(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Không khỏi bồi hồi, xúc động và xen lẫn tự hào khi tôi lại có dịp trở về và được chứng kiến sự đổi thay trên những địa danh lịch sử, nơi thành lập các chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa: Khu Di tích lịch sử đình Hàm Hạ, xã Đông Tiến (nay là thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn); nhà thờ họ Vương, làng Phúc Lộc (xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa), nhà thờ cụ Lê Văn Sỹ, thôn Yên Trường (xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân)... vào những ngày đầu xuân mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xuân này về nơi đầu tiên có Đảng

(VH&ĐS) Không khỏi bồi hồi, xúc động và xen lẫn tự hào khi tôi lại có dịp trở về và được chứng kiến sự đổi thay trên những địa danh lịch sử, nơi thành lập các chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa: Khu Di tích lịch sử đình Hàm Hạ, xã Đông Tiến (nay là thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn); nhà thờ họ Vương, làng Phúc Lộc (xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa), nhà thờ cụ Lê Văn Sỹ, thôn Yên Trường (xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân)... vào những ngày đầu xuân mới.

Từ những “địa chỉ đỏ” thời khắc có Đảng

Không phải lần đầu được đến thăm Khu Di tích Lịch sử đình Hàm Hạ, nhưng mùa xuân này trở lại, tôi cảm nhận rõ hơn sức sống mới của vùng quê nơi đây. Những cánh đồng trù phú, giao thông đi lại thuận lợi, nhà cửa khang trang như một bức tranh phản chiếu cuộc sống no đủ đang hiện hữu. Bác Phạm Văn Bản - Phó Bí thư Chi bộ thôn Hàm Hạ kể với chúng tôi đầy tự hào: Mới đó mà đã 86 năm trôi qua, nhưng ký ức về nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh - Chi bộ Hàm Hạ tại nhà đồng chí Lê Oanh Kiều ngày 25/6/1930 vẫn còn in đậm trong tâm trí của người dân nơi đây. Truyền thống quê hương cách mạng đó là động lực để mỗi người dân nơi đây luôn đoàn kết, vượt qua khó khăn để có cuộc sống no ấm hơn. Làng Hàm Hạ hiện có hơn 40% hộ khá, giàu từ các ngành nghề kinh doanh dịch vụ, trồng trọt, chăn nuôi và không còn hộ đói.

Bác Phạm Văn Bản cho biết thêm: Nhà văn hóa của làng cũng đã kịp thời đổ mái trong những ngày cuối năm để Tết Nguyên đán này, người dân làng Hàm Hạ có nơi sinh hoạt rộng rãi, khang trang, sạch sẽ hơn. Và một điều nữa mà người dân mong chờ từ lâu đã trở thành hiện thực, đó là đúng ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên huyện Đông Sơn, ngày 25/6/2016 thị trấn đã công bố quyết định sáp nhập chi bộ Đại Đồng 2, chi bộ Đại Đồng 3 để thành lập chi bộ Hàm Hạ gắn với di tích.

Đến thăm nhà thờ họ Vương, thôn Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thiệu Hóa (10/7/1930), được đi trên những con đường rộng, ngắm nhìn những công trình mới vươn cao, bề thế, chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động và tự hào về những đổi thay vượt bậc của một vùng quê cách mạng. Trong câu chuyện cuối năm, ông Lê Tiến Đăng - Chủ tịch UBND xã Thiệu Tiến không giấu được niềm vui cho biết: Nét nổi bật trên quê hương cách mạng những năm gần đây là phần lớn cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong xã có nhiều chuyển biến rõ rệt trong lời nói và việc làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên luôn được các chi bộ, cơ quan duy trì thường xuyên mỗi khi triển khai thực hiện công việc. Xã đã cán đích xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2015 và trong năm 2016 tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đời sống của người dân từng bước được cải thiện với thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13%. Lĩnh vực văn hóa - xã hội thêm nhiều khởi sắc, an ninh - quốc phòng được giữ vững.

“Đối với di tích nhà thờ họ Vương - niềm tự hào của địa phương đã được đầu tư xây dựng xứng tầm và khánh thành vào năm 2014 với tổng giá trị đầu tư trên 10 tỷ đồng. Tiếp đó, sau nhiều lần hội thảo, vào năm 2016 tỉnh đã quyết định đầu tư để xây dựng mô phỏng nguyên bản nhà thờ cũ, đây cũng là niềm mong mỏi bấy lâu nay của rất nhiều người dân trong xã, trong huyện” - Chủ tịch UBND xã Lê Tiến Đăng cho biết thêm.

Cũng từ sau khi biết có chủ trương trùng tu, tôn tạo và phục dựng nguyên trạng cả 3 cụm di tích lịch sử cách mạng của tỉnh, ông Lê Văn Thìn (con trai cụ Lê Văn Sỹ, thôn Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân) - nơi diễn ra hội nghị hợp nhất 3 chi bộ Đảng thành lập Đảng bộ tỉnh vào ngày 29/7/1930 - người đang trông coi, gìn giữ khu di tích cách mạng Yên Trường - cho biết: Từ khi biết tỉnh quyết định đầu tư để nâng cấp khu di tích cách mạng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên trong vùng rất phấn khởi trước sự quan tâm của tỉnh, nhất là các cụ cao niên mong chờ ngày này lâu lắm rồi. Nhiều cụ nói rằng, có nhắm mắt cũng yên lòng. Và tôi tin rằng đây tiếp tục sẽ là địa chỉ đỏ để ngày càng có nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân trong và ngoài tỉnh đến thắp hương tri ân những thế hệ đi trước.

Diện mạo mới

Đi khắp mọi nẻo đường, nơi đã từng in dấu những địa danh hào hùng, chúng tôi đều cảm nhận được sự thay da, đổi thịt của những vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Qua gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người dân, cán bộ, đảng viên các địa phương - nơi có những di tích đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được biết: “Chìa khóa” tạo nên sự đổi thay ấy chính là do Đảng bộ và nhân dân địa phương đã biết phát huy sức mạnh đại đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp nối truyền thống những lớp người đi trước.

Mỗi địa phương đều có cách đi riêng từ phát huy truyền thống cách mạng của quê hương và điều kiện thuận lợi để xây dựng chương trình hành động sát với thực tiễn địa phương. Trong đó có việc nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, đảng viên và chất lượng hoạt động của chi bộ thôn được xem là yếu tố quyết định. Do vậy, nhiều nhiệm vụ khó khăn, như: dồn điền đổi thửa, quy hoạch đồng ruộng, làm đường giao thông nông thôn... đã được thực hiện tốt. Nhiều đảng viên là tấm gương đi đầu trong xây dựng NTM. Vai trò chi bộ thôn và các tổ chức đoàn thể được phát huy, góp phần tạo nên diện mạo mới của quê hương.

Một niềm vui nữa lại về trên các vùng quê cách mạng trong mùa xuân mới, đó là sau bao nhiêu năm mong chờ nay đã trở thành hiện thực khi tỉnh có phương án trùng tu, tôn tạo và phục dựng nguyên trạng cả 3 cụm di tích này và được thực hiện ngay trong năm 2017. Đó sẽ là những công trình văn hóa lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là niềm tự hào của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Đây tiếp tục là những địa chỉ đỏ để giáo dục, tuyên truyền, động viên các thế hệ trẻ tiếp bước cha anh, phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, truyền thống yêu nước vẻ vang, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ra sức học tập, rèn luyện, góp phần tích cực vào việc xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trung Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]