đến "trái tim" ban giảm khảo.
Khi đến các bản làng biên giới dọc dải biên cương tôi đã được tiếp sức bằng những việc làm lay động lòng người, cùng với chính quyền, các lực lượng vũ trang nơi vùng biên, trong đó lực lượng biên phòng là chủ chốt, đã làm tốt công tác giữ gìn sự bình yên, thực sự là điểm tựa của bà con các dân tộc. Những việc làm của họ đã chạm đến trái tim tôi và tôi tự hứa rằng, hãy viết làm sao để chạm tới trái tim độc giả. Giải thưởng cũng quý, nhưng điều quý hơn là tôi đã được thẩm thấu đến từng mao mạch về một dải đất thiêng liêng dọc biên giới xứ Thanh.
PV: Không dừng lại ở kết quả của một cuộc thi. Ngồn ngộn chất liệu được chắt lọc từ thực tiễn cuộc sống cùng tình cảm dành cho một dải biên cương xứ Thanh đã được gói trọn trong tập bút ký “Những vì sao biên giới” - một tập bút ký của riêng xứ Thanh, tất cả là xứ Thanh. Anh có thể chia sẻ đôi điều về tập bút ký này?
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Vâng! Tôi đã ra 3 tập bút ký, nhưng đây là lần đầu tiên tôi có một tập bút ký viết riêng về một vùng đất, về người chiến sĩ biên phòng Thanh Hóa.
Với xứ Thanh, ở các chuyến đi sau đó tôi đã thâm nhập ở các đề tài khác, về lịch sử, về văn hóa, và cũng còn những tác phẩm khác, những truyện ngắn, bút ký, kịch bản phim... Nhưng tôi vẫn muốn tập hợp những bút ký về người chiến sĩ biên phòng vào riêng một tập sách, tôi muốn bằng cách ấy gói trọn ân tình và cũng như một kỷ niệm nghề nghiệp với đất và người xứ Thanh.
Thanh Hóa hẹp theo chiều Bắc - Nam và rộng theo hướng Đông - Tây nên miền xuôi và miền ngược càng xa xôi. Trong những năm qua, miền Tây Thanh Hóa đã nhận được sự quan tâm lớn của Trung ương, của tỉnh, và đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhận. Tôi nghĩ cần đánh thức vùng biên ải ấy, cần “gọi tên” những người con miền xuôi Thanh Hóa, những cán bộ, giáo viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang... đã cống hiến tuổi xuân cho vùng cao nhiều hơn nữa. Tôi mong cuốn sách nhỏ của mình như một nét vẽ điểm tô cho bức tranh vùng cao dù còn đó những khó khăn nhưng vẫn đậm chất trữ tình, thơ mộng và chan chứa tình người khắp một dải biên cương.
PV: Qua những chuyến đi, những lần gặp gỡ, những tác phẩm ra đời, điều sâu sắc nhất anh cảm nhận được về đất và người xứ Thanh là gì?
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Chủ đề của Trại sáng tác kịch bản của Hội Điện ảnh năm 2023 tại Thanh Hóa mà tôi tham gia là “Xứ Thanh, miền địa linh nhân kiệt”. Xưa nay người ta cũng vẫn dùng cụm từ này để nói về Thanh Hóa, nhưng được về Thanh Hóa, được nghe những câu chuyện lịch sử, được đến những vùng đất lịch sử cảm giác khác lắm. Tôi thấm hơn về vùng đất này nói riêng, về những gì các thế hệ người Việt từ hàng nghìn năm trước đã trải qua nói chung, để thấy có đọc, có đi bao nhiêu cũng vẫn là chưa đủ.
Thanh Hóa có một trữ lượng trầm tích văn hóa lớn, và đó chính là sức mạnh tiềm tàng, là “bệ phóng” cho những thế hệ sau này tự tin nhập cuộc với thời thế. Tôi cũng cảm nhận được một khí phách của người Thanh Hóa hôm qua và hôm nay.
PV: Sau cùng, kết nối thiêng liêng và bền vững nhất giữa người cầm bút và mảnh đất họ đã lưu dấu chân, đặt nặng ân tình chính là tác phẩm. Tiếp nối thành công của tập bút ký “Những vì sao biên giới”, anh có dự định về những tác phẩm tiếp theo như thế nào, mà ở đó đất và người xứ Thanh là nguồn cảm hứng hoặc nhân vật chính?
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Như đã nói, tôi vẫn còn những sáng tác khác về Thanh Hóa, “Những vì sao biên giới” chỉ là một tập hợp bút ký theo chuyên đề về người lính biên phòng ở xứ Thanh. Tôi hy vọng rằng mối duyên lành này sẽ còn tiếp tục, để tôi có nhiều thứ hơn chia sẻ cùng chị!
PV: Cảm ơn nhà văn về những chia sẻ!
Trung tá, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, sinh năm 1977 tại Phú Thọ. Anh đã xuất bản 11 đầu sách dành cho người lớn, thiếu nhi và đã gặt hái được nhiều giải thưởng, tiêu biểu như: Giải nhất cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức cho tiểu thuyết “Sát thủ online” (2008-2009). Giải thưởng Văn học 5 năm của Bộ Quốc phòng cho tiểu thuyết “Biển xanh màu lá” (2005-2009) và tập truyện ngắn “Hoa biển” (2009-2014). Giải Vàng sách hay - Giải thưởng sách của Hội Xuất bản Việt Nam (nay là Giải thưởng Sách quốc gia) cho tập sách thiếu nhi “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” năm 2012. Giải A cuộc thi truyện ngắn do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an phối hợp tổ chức cho truyện ngắn “Giao thừa” năm 2022. Giải A cuộc thi bút ký “Biên cương một dải vững bền” do Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa tổ chức năm 2023. |
Hương Thảo (thực hiện)
- 2024-09-16 08:46:00
Gương sáng “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”
- 2024-09-13 09:18:00
Danh quan Hoàng Hối Khanh
- 2024-08-02 08:14:00
Trịnh Tốn và tấm bia mộ ở Hà Sơn
Hà Duy Phiên: “Quan lại cao cấp, học giả uyên thâm”
Chàng lính cứu hộ đạt 2 điểm 10 kỳ thi tốt nghiệp THPT
Chàng trai xứ Thanh mang hương vị nem chua đi khắp mọi miền Tổ quốc
“Cậu bé vàng” của piano xứ Thanh
Phạm Quang Thư: Đời chiến binh của tôi dài theo đất nước
Hoài niệm ký ức xưa qua bộ sưu tập xe đạp cổ độc đáo
Vũ Văn Dũng, vị tướng lừng danh thời Tây Sơn
Thơ Hà Khang và nguồn mạch tâm hồn
Tướng quân Lê Đăng Tiệm, nhân vật lịch sử thời Lê Trung Hưng