(vhds.baothanhhoa.vn) - “Tư duy và chia sẻ” là cuốn sách đầu tiên của nhà ngoại giao, nhà hoạt động văn hóa giáo dục Tôn Nữ Thị Ninh không chỉ giúp người đọc hiểu chân dung một con người với đầy đủ quá trình sự nghiệp qua những bài phát biểu, bài viết, bài trả lời, phỏng vấn mà còn truyền cảm hứng nhất là đối tượng thanh niên Việt Nam cho một phong cách sống trung thực, tự trọng, dấn thân vì xã hội, đất nước.

Trung thực, tự trọng, dấn thân vì xã hội, đất nước

“Tư duy và chia sẻ” là cuốn sách đầu tiên của nhà ngoại giao, nhà hoạt động văn hóa giáo dục Tôn Nữ Thị Ninh không chỉ giúp người đọc hiểu chân dung một con người với đầy đủ quá trình sự nghiệp qua những bài phát biểu, bài viết, bài trả lời, phỏng vấn mà còn truyền cảm hứng nhất là đối tượng thanh niên Việt Nam cho một phong cách sống trung thực, tự trọng, dấn thân vì xã hội, đất nước.

Trung thực, tự trọng, dấn thân vì xã hội, đất nước

Văn hóa ban cho ta tính người. Văn hóa là di sản sống của mỗi dân tộc. Và vì vậy, một cách biện chứng khi nói đến vấn đề hội nhập, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh: Ngày nay hội nhập toàn cầu, chúng ta phải biết mình là ai. Phải xác định rõ mình tự hào gì ở dân tộc, và hổ thẹn điều gì ở đất nước. Lòng tự tôn dân tộc phải đi liền với lòng tự trọng quốc gia. Phải phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực để phát triển đất nước.

Sự từng trải của một nhà ngoại giao, sự uyên bác của một nhà giáo và của một người trải qua nhiều nền văn hóa khác nhau, tất cả đã khiến cho những quan điểm của Tôn Nữ Thị Ninh có sức nặng và có khả năng lan tỏa.

Trong một lần giao lưu với sinh viên khi được hỏi: điều khó khăn nhất của một người phụ nữ làm ngoại giao là gì?, Tôn Nữ Thị Ninh đã trả lời: Là không được rơi lệ. Câu trả lời thể hiện phần cảm xúc nhân văn phía sau một vẻ ngoài “thép” cũng như không né tránh chia sẻ những điều rất con người trước đại chúng.

Sách gồm các phần: Tản mạn - Việt Nam - Việt Nam và thế giới - Xã hội. Theo chia sẻ của tác giả, tư duy và chia sẻ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp của bà. Năm 2007, khi bắt đầu cuộc sống hưu trí, trở về làm thường dân đã mở ra chương mới rất thú vị làm phong phú thêm các mối quan hệ và giao lưu xã hội của chính bản thân bà. Sách không phải là tự truyện mà chính là những trải nghiệm phong phú cuộc đời hoạt động của nhà ngoại giao, nhà hoạt động văn hóa Tôn Nữ Thị Ninh với hy vọng kích thích suy nghĩ, khơi gợi ý kiến, quan điểm, cảm xúc và động lực hướng tới chân thiện mỹ nơi độc giả, nhất là giới trẻ.

Các tạp chí, các chuyên gia từng nhận định về bà thế này: thuộc dòng dõi hoàng tộc triều Nguyễn, mang cốt cách văn hóa và tâm tính của một phụ nữ gia giáo Huế nhưng chịu ảnh hưởng của nền Tây học và qua gần 30 năm làm việc trong ngành đối ngoại nên bà Ninh được biết đến như một biểu tượng của sự hòa hợp cổ - kim, Đông - Tây, của vẻ đẹp hiện đại. Ý nghĩa hơn, cuộc đời bà đã tìm ra vẻ đẹp của Việt Nam mình ở sự hòa hợp đặc biệt giữa thiên nhiên và không gian văn hóa với con người.

Với bà, cuộc đời là một tiến trình liên tục xây dựng bồi đắp và củng cố những yếu tố căn bản nhất của bản thân - đó là nhân sinh quan sống đàng hoàng, phương châm đối nhân xử thế kết hợp Đông - Tây, cương - nhu, tiêu chí phấn đấu thiện, đẹp, giỏi. Bà đã sống một cuộc đời như vậy dù ở cương vị và bình diện hoạt động nào với động lực chia sẻ cùng mọi người. Trong nhiều lần trả lời phỏng vấn, bà đã trao đổi: cốt lõi là chữ thiện, đó là xác định cho mình lẽ sống, vì đất nước, dân tộc, xã hội, người Việt Nam, làm người và phải là người có tài vì muốn đất nước đi lên chỉ có tốt thôi chưa đủ.

Thông thường con người Á Đông chúng ta luôn có ý thức để lại cái gì cho hậu thế. Trong một bài báo với tựa đề: “Tâm sự với tuổi trẻ: đi tìm một bản sắc Việt”, nhà hoạt động ngoại giao - văn hóa - giáo dục Tôn Nữ Thị Ninh đã nói rằng: trong vòng xoáy của cuộc sống hiện đại, của xã hội tiêu thụ và thế giới mở, chúng ta có thể đôi lúc mất “cảm thức” mình là ai, thuộc về đâu?. Mỗi một chúng ta tự trả lời câu hỏi đó bằng tư duy, hành vi và cách sống của mình. Với bà đó là đồng hành với đất nước và dân tộc.

Sự đồng hành đó đã được chứng thực bởi một đời hoạt động hết mình, tận hiến tận lực vì những điều có ích cho đất nước, dân tộc, cộng đồng. Ngay sau khi kết thúc hoạt động “chốn quan trường” thì bà đã tiếp tục hoạt động kết nối giáo dục được lan tỏa từ triết lý: tự nhận thức là một người gắn bó mãnh liệt với Việt Nam, thể hiện bản thân một cách sáng tạo và hòa nhập có suy tính với thế giới.

Thế hệ trẻ ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần tôi luyện 4 đặc điểm, tác giả Tôn Nữ Thị Ninh đã chỉ ra đó là hoài bão, đam mê, sáng tạo và bản lĩnh. Với giới nữ, những quan điểm của bà rất truyền cảm hứng, hãy phấn đấu vì bản thân giới nữ, vì bao phụ nữ khác và vì một thế giới ngày mai tốt đẹp hơn cho mọi người - nữ cũng như nam.

Đọc cuốn sách: “Tư duy và chia sẻ” người đọc dễ dàng đồng cảm với tấm lòng luôn đau đáu của một người “phụ nữ đẹp”, thiện tâm, tài giỏi, nhiệt huyết vì xã hội, cộng đồng từ nhà hoạt động ngoại giao, văn hóa, giáo dục Tôn Nữ Thị Ninh. Những vấn đề trăn trở cùng xã hội mà bà đã đặt ra, rất hy vọng được thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục giải đáp, hiện thực vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, đậm đà bản sắc.

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]