Tướng quân Nguyễn Phan
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, lại sống vào thời loạn lạc, các thế lực phong kiến nổi lên tranh giành quyền lực, lựa chọn theo đường binh nghiệp, với tài năng và trí dũng hơn người, Nguyễn Phan - người con của đất làng Xuân Lôi đã trở thành vị tướng quân được quân sĩ kính nể, sử sách lưu danh.
Di tích đền thờ Nguyễn Phan ở làng Hạ Vũ, xã Hoằng Đạt.
Làng Xuân Lôi, xã Hà Dương xưa, nay là làng Hạ Vũ, xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) là quê hương của tướng quân Nguyễn Phan. Theo các tài liệu lưu giữ như văn bia, sắc phong, gia phả dòng họ, Nguyễn Phan sinh năm 1711. Gia cảnh nghèo khó, lớn lên trong thời đất nước loạn lạc, lại là người có chí khí, Nguyễn Phan đã rời quê nhà, gia nhập đội quân triều Lê - Trịnh, trở thành chiến binh.
Với bản tính gan dạ và tài năng võ lược, khi đánh trận ông luôn thể hiện sự bản lĩnh, không sợ hiểm nguy, vì thế mà được chú ý, chúa Trịnh tin dùng. Sau nhiều lần lập công nơi chiến trận, Nguyễn Phan được phong làm Đốc tướng Sơn Tây, ban tước hầu. Sau đó, ông được thăng làm Đốc đạo trấn Kinh Bắc.
Năm Canh Ngọ (1750), Nguyễn Danh Phương khởi nghĩa ở Sơn Tây, Nguyễn Phan được chúa Trịnh cử làm tướng tiên phong đốc quân tiến đánh đồn Úc Kỳ. Tương truyền, trước khi cầm quân đi dẹp phản loạn, ông được chúa Trịnh ban cho thanh kiếm hẹn phải phá được đồn.
Xác định đây là lần đánh trận khốc liệt nên ông đã cởi chiến bào, mặc áo lụa, xuống ngựa và nói với quân sĩ đi theo, lời lẽ chân thành: “Trừ các quân sĩ có tên trong sổ, vì đều đã có quân pháp, còn các ngươi là người của ta, nay chính là lúc ta bỏ mình cứu nước, cũng chính là ngày các ngươi báo ơn ta nuôi nấng. Tuy nhiên, cũng có người cảnh gia đình không thể dứt bỏ được, ai có cha mẹ già, con bé còn vướng víu tình đó thì cho về. Còn nữa, nên cố gắng tự mình phấn khích cùng ta quyết sống chết báo ơn, không để thẹn thân mày râu” (sách Lịch triều hiến chương loại chí). Trước tấm lòng của chủ tướng, tướng sĩ dưới trướng đồng lòng đi theo ông, dốc sức vì nhiệm vụ.
Trong lần đánh trận này, tướng Nguyễn Phan đích thân đi đầu, dẫn đại binh tiến đánh các đồn Úc Kỳ, Hương Canh, rồi tiến đến núi Ngọc Bôi khiến quân khởi nghĩa phải bỏ chạy. Từ đây, Sơn Tây lại yên ổn trở lại. Khải hoàn về triều, tướng quân Nguyễn Phan “được thưởng một kim bài và hai ngân bài, được thăng lên chức Thiếu phó, giữ trấn Thanh Hoa. Từ đó, thanh danh của ông “lẫy lừng, uy danh lẫm liệt”, ông đi đến đâu là ở đó bọn giặc dã, trộm cướp không dám hoành hành, dân chúng được yên ổn làm ăn, sinh sống” (sách Danh nhân Thanh Hóa).
Với tài võ lược, cầm quân, tướng Nguyễn Phan được triều đình Lê - Trịnh tin tưởng điều động trấn thủ các địa phương xảy ra khởi nghĩa, nổi loạn như Hải Dương, Kinh Bắc. Nơi nào ông đến, sau một thời gian đều lập lại được trật tự, ổn định.
Sau thời gian trấn thủ, đánh trận, năm 1763, tướng quân Nguyễn Phan xin vua Lê - chúa Trịnh về quê nghỉ ngơi. Tuy nhiên, chỉ vài năm, trong nước lại có loạn, triều đình Lê - Trịnh đã mời ông ra cầm quân đánh giặc.
Bấy giờ, Lê Duy Mật - một tôn thất nhà Lê khởi binh chống lại triều đình ở Trấn Ninh (Nghệ An). Tướng Nguyễn Phan được cử làm Chánh thống lĩnh đạo Thanh Hoa đem quân hợp lực với hai đạo quân ở Nghệ An, Hưng Hóa để đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật. Với sự tin tưởng và kỳ vọng dành cho tướng Nguyễn Phan, chúa Trịnh đã ban cho ông thanh kiếm vàng, đồng thời đứng trước quân sĩ dụ rằng: “Từ thuộc tướng trở xuống, ai không tuân lệnh cứ chém đừng tiếc thanh kiếm này”.
Nhận nhiệm vụ, tướng quân Nguyễn Phan đã tập hợp binh mã, tiến lên vùng thượng du, đến Yên Định gặp quân của Lê Duy Mật, ông chia binh thành các ngả, tấn công và nhanh chóng giành thắng lợi. Chúa Trịnh nghe tin thắng trận, đã lập tức ban thưởng cho ông ngân bài để động viên, khích lệ. Theo đường tiến quân, tướng Nguyễn Phan chỉ huy quân sĩ bám sát các sườn núi tiến đánh các xứ Trình Ban và Bạn Xung... Chỉ sau một thời gian ngắn, quân của Nguyễn Phan đã nhanh chóng chiếm lĩnh các vị trí trọng yếu ở khu vực miền Tây Thanh Hoa và Nghệ An. Từ đây tạo thế và lực, bao vây căn cứ Trình Quang ở Trấn Ninh (Nghệ An).
Lập công lớn, thắng lợi trở về, tướng quân Nguyễn Phan được triều đình trọng thưởng, ông được thăng chức Thái tể, tước Quận công. Tướng Nguyễn Phan trở về quê nhà an hưởng tuổi già. Nhưng chỉ một thời gian, ông lại được triều đình mời ra làm Đốc lĩnh hai đạo quân Hưng Hóa, Thanh Hoa đi đánh giặc cướp từ Ai Lao tràn sang ở động Mãnh Thiên. Giặc cướp nghe tin Nguyễn Phan dẫn quân đến đã sợ hãi trốn chạy. Về sau, trong triều đình Lê - Trịnh nổi loạn kiêu binh, tướng Nguyễn Phan được cử làm Chánh đề lĩnh Kinh thành.
Sau khi mất, tướng quân Nguyễn Phan được tôn làm phúc thần và được người dân Hạ Vũ hương khói, phụng thờ.
Không chỉ là tướng giỏi cầm quân đánh trận, tướng quân Nguyễn Phan còn được sử sách và dân gian nhắc đến với công lao giúp dân quai đê ngăn nước mặn ở vùng đất Khang Cù (thuộc Hậu Lộc ngày nay).
Năm 1784, tướng quân Nguyễn Phan qua đời. “Ông là một công thần cuối thời Lê - Trịnh, một nhà quân sự có tài, đánh đâu thắng đó, góp phần vào sự ổn định tình hình xã hội phong kiến Đàng Ngoài trong những năm giữa thế kỷ XVIII. Trong 37 năm theo cuộc đời binh nghiệp, ông đã được triều đình phong kiến Lê - Trịnh phong chức 34 lần và tặng thưởng ngân bài (thẻ vàng, thẻ bạc) (sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa).
Với công lao to lớn, tướng quân Nguyễn Phan được các triều đại phong kiến về sau ban sắc phong, ngợi ca là “bậc giúp nước... anh dũng, khoan hậu, hùng lược... bậc trụ cột cao cả của nước, phong phúc thần Đại vương Thượng đẳng tối linh thần”. Ngày nay, tại đền thờ ông ở quê nhà Hạ Vũ còn lưu câu đối ngợi ca, đại ý: “Công ở biên thùy, danh lưu sử sách/ Sống làm tướng giỏi, đức thấm Nhân dân”.
Sau khi tướng quân Nguyễn Phan qua đời, đền thờ ông được lập dựng ở quê nhà làng Xuân Lôi nay là làng Hạ Vũ, xã Hoằng Đạt, người dân địa phương vẫn thường gọi là đền thờ Tướng công. Đền thờ ông khi xưa được dựng với kiến trúc chữ “Nhị” gồm tiền đường (3 gian 2 chái) và hậu cung (3 gian)... Tuy nhiên, trải qua biến thiên lịch sử và thời gian, di tích đã bị xuống cấp, nhiều hư hỏng.
Dẫn chúng tôi tham quan di tích, ông Nguyễn Kim Lăng, hậu duệ dòng họ Nguyễn trông coi di tích, tâm tư: “Do xuống cấp, hiện nay toàn bộ đền luôn trong tình trạng ẩm thấp do cốt nền thấp (so với xung quanh); mái dột, hệ thống rui mè, cột cửa bị hư hỏng... rất xót xa”.
Ông Hoàng Hữu Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Đạt, cho biết: “Đền thờ Nguyễn Phan là một trong ba di tích đã được xếp hạng trên địa bàn xã. Đây là nơi thờ tự nhân vật lịch sử có công với đất nước, Nhân dân. Với sự kính ngưỡng dành cho tiền nhân, con cháu dòng họ Nguyễn và người dân địa phương mong rằng, di tích đền thờ Nguyễn Phan sẽ sớm được các cấp chính quyền, ngành chuyên môn quan tâm hỗ trợ kinh phí trùng tu”.
Bài và ảnh: Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-12-11 09:11:00
Thu phí tham quan Bảo tàng Hà Nội và 2 di tích phố cổ từ năm 2025
-
2024-12-11 08:29:00
Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào năm 2024
-
2024-11-08 08:27:00
Tác phẩm về sự sáng tạo trong việc học ngôn ngữ giành giải cuộc thi Pháp ngữ
Người trẻ và sứ mệnh giữ gìn văn hóa dân tộc: Khi người trẻ giữ “lửa”
Triển lãm nghệ thuật “Phan Huỳnh Điểu-Cánh chim bay về”
Niềm vui với Toán học
UNESCO xem xét công nhận kỹ thuật nấu rượu sake là di sản văn hóa phi vật thể
“Bản giao hưởng sắc màu” Festival Hoa Đà Lạt 2024 hấp dẫn với nhiều hoạt động
Trở lại chuyện chính tả “xán lạn” hay “sáng lạn”
615 ứng viên đạt chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024
Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa: Cần tối ưu hóa nguồn lực
Huyền thoại nhạc kịch thế giới Philip Quast sắp có liveshow tại Việt Nam