(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong không khí phấn khởi của ngày xuân hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, chúng tôi tìm về những địa chỉ với những thành tích, chiến công vang dội trong kháng chiến, được Bác Hồ ngợi khen. Đó là xã Vĩnh Khang (Vĩnh Lộc) dẫn đầu toàn miền Bắc trong xóa mù chữ; người dân Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) với nhiều đóng góp cho kháng chiến; những nữ dân quân Hoa Lộc (Hậu Lộc) bắn rơi máy bay...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tự hào những đơn vị được Bác ngợi khen

(VH&ĐS) Trong không khí phấn khởi của ngày xuân hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, chúng tôi tìm về những địa chỉ với những thành tích, chiến công vang dội trong kháng chiến, được Bác Hồ ngợi khen. Đó là xã Vĩnh Khang (Vĩnh Lộc) dẫn đầu toàn miền Bắc trong xóa mù chữ; người dân Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) với nhiều đóng góp cho kháng chiến; những nữ dân quân Hoa Lộc (Hậu Lộc) bắn rơi máy bay...

Vĩnh Khang dẫn đầu diệt giặc dốt

Những ngày sau Cách mạng Tháng Tám, không chỉ quan tâm tới kinh tế, chính trị, Bác Hồ còn luôn trăn trở tới văn hóa, giáo dục. Người từng nói: "Cùng với diệt giặc đói, giặc ngoại xâm chúng ta còn nhiệm vụ quan trọng là phải diệt cho được giặc dốt". Phong trào bình dân học vụ được triển khai mạnh mẽ trên cả nước. Người biết chữ dạy cho người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít, học ở mọi lúc, mọi nơi có thể, quyết tâm diệt cho được giặc dốt...

Xã Vĩnh Khang những năm đầu sau cách mạng cũng bộn bề những khó khăn, trong đó, không ngoại trừ giặc dốt.

Bác Hồ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho huyện Vĩnh Lộc năm 1958 khi là đơn vị huyện đầu tiên của miền Bắc xóa xong nạn mù chữ trước thời hạn.

Các cụ cao niên trong xã kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện diệt giặc dốt của xã ngày đó. Với khẩu hiệu “mỗi người biết chữ là một giáo viên bình dân học vụ”, Ban Bình dân học vụ đã tuyên truyền, vận động tất cả người chưa biết chữ đến lớp học. Để tiện cho việc dạy chữ, đã có nhiều lớp học được mở ra: lớp xóa mù cho trẻ em, cho người lớn, cho nông dân, phụ nữ... để mỗi thành phần, lứa tuổi đều có thể tìm được lớp học thích hợp. Nói về phong trào xóa mù chữ ngày đó, người dân trong xã vẫn nhớ đến công lao, đóng góp của cụ Xuân, cụ Đãi... khi các cụ đến từng nhà để vận động người dân đi học. Rồi việc săn sóc, động viên bà con học lấy con chữ. Ai thiếu giấy cấp giấy, ai thiếu phấn cấp phấn...Cứ như vậy, phong trào dạy chữ lan tỏa đến từng làng, từng thôn, từng gia đình và mỗi con người.

Trong câu chuyện nghe kể về phong trào xóa mù chữ ở xã Vĩnh Khang, chúng tôi thực sự cảm phục về cách nghĩ, cách làm quyết liệt và vô cùng sáng tạo của người dân nơi đây. Theo đó, ông Mai Văn Chẩn, Trưởng ban Bình dân học vụ lúc bấy giờ đã cho làm những chiếc bảng gỗ nhỏ treo ngoài cổng. Gia đình nào thanh toán được nạn mù chữ sẽ được treo bảng. Cứ như vậy, năm gia đình, mười gia đình và rồi tất cả các gia đình đều được treo biển. Những tấm biển công nhận tuy đơn sơ nhưng thực chất, chẳng chạy theo thành tích.

Với thành tích diệt giặc dốt thành công, ngày 21/12/1956 nhân dân xã Vĩnh Khang đã vinh dự được Bác gửi thư khen ngợi. Trong thư Người viết: “Tôi rất vui lòng được báo cáo nhiều nơi đồng bào đã thanh toán nạn mù chữ. Nông thôn cả nước thì Vĩnh Khang là xã dẫn đầu trong thành tích thoát nạn mù chữ...Tôi thay mặt Đảng, Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi đồng bào và cán bộ, đồng thời khuyên đồng bào và cán bộ tiếp tục cố gắng học thêm mãi để tiến bộ mãi...”.

Không chỉ gửi thư khen, trong lần thứ hai về thăm Thanh Hóa, Bác liên tục nhắc đến thành tích của xã Vĩnh Khang như một điển hình xuất sắc. Những lời khen ngợi giản dị, chân thực của Người là sự động viên quý giá đối với mỗi người dân xã Vĩnh Khang. Đó cũng là niềm tự hào, kiêu hãnh để từ đây người dân tiếp tục phấn đấu, nỗ lực trong mọi hoạt động.

Ý nghĩa hơn khi phong trào xóa nạn mù chữ của xã Vĩnh Khang đã đạt được kết quả không còn giới hạn ở phạm vi địa phương mà đã lan tỏa sang các xã lân cận, tạo nên một phong trào lao động và học tập sâu rộng đầy ấn tượng. Trên tinh thần đó, ngày 17/6/1958, một lần nữa Bác Hồ lại tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng bào và cán bộ huyện Vĩnh Lộc với thành tích “Đã xóa xong nạn mù chữ trước thời hạn quy định và sớm nhất trong các huyện toàn miền Bắc”.

Gương sáng trung đội nữ dân quân Hoa Lộc

Trong kháng chiến, có thể khẳng định, quân và dân Thanh Hóa luôn tạo nên những chiến công vang dội. Những con người rất đỗi bình thường, làm nên những chiến công phi thường.

Đó là câu chuyện 14 nữ dân quân Hoa Lộc. Những cô gái tuổi còn rất trẻ. Họ đã mang trọn nhiệt huyết sức trẻ, giáp mặt với kẻ thù. Chẳng qua trường lớp, chẳng trang thiết bị hiện đại, với họ chỉ duy nhất tình yêu đất nước cùng quyết tâm phá tan âm mưu phá hoại của quân thù là động lực để mọi mục tiêu được thực hiện.

Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc. (ảnh tư liệu)

Ngày ấy, giữa bom đạn ác liệt mà đế quốc Mỹ ra sức thả xuống đất Việt vốn đã nhiều đau thương, những cô gái Hoa Lộc tưởng như chân yếu tay mềm, chưa từng tiếp xúc với đạn bom, lại mạnh mẽ, dũng cảm đến thế. Chỉ có 11 ngày cho việc học lý thuyết cũng như thực hành, súng đạn chẳng có nhiều, phải luân phiên nhau để học. Và trước sự uy hiếp của không lực Hoa Kỳ, những cô gái dân quân lại mãnh mẽ hơn bao giờ.

Và kỳ tích đã thực sự đến với trung đội những cô gái trẻ. Chỉ với ba khẩu súng được giao, những “o du kích” đã giáng vào tham vọng của kẻ thù những đòn chí mạng. Kỳ tích bắn rơi máy bay khiến người trong cuộc cũng phải ngỡ ngàng khi trung đội nữ dân quân Hoa Lộc là đơn vị nữ đầu tiên trên toàn miền Bắc bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh. Điều đó thật đáng tự hào biết bao! Với chiến công đó, trung đội đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và tặng cho mỗi cô gái một huy hiệu của Người.

Trong thư khen ngợi, Người viết: “Các đơn vị dân quân các nơi khác hãy thi đua sản xuất và chiến đấu với trung đội dân quân gái huyện Hậu Lộc”.

Chiến tranh lùi xa, đau thương cũng dần được hàn gắn nhưng những chiến công của trung đội nữ dân quân Hoa Lộc ngày nào vẫn luôn là dấu son trong lịch sử. Giờ đây, 14 cô gái trẻ tuổi đôi mươi ngày nào trong trung đội dân quân Hoa Lộc người còn, người mất, xóm làng, bờ bến cũng đã lặng im tiếng súng đạn. Nhưng vẫn còn đó bãi đất Đông Ngàn ngày nào, chứng tích ôm trong mình trọn vẹn những câu chuyện lịch sử. Vẫn còn đó bức thư khen ngợi mà Bác Hồ đã gửi tới các cô gái trẻ...Bấy nhiêu thôi, cũng đủ để chúng ta biết rằng, đã có những đau thương, vất vả, đã có những con người dũng cảm chẳng quản hy sinh, để viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ.

Và những cụ già bắn rơi máy bay

Cùng với trung đội nữ dân quân Hoa Lộc, Thanh Hóa trong chiến tranh còn góp sức mình bằng những chiến công giống như kỳ tích. Và trong số đó, không thể không nhắc đến chiến công của những Lão quân Hoằng Trường bắn rơi máy bay Mỹ năm 1967. Họ là những lão ngư đầy kinh nghiệm nghề biển lại vô cùng xuất thần khi cầm súng đối mặt với kẻ thù. Chỉ bằng súng bộ binh, các lão dân quân đã tiêu diệt những “con ma, thần sấm” của không lực Hoa Kỳ. Chiến công đó, chắc hẳn đã tốn không ít giấy mực của báo chí nước ngoài.

Và chiến công của những lão ngư tưởng chỉ biết bám biển ngay sau đó được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Được sự động viên kịp thời của Bác, trung đội lão quân Hoằng Trường đã tiếp tục phấn đấu để làm nên những chiến công, góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc Việt Nam...

Vẹn nguyên niềm tự hào

Kể sao hết những thành tích mà nhân dân Thanh Hóa đã đóng góp cho chiến tranh, và cũng không kể hết những lần Bác khen các đơn vị ở Thanh Hóa. Và cũng thật khó để kể hết tình cảm, sự quan tâm mà Bác Hồ kính yêu đã luôn dành cho quân và dân địa phương. Làm theo lời Bác dạy, những chiến công sẽ tiếp tục được nối dài, để từ đó kỳ tích tiếp tục được viết nên, dù trong chiến tranh hay thời bình.

Đi qua hai cuộc chiến với không ít vết thương vẫn còn để lại. Quân và dân Thanh Hóa luôn tự hào với những chiến công vang dội, hiển hách đã làm nên trong cuộc chiến với kẻ thù. Những chiến công đó, được Đảng, Bác Hồ và đồng bào cả nước ghi nhận. Đáng trân quý hơn khi những chiến công hiển hách của quân và dân Thanh Hóa luôn được Bác dõi theo, động viên và khen ngợi. Bác đã đi xa, nhưng sự quan tâm của Bác với mảnh đất và con người xứ Thanh thì vẫn còn đó, vẹn nguyên niềm tự hào!

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]