(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngay sau khi ngành giáo dục phát động triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc”, thầy, trò Trường THPT Ngọc Lặc đã phấn đấu, nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm xây dựng mô hình gắn với thông điệp “Nhà trường, thầy, cô giáo thay đổi để hướng đến một môi trường sư phạm văn minh, thân thiện, an toàn”.

Trường THPT Ngọc Lặc với mô hình xây dựng “Trường học hạnh phúc”

Ngay sau khi ngành giáo dục phát động triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc”, thầy, trò Trường THPT Ngọc Lặc đã phấn đấu, nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm xây dựng mô hình gắn với thông điệp “Nhà trường, thầy, cô giáo thay đổi để hướng đến một môi trường sư phạm văn minh, thân thiện, an toàn”.

Trường THPT Ngọc Lặc với mô hình xây dựng “Trường học hạnh phúc”Hoạt động giao lưu văn nghệ của cán bộ, giáo viên Trường THPT Ngọc Lặc chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2022.

Là trường đóng chân trên địa bàn huyện miền núi với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, một bộ phận phụ huynh còn phó mặc việc học của con em cho nhà trường. Cùng với đó là công tác tuyển sinh đầu vào thấp, chất lượng không đồng đều, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, điều này đã tác động không nhỏ đến việc dạy, học và tổ chức các hoạt động khác trong trường. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện chủ trương xây dựng “Trường học hạnh phúc”, câu hỏi luôn thôi thúc và thường trực trong ban giám hiệu và mỗi cán bộ, giáo viên là làm thế nào để thầy, cô hạnh phúc, học trò vui vẻ khi đến trường. Bởi chỉ khi học sinh hạnh phúc, giáo viên sẽ hạnh phúc, khi nhà trường hạnh phúc, phụ huynh sẽ hạnh phúc.

Cô giáo Lê Thị Anh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc, cho hay: "Xác định được những khó khăn của đơn vị, đứng trước yêu cầu đổi mới của ngành, để triển khai tốt mô hình “Trường học hạnh phúc”, năm 2020 ban chấp hành công đoàn nhà trường đã tham mưu cho đảng ủy, ban giám hiệu thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên được tập trung thực hiện là xây dựng nhà trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, khang trang và hiện đại".

Theo cô Anh, muốn giáo viên và học sinh yêu trường, gắn bó với trường lớp thì phải xây dựng được cảnh quan nhà trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, khang trang, hiện đại, hướng đến thân thiện. Để làm được điều này nhà trường đã thực hiện và phát huy hiệu quả tính nêu gương, trong đó cấp trên nêu gương cho cấp dưới, giáo viên nêu gương cho học sinh. Từ quan điểm này, cứ hết giờ hành chính ban giám hiệu nhà trường lại tập trung ra cải tạo khuôn viên vườn trường, giáo viên thấy vậy cũng làm theo cứ thế thành phong trào và chỉ trong một thời gian ngắn hơn 1.000m2 vườn trường đã thành khuôn viên xanh, sạch, đẹp. Ngoài ra, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, ngành giáo dục và phụ huynh học sinh, cơ sở vật chất nhà trường cũng từng bước được đầu tư khang trang, hiện đại đáp ứng yêu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cùng với nhiệm vụ trên để xây dựng thành công “Trường học hạnh phúc”, Trường THPT Ngọc Lặc đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường. Cách làm của Trường THPT Ngọc Lặc trong nhiệm vụ này đó là phát huy tính dân chủ, tinh thần tự giác, tự nguyện mà cán bộ, giáo viên nhà trường vẫn gọi đó là “mệnh lệnh từ trái tim” để hướng hành động của giáo viên và học sinh đến với nội quy của ngành, của cơ quan chứ không phải bằng những mệnh lệnh khô khan, cứng nhắc. Để hiện thực hóa điều này, hằng ngày ban giám hiệu nhà trường đều có mặt đông đủ ở cổng trường cùng bảo vệ, ban nền nếp, giáo viên trực tuần để đón giáo viên và học sinh đến trường và đưa các em về sau mỗi buổi học tại cổng trường thầy trò chào nhau và đôi khi uốn nắn những tác phong chưa phù hợp trước khi các em vào trường, điều này đã tạo được sự thân thiện, gắn bó, tính chấp hành, sự an toàn như: văn hóa chào hỏi, cách ăn mặc, đầu tóc, tác phong và việc chấp hành giao thông hàng ngày của học sinh. Từ đó mỗi giáo viên và học sinh nhà trường đều cố gắng để biết cách cân bằng cảm xúc tạo mối quan hệ đồng chí, đồng nghiệp, mối quan hệ thầy trò và với Nhân dân thân thiện, tích cực hơn, biết lan tỏa yêu thương đến những người xung quanh mình để tạo môi trường học đường thân thiện.

Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc Lê Thị Anh cho biết thêm, song song với dạy học văn hóa, nhà trường còn đặc biệt coi trọng công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh và phát huy bản sắc địa phương. Học sinh được tham gia các buổi ngoại khóa, các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, an ninh mạng, phòng chống ma túy, bạo lực học đường hay tuyên truyền về sức khỏe sinh sản vị thành niên... Các buổi sinh hoạt dưới cờ hàng tuần đã được sân khấu hóa bằng các hoạt động trải nghiệm lôi cuốn... Sau mỗi giờ học, giáo viên và học sinh lại có những giây phút thoải mái để chơi môn thể thao mà mình yêu thích và là dịp để các thầy, các cô, các học sinh em gắn kết, hiểu nhau nhiều hơn.

Từ những giải pháp và cách làm trên, sau gần 4 năm nỗ lực xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”, Trường THPT Ngọc Lặc đã thu về những “quả ngọt” ban đầu. Đó chính là sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh. Nhờ đó, có nhiều giáo viên tự nguyện tham gia học tập nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; tỷ lệ học sinh khá, giỏi năm sau cao hơn năm trước; tỷ lệ đậu đại học theo nguyện vọng 1 hằng năm đều đạt từ 60% trở lên... Kết quả này vừa là niềm tin, sự tự hào, vừa là động lực mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường tiếp tục nỗ lực, cố gắng xây dựng thành công mô hình “Trường học hạnh phúc” hướng tới hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của ngành.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]