(vhds.baothanhhoa.vn) - Đem lại giá trị kinh tế cao, mô hình nuôi gà đen của đồng bào dân tộc Mông ở bản Khằm 2, xã Trung Lý đang được nhiều hộ dân huyện Mường Lát quan tâm, đẩy mạnh. Đặc biệt vào thời gian trước Tết Nguyên đán, đặc sản gà đen rất “đắt hàng”.

Ước mơ “vượt núi”

Đem lại giá trị kinh tế cao, mô hình nuôi gà đen của đồng bào dân tộc Mông ở bản Khằm 2, xã Trung Lý đang được nhiều hộ dân huyện Mường Lát quan tâm, đẩy mạnh. Đặc biệt vào thời gian trước Tết Nguyên đán, đặc sản gà đen rất “đắt hàng”.

Ước mơ “vượt núi”Mô hình nuôi gà Mông của gia đình anh Giàng A Vành, ở bản Khằm 2, xã Trung Lý (Mường Lát).

Kỳ vọng “con thoát nghèo”

Bản Khằm 1, Khằm 2, xã Trung Lý nằm cheo leo vắt ngang cổng trời Mường Lát. Bao đời nay, đời sống người dân vẫn còn gặp vô vàn khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, địa hình chia cắt, câu chuyện giúp bà con thoát nghèo vẫn là nỗi day dứt của chính quyền địa phương nơi đây. Những ngày tháng 12 này, chúng tôi đến với bà con dân tộc Mông, nghe râm ran câu chuyện về con gà đen đặc sản của người Mông.

Chả là mấy tháng nay, gia đình anh Giàng A Vành, chị Thao Thị Chá, ở bản Khằm 2 được chính quyền địa phương định hướng xây dựng sản phẩm OCOP mang thương hiệu “Gà đen Khằm 2”. Để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thẩm định, công nhận sản phẩm “Gà đen Khằm 2” trở thành sản phẩm OCOP, gia đình anh Vành đã chủ động mua lò ấp trứng mini để thuận lợi cho việc nhân giống gà, duy trì đàn gà và cung cấp giống cho bà con trong vùng. Đồng thời, anh đầu tư xây dựng khu giết mổ vệ sinh. Gà thương phẩm được làm thịt, hút chân không, cung cấp sản phẩm sạch, an toàn đến khách hàng ở xa. Dự tính tháng 12 này nếu được xét duyệt, sản phẩm “Gà đen Khằm 2” sẽ là sản phẩm OCOP đầu tiên do người Mông xây dựng ở Thanh Hóa. Việc khoác trên mình “chiếc áo mới”, con gà đen bản địa sẽ được nâng cao giá trị, đồng thời thúc đẩy sản phẩm đặc sản địa phương phát triển, vươn xa ra thị trường.

Gia đình anh Vành là hộ đầu tiên của bản chăn nuôi gà đen bản địa thương phẩm. Gia đình anh luôn duy trì đàn từ 200 - 300 con/lứa, một năm xuất 2 lứa; giá gà dao động từ 220.000 - 250.000 đồng/kg. Dự kiến, dịp Tết Nguyên đán sắp tới, giá gà có thể lên gần 300.000 đồng/kg. Vừa bán gà thương phẩm, anh Vành vừa cung cấp gà giống cho bà con. “Gà đen chỉ ăn ngô và thức ăn có sẵn trong tự nhiên và cần khoảng không gian lớn, thoáng mát để sinh sống. Nhờ thế, thịt gà chắc, hàm lượng mỡ trong thịt ít và thơm ngon vào bậc nhất trong các giống gà ở Việt Nam hiện nay” - anh Vành khẳng định.

Nhận thấy hiệu quả từ nuôi gà đen bản địa quy mô của gia đình anh Giàng A Vành, nhiều hộ dân ở xã Trung Lý cũng đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà đen bản địa tập trung, như: gia đình ông Giàng Seo Vảng, Giàng A Sì A (bản Khằm 2), Hạng A Chừ (bản Khằm 1)... Ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Trung Lý, cho biết: “Gia đình anh Giàng A Vành liên kết với 21 hộ dân trên địa bàn để nuôi và cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho đầu ra sản phẩm. Dự kiến, khoảng 1.000 con gà thương phẩm sẽ được đưa ra thị trường trong và ngoài huyện mỗi lứa”.

Được biết, ngoài xã Trung Lý, giống gà đen bản địa của đồng bào Mông huyện Mường Lát được nuôi nhỏ lẻ ở các xã: Pù Nhi, Nhi Sơn, Tam Chung, Mường Lý. Tuy nhiên, do phương thức chăn nuôi chủ yếu là chăn thả tự nhiên, gà tự kiếm ăn trên nương, đồi và chuồng trại thô sơ, không biết áp dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi, nên gà phát triển chậm và kém năng suất. Người dân cũng không phòng bệnh bằng vắc-xin cho gà, nên khi có dịch bệnh xảy ra gà hay bị chết hàng loạt. Chính vì thế, để bảo vệ giống gà quý, UBND huyện Mường Lát đã có nhiều giải pháp bảo tồn và nhân rộng giống gà đen cho người dân nuôi.

Cụ thể, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình 1719), huyện Mường Lát đã triển khai Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất nuôi gà đen bản địa thương phẩm, thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3 Chương trình 1719 cho tổ cộng đồng bản Hua Pù, xã Pù Nhi. Tổng số lượng con giống hỗ trợ là 2.112 con, dự án được triển khai trong 6 tháng. Dự kiến, sau chu kỳ sản xuất các hộ tham gia dự án sẽ tăng thu nhập từ 8.000.000 đồng/năm trở lên; các đối tượng tham gia dự án là 16 hộ nghèo; 13 hộ cận nghèo ở bản Hua Pù, mục tiêu có 16 hộ thoát nghèo và 13 hộ ổn định kinh tế ở mức thu nhập khá từ nuôi gà đen. Ngoài ra, Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình 1719 được triển khai thực hiện tại thị trấn Mường Lát, hỗ trợ phát triển sản xuất nuôi gà đen H’Mông thương phẩm cho tổ cộng đồng thuộc các khu phố: Buốn, Tén Tằn, Piềng Mòn. Tổng số lượng con giống hỗ trợ cho bà con là 1.888 con. Dự án nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật chăn nuôi gà đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.

Mùi, vị của núi

Chiều đông, khói bếp bay, bữa cơm đãi khách của gia đình anh Giàng A Vành có vài món ăn đặc sản, như: thịt lợn đen, rau cải... Và không thể thiếu đĩa thịt gà đen luộc. Anh Vành chia sẻ, người dưới xuôi thường mua gà đen về chế biến cầu kỳ hoặc hầm với thuốc bắc để bồi bổ sức khỏe, nhưng với đồng bào dân tộc Mông thì gà đen được chế biến khá đơn giản, chỉ có luộc lên rồi chấm với muối và hạt mắc khén là ngon nhất, còn người Thái có thêm món gà nấu xáo với gừng.

Bữa cơm rôm rả khi anh Vành kể lại câu chuyện về con gà đen từ những ngày xưa cũ. Nguồn gốc của giống gà quý này vẫn là một điều bí ẩn, chỉ biết rằng chúng đã đi vào cuộc sống của người Mông, là một phần của non cao Mường Lát. Khi đường sá còn chưa thuận lợi như bây giờ, bà con dân tộc Mông sống ở trên những ngọn núi cao lâu lâu mới được xuống núi, đi chợ phiên. Các bà, các mẹ gùi theo bó măng non, chùm mắc khén hay nắm ớt rừng...; các ông bố ôm theo con lợn, con gà... xuống bán lấy tiền mua nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình. Ở cái thời ăn không đủ no, quần áo không đủ mặc thì con gà đen đã rất có giá trị, không phải ai muốn mua cũng được. Bởi, mỗi nhà chỉ thả nuôi vài con, phục vụ thức ăn cho gia đình. Vì thế mà gà Mông trở thành của hiếm, “đặc sản” của non cao.

Mấy năm gần đây, nhiều người ở dưới xuôi đã lên huyện Mường Lát mua giống gà Mông về nuôi. Tuy nhiên, theo anh Vành, gà Mông của đồng bào Mông nuôi vẫn ngon hơn, vì gà sống trên núi cao, quanh năm mây phủ; ăn sâu rừng, lá rừng; uống nước từ khe núi; đậu trên cành cây rừng,... mà lớn. Cái sự ngọt, lành của thịt gà Mông cũng từ đấy mà ra.

Có thể nói với những ưu điểm và giá trị kinh tế, mô hình nuôi gà Mông ở xã Trung Lý đã mang lại hiệu quả bước đầu, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Tuy nhiên hiện nay, gà Mông ở huyện Mường Lát chưa được nhiều người biết đến. Vì thế, các ngành chức năng và các hộ chăn nuôi cần có giải pháp quảng bá sản phẩm, tạo thị trường tiêu thụ ổn định.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]