(vhds.baothanhhoa.vn) - Nền văn hóa bản địa của các dân tộc trên mảnh đất xứ Thanh được đúc kết qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau và được ví như dòng phù sa bồi tụ những gì tinh túy nhất. Để rồi, trải qua sự thử thách của thời gian, những giá trị văn hóa ấy ngày càng được nâng niu, trân trọng và phát huy giá trị trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.

Văn hóa bản địa - “chìa khóa” thúc đẩy du lịch bền vững (Bài 1): Nền văn hóa bản địa đặc sắc

Nền văn hóa bản địa của các dân tộc trên mảnh đất xứ Thanh được đúc kết qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau và được ví như dòng phù sa bồi tụ những gì tinh túy nhất. Để rồi, trải qua sự thử thách của thời gian, những giá trị văn hóa ấy ngày càng được nâng niu, trân trọng và phát huy giá trị trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.

Văn hóa bản địa - “chìa khóa” thúc đẩy du lịch bền vững (Bài 1): Nền văn hóa bản địa đặc sắcĐiểm du lịch sinh thái Lê Niên Glamping, xã Xuân Thái (Như Thanh) hấp dẫn du khách. Ảnh: Nguyễn Đạt

Mỗi dân tộc một nét văn hóa riêng

Xứ Thanh - mảnh đất hội tụ 7 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đồng bào Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú cùng nhau sáng tạo nên một nền văn hóa bản địa vô cùng phong phú và độc đáo, thể hiện sinh động qua các phong tục tập quán, trang phục, lễ hội, trò chơi dân gian, nghề thủ công, ẩm thực... Mỗi loại hình văn hóa ở mỗi dân tộc lại có một cách biểu đạt riêng, mang màu sắc riêng. Nếu như, đồng bào dân tộc Mường nổi tiếng với lễ hội Pồn Pôông, hay tiếng hát xường ngân nga, tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng núi rừng; thì dân tộc Thái lại uyển chuyển trong điệu múa xòe, hay rộn ràng trong tiếng nhảy sạp; với cư dân miền biển thì lại nhộn nhịp trong không gian của các lễ hội cầu ngư, lễ hội bánh chưng - bánh giầy... Chính sự độc đáo và đa dạng đó đã tạo nên sức hấp dẫn du khách đến khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.

Xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) - mảnh đất là nơi “ăn sâu, bám rễ” của đa số đồng bào dân tộc Mường. Tại thôn Lập Thắng của xã, ngôi nhà sàn cổ có tuổi đời hàng trăm năm vẫn được gia đình ông Phạm Văn Cảnh bảo tồn và phát huy, trở thành “địa chỉ” du lịch cộng đồng quen thuộc của du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ông Cảnh cho hay: "Với đồng bào dân tộc Mường ở đây, những giá trị văn hóa truyền thống đã ngấm vào máu thịt và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy, ở thôn còn lưu giữ được các trò diễn dân gian, nghệ thuật diễn xướng dân tộc Mường, hát ru, sắc bùa, mo Mường, đánh cồng chiêng... Điểm nổi bật nhất trong bức tranh văn hóa tại đây chính là sự hiện diện của nhiều ngôi nhà sàn cổ truyền thống nằm san sát nhau, tạo nên một vẻ đẹp vô cùng bình yên và mộc mạc làm bất cứ ai đến đây cũng đều muốn khám phá".

Nhiều thôn khác trong xã như Lương Ngô, Tân Thành..., sự hiện diện nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mường trong đời sống hầu như vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Song, điều đó không phải ngẫu nhiên mà có, đó là cả một quá trình nỗ lực của chính quyền địa phương, cũng như Ban công tác mặt trận ở các thôn trong việc đẩy mạnh tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm sâu”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để bà con biết, trân trọng, gìn giữ những di sản văn hóa do chính mình sáng tạo ra. Xã cũng tích cực thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng, văn hóa văn nghệ và vận động bà con tham gia. Ngoài ra, việc khuyến khích các hộ dân trong thôn Lập Thắng tiến hành cải tạo nhà sàn, chỉnh trang vườn nhà, hàng rào, cổng, ngõ làm du lịch cộng đồng, nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025” của huyện Ngọc Lặc, cũng được đẩy mạnh.

Ông Phạm Đình Cường, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ngọc Lặc cho biết: Thật không quá khi nói Ngọc Lặc là “cái nôi di sản”, bởi từ dặm dài lịch sử, các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp tạo nên cho mảnh đất này nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, độc đáo, giàu giá trị. Minh chứng là trong nhiều năm trở lại đây, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã liên tục được vinh danh ở hạng mục di sản văn hóa cấp quốc gia. Đó là trò diễn Pồn Pôông; nghệ thuật diễn xướng Xường giao duyên; nghệ thuật trình diễn dân gian hát Sắc Bùa; tập quán xã hội và tín ngưỡng Nghi lễ Nhảng chập đáo (Tết nhảy) của người Dao quần chẹt; tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường (chung của dân tộc Mường 11 huyện miền núi trong tỉnh). Thành quả này, chính là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của huyện cũng như người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, để từ đó “biến di sản thành tài sản”, đóng góp tích cực cho việc phát triển du lịch, cũng như kinh tế - xã hội của địa phương.

Với người dân các xã vùng biển xứ Thanh, do đặc thù công việc là quanh năm bám biển, lênh đênh trên sông nước, đối mặt với sóng to gió lớn, từ đó đã hình thành nên những phong tục tập quán, tín ngưỡng vô cùng đặc sắc, như tục thờ cá Ông, tổ chức lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian... thể hiện ước vọng cầu mong vị thần của biển che chở cho người dân được an lành, trời yên biển lặng, đánh bắt được nhiều hải sản. Trong đó, điển hình nhất là lễ hội Cầu an - Cầu ngư, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), được tổ chức hàng năm với quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương đến dự. Tại lễ hội, ngoài phần lễ, phần hội, được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi như, đấu cờ tướng, kéo co, hát bài điếm, giao lưu văn nghệ. Việc tổ chức lễ hội không chỉ là sợi dây gắn tình đoàn kết trong cộng đồng mà còn tạo nên sản phẩm du lịch hút du khách.

Những nét đẹp văn hóa của các dân tộc trong tỉnh đều là tinh hoa được chắt lọc từ ngàn đời mà cha ông đi trước đã dày công vun đắp, gây dựng và là “sản phẩm” văn hóa tinh thần của làng quê, có sự gắn bó chặt chẽ, đồng hành với đời sống. Để rồi cho đến hôm nay, lớp thế hệ con cháu đi sau vẫn hàng ngày trân trọng, tự hào, chung tay gìn giữ và phát huy để các giá trị văn hóa ấy được lan tỏa, thấm sâu vào đời sống.

Văn hóa bản địa - “điểm tựa” để du lịch “cất cánh”

Giữa tháng 7 tạm xa cái ồn ào, náo nhiệt của thành phố, chúng tôi ngược ngàn lên xã Xuân Thái (Như Thanh), để tìm một chút bình yên của núi rừng. Đón chúng tôi, là cái nắng dịu dàng chạy dọc trên sườn núi, trải dài trên những thửa ruộng bậc thang xanh mướt. Phó Chủ tịch UBND xã Lê Trung Nguyên dẫn chúng tôi đi tham quan một số điểm du lịch sinh thái trên địa bàn và hào hứng cho biết: Địa phương là nơi có cảnh quan thiên nhiên trong lành, mát mẻ. Hơn nữa, lại có đa số là đồng bào dân tộc Thái, Mường sinh sống nên nhiều nét văn hóa truyền thống vẫn được gìn giữ như: cồng chiêng, khua luống, khặp Thái,... và những ngôi nhà sàn truyền thống. Do đó, xã luôn xác định các giá trị văn hóa bản địa chính là “dư địa” trong việc tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm. Thời gian qua, để khuyến khích người dân trong xã tận dụng bản sắc văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, xã đã phối hợp với các ngành liên quan mở nhiều lớp tập huấn về văn hóa ứng xử du lịch, dạy nấu ăn...; tuyên truyền cho người dân tích cực dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường; thành lập các đội văn nghệ để biểu diễn phục vụ du khách. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 7 điểm du lịch cộng đồng, nổi bật là điểm Hoa mua Camping, Lê Niên Glamping... Tại các điểm du lịch này, đều có không gian đẹp như một hòn đảo nhỏ và được dựng các lều trại phục vụ du khách lưu trú. Du khách đến đây được tham gia nhiều hoạt động như giao lưu văn hóa, văn nghệ; chèo thuyền trên sông Mực; hay hòa mình vào thiên nhiên, ngắm cảnh ruộng bậc thang, thưởng thức ẩm thực của miền núi như gà nướng, lợn quay... Nhờ đầu tư bài bản nên từ đầu năm đến nay, toàn xã thu hút được khoảng 8.000 lượt khách đến tham quan.

Là một trong những huyện khá nhanh nhạy và thành công trong việc phát huy văn hóa bản địa tạo “điểm tựa” để du lịch “cất cánh”, bà Lê Thị Hương, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thành nhấn mạnh: "Sử dụng chất liệu từ các giá trị văn hóa bản địa một cách sáng tạo là vấn đề đã được phát huy trong hoạt động du lịch ở huyện. Từ đó, nhằm thiết lập nền tảng cho sản phẩm du lịch đặc trưng, có chiều sâu và chạm đến sự tử tế trong dịch vụ du lịch. Trên cơ sở đó, huyện đã hình thành được khá nhiều sản phẩm du lịch gắn liền với đời sống của đồng bào như du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch trải nghiệm... Từ đó, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tính riêng 6 tháng đầu năm, toàn huyện đón được gần 27 nghìn lượt khách, doanh thu ước đạt 15,4 tỷ đồng".

Ông Phạm Tiến Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Du lịch lữ hành TP Thanh Hóa, cho rằng: Việc tận dụng và khai thác tốt các di sản văn hóa, biến các di sản văn hóa trở thành tài nguyên du lịch là hướng đi đúng và trúng. Bởi, không những làm cho cư dân bản địa có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, quản lý di sản, mà còn góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng du lịch - dịch vụ. Trên thực tế, hiện nay, du khách lựa chọn sản phẩm du lịch này cũng khá đông, nên nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng đã thiết kế, xây dựng sáng tạo nên những tour, chương trình du lịch trải nghiệm di sản hấp dẫn du khách.

Trong định hướng, mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh cũng đã xác định yếu tố văn hóa bản địa chính là “chìa khóa”, là “thỏi nam châm” hút khách du lịch đến suốt bốn mùa. Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm, ban hành nhiều đề án phát triển du lịch gắn với việc khai thác giá trị văn hóa bản địa; trong đó có 10 đề án phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác các giá trị tự nhiên và văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực miền núi. Đồng thời, khuyến khích các địa phương tích cực khai thác giá trị độc đáo từ bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc và coi đây là một trong những yếu tố để thu hút du khách, từ đó sớm đưa du lịch của tỉnh thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nguyễn Đạt - Hoài Anh

Bài 2: Vì sao sản phẩm còn đơn điệu, trùng lặp?!



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]