(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhấp chén trà, vị đăng đắng, nhưng dần dần thấm sâu vào đầu lưỡi lại có vị ngọt dịu, thanh mát. Không phải trà búp, chè xanh, sen, cúc hay một loại trà nào đó thường uống. Một vị khác lạ nhưng sao quen thuộc đến vậy. Nhắm mắt lại, cố kiếm tìm trong ký ức cái hương vị đã lâu rồi tôi chưa bắt gặp lại. Ôi chao, trà mâm xôi ngày xưa đây mà!

Tuổi thơ với mùa mâm xôi!

Nhấp chén trà, vị đăng đắng, nhưng dần dần thấm sâu vào đầu lưỡi lại có vị ngọt dịu, thanh mát. Không phải trà búp, chè xanh, sen, cúc hay một loại trà nào đó thường uống. Một vị khác lạ nhưng sao quen thuộc đến vậy. Nhắm mắt lại, cố kiếm tìm trong ký ức cái hương vị đã lâu rồi tôi chưa bắt gặp lại. Ôi chao, trà mâm xôi ngày xưa đây mà!

Tuổi thơ với mùa mâm xôi!

Chả là mấy hôm nay thức khuya, bụng khó chịu, nhớ lần trước mẹ gửi quà quê lên có gói trà mẹ gói gém cẩn thận, nói uống tốt cho hệ tiêu hoá. Sau bữa cơm tối tôi lại pha trà và nhâm nhi trước giờ lên phòng làm việc. Vẫn vị xưa ấy. Cái vị của cây mâm xôi làm tôi bồi hồi về những ngày xưa cũ.

Trong bạt ngàn cây rừng quê tôi, thì cây mâm xôi là giống cây mọc hoang dại và cũng được nhiều người trong thôn mang về trồng ở vườn nhà. Cây cho quả thơm ngon, phần ngọn non của nó còn được dùng làm trà để uống rất tốt cho sức khoẻ. Không phải ngẫu nhiên mà tôi lại xao xuyến khi gặp lại cái hương vị xưa, bởi nó gợi lại bao kỷ niệm một thời thơ ấu.

Đất quê cằn cỗi, cây mâm xôi vẫn mạnh mẽ sinh tồn tươi tốt, trong cái rét khắc nghiệt của tiết trời mùa đông, tưởng chừng chúng không chịu nỗi, những nhựa sống được tích tụ trong từng thớ mạch bắt gặp ánh nắng mới, tắm mát bằng những hạt mưa xuân rồi đâm chồi, nảy lộc mơn mởn phủ xanh vùng đất cằn.

Mâm xôi, loại cây dân dã. Hoa mâm xôi không rực rỡ sắc màu, cũng không toả hương thơm ngào ngạt, cứ nhỏ ly ti bé xíu vậy, nhưng chỉ khoảng một tuần khi đơm hoa thì dần dần tách ra làm lộ những tép nhỏ mọng nước, từng tép mọng nước này lại được tạo hoá sắp xếp thật khéo léo thành những ụ to tràn đầy trông giống như ụ xôi đặt trên cái mâm vậy. Có lẽ vì thế mà người ta gọi là mâm xôi.

Nụm quả mâm xôi không ai bán cả, chỉ có người sinh ra ở xóm núi mới thường được thưởng thức. Đó là món quà quý giá mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho quê tôi, cái vị chua chua, ngòn ngọt cứ thấm mãi và lưu lại nơi đầu lưỡi, khiến ai đó ăn chín lại muốn ăn mười.

Hồi nhỏ, mỗi trưa hè chúng tôi thường trốn người lớn rồi rủ nhau vào núi hái mâm xôi. Vui vẻ, cười đùa, tranh nhau từng quả, nhiều lần bị gai cây mâm xôi đâm vào khóc thét.

Cây mâm xôi cũng được bố mang giống trên núi về trồng ở sau vườn. Sau đó bụi mâm xôi thật to, tay mâm xôi cứ vươn dài, từng chồi non bụ bẫm. Do được mẹ chăm bón nên quả mâm xôi cứ kết thành nụm to và đầy, vào chính vụ quả nhiều vô kể, ăn không hết mẹ thường hái nụm vào ngâm cùng với đường phèn dùng làm nước uống giải khát. Nước mâm xôi ngon chẳng thua kém gì các loại quả ngâm và dầm khác. Mẹ nói, mỗi khi đi ra đồng ruộng về, uống nước mâm xôi ngâm đường thấy bao mệt nhọc, bức bối đều tan biến.

Tháng ba bố lại ngắt ngọn cây mâm xôi. Bố bảo ngắt đi cây sẽ đâm chồi mới, cho nhánh nhiều hơn, cho quả sai hơn. Và đặc biệt, ngoài việc cho quả, những ngọn cây mâm xôi còn được dùng làm rà để uống và là một vị thuốc quý điều trị các bệnh về đường tiêu hoá.

Những đọt non cây mâm xôi, bố thường bóc lớp vỏ ngoài cùng rồi phơi khô, đặt lên bếp sao vàng rồi cho vào túi bóng dùng làm trà uống hàng ngày.

Dịp này, ở quê chắc mẹ cũng đã ngâm đầy những nụm mâm xôi cùng với đường trong hũ lớn, những đọt non được bố hái vào và sao vàng thành trà.

Uống ly trà mâm xôi bao nỗi nhớ quê và ký ức tuổi thơ lại ùa về.

Hà Hiếu


Hà Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]