(vhds.baothanhhoa.vn) - Dưới nắng sớm, giữa những bờ cỏ dại ven đường, hoa xuyến chi đu đưa trong gió. Không rực rỡ, thắm đượm mà giản dị như một lời chào nhẹ nhàng của tự nhiên. Xuyến chi không cần ai nhớ đến, lá cứ xanh mướt mát, hoa cứ bung nở dù cho mưa ngàn, nắng nỏ... và xuyến chi luôn gợi chút nhớ, chút thương, chút hoài niệm trong tôi về một thời thơ ấu yên bình nơi xóm nhỏ.

Xuyến chi ngày cũ

Dưới nắng sớm, giữa những bờ cỏ dại ven đường, hoa xuyến chi đu đưa trong gió. Không rực rỡ, thắm đượm mà giản dị như một lời chào nhẹ nhàng của tự nhiên. Xuyến chi không cần ai nhớ đến, lá cứ xanh mướt mát, hoa cứ bung nở dù cho mưa ngàn, nắng nỏ... và xuyến chi luôn gợi chút nhớ, chút thương, chút hoài niệm trong tôi về một thời thơ ấu yên bình nơi xóm nhỏ.

Xuyến chi ngày cũ

Minh họa: BH

Xóm tôi, cái xóm tách biệt với làng với xã, xóm bên sông, xóm ngụ cư, xóm côi, xóm góp... thôi thì người trong làng gọi bằng đủ thứ tên nhưng tên chuẩn địa danh nhất vẫn là xóm Chu. Chu là tên con sông đã nhẫn nại trải qua bao mưa nắng, thác ghềnh từ thượng nguồn... đến đây lắng đọng phù sa để thành bãi bồi cho xóm tôi cư ngụ.

Ngày ấy, lũ trẻ chúng tôi vẫn chân trần đi trên con đường mòn qua bến đò ngang để đến trường đi tìm con chữ, hai bên lối mòn đầy những xuyến chi xanh mướt mát, hoa trắng bung nở bạt ngàn. Hạt xuyến chi già nhẹ nhàng bám vào gấu quần, vào vạt áo, đó là cách để xuyến chi phát tán “giống nòi” đi khắp mọi nơi, như lũ trẻ quê tôi vẫn nuôi ước mơ bay xa qua từng trang sách nhỏ.

Mùa mưa bão, nước lũ từ thượng nguồn đổ về, con đường mòn từ làng ra bến đò ngập trong màu nước đục. Nước rút, đường nhầy nhụa bùn đất, cỏ cây tơi tả. Nắng lên gắt gỏng, mọi sinh linh dưới vòm nắng ấy tưởng như đều bị nung nỏ, nấu chín.

Xuyến chi cũng rũ rượi, quắt queo bởi cái khắc nghiệt của tiết trời. Nhưng với sức sống mãnh liệt, chỉ sau vài ngày nước lũ rút, nắng hạ nhiệt, ngàn vạn những mầm xanh của xuyến chi từ gốc lại đâm chồi xanh mướt mát, non tơ phơi phới... Những thân xanh lại đu đưa với gió, nụ hoa lại chi chít bung nở phủ trắng hai bên vệ đường.

Nhớ hồi đó, người ta dựng rào chắn, máy móc, vật liệu kéo về tập kết nơi bến nước. Tin xây cầu lan khắp xóm làng như cơn gió. Ngày cây cầu bê tông khánh thành nối liền hai bờ, đám nít ranh chúng tôi vui sướng tung tăng chạy trên cầu. Gió từ mặt sông thổi ào ào, chúng tôi đứng giữa cầu dang tay mà hét lớn: “Không còn phải đợi đò nữa rồi!”. Vệ đường, xuyến chi vẫn nở, cánh mỏng manh khẽ rung trong gió sớm như chưa từng có gì đổi thay.

Từ ngày có cầu cứng, việc đi lại giao thương của người làng tôi dễ dàng hơn, học sinh đến trường không còn cảnh lội nước, áo quần ướt sũng, cũng không còn lý do để chờ nhau nơi bến cũ. Con đường từ làng ra cầu cũng được đổ bê tông phẳng lỳ, xe cộ qua lại nhiều hơn, người ta phát cỏ, trồng cây cảnh. Xuyến chi cũng dần vắng bóng, lặng lẽ như cách nó từng đến.

Ký ức về làng, về con đường ven sông có hoa xuyến chi thi thoảng vẫn chập chờn, chấp chới trong tâm tưởng của tôi. Nhớ vị đắng, mùi ngai ngái của ngọn xuyến chi mẹ hái về chế biến món ăn thay rau vào ngày giáp hạt; rồi nồi nước mẹ nấu từ xuyến chi cho anh em chúng tôi tắm trị ngứa mỗi khi tiết trời giao mùa; thanh niên đôi lứa tặng nhau hoa xuyến chi mà nên nghĩa vợ chồng; người già trong xóm còn truyền tai nhau, giã nhỏ xuyến chi rồi vắt lấy nước hòa cùng một chút muối mặn dùng để uống có thể như một bài thuốc dân gian chữa bách bệnh.

Phố thị ngày nắng, chợt thèm những buổi tắm sông đùa vui nơi bến cũ, đám học trò túm tụm gỡ quả xuyến chi già mắc trên áo quần sau cuộc vui trốn tìm, thèm được hái những bông xuyến chi cài lên mái tóc, vuốt nhẹ vạt xuyến chi xanh mát đôi bàn tay, thèm vị đắng mùi ngai ngái của xuyến chi một thời thơ ấu... và ánh mắt ai lúng liếng bên bó hoa xuyến chi cánh trắng nhị vàng.

Tản văn của Minh Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]