Văn hóa đọc trong bạn trẻ: Nhìn từ thư viện trường học
Để hình thành thói quen đọc sách trong bạn trẻ, thư viện trường học đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, thực tế hoạt động - phát huy hiệu quả của thư viện trường học hiện nay là câu chuyện còn nhiều trăn trở.
Tại Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát) việc đọc sách tại thư viện trường giúp các em học tốt hơn môn tiếng Việt.
Tháng 11/2023, trong chuyến ngược ngàn lên huyện vùng cao Mường Lát, tôi có dịp ghé thăm Trường Tiểu học Trung Lý 1. Vào giờ ra chơi, khi tiếng trống vừa dứt, những bạn nhỏ chạy ùa ra thư viện xanh phía ngoài sân trường, nhanh chóng lựa những cuốn sách để đọc.
Gọi là thư viện xanh, nhưng cũng thật đơn sơ. Vài chiếc lốp xe đã cũ được đánh sạch, sơn màu sặc sỡ; dăm chiếc ghế; chiếc tủ sách... tất cả đều sạch sẽ. Trong không gian ấy, những đứa trẻ chuyền tay nhau từng cuốn sách không còn mới, em đứng, em ngồi... say sưa đọc. Có cô bé đang đọc sách thì bất chợt kéo bạn bên cạnh lại gần, chỉ tay vào sách, thì thầm với nhau như chừng mới phát hiện điều gì đó thú vị, rồi chốc lát lại tiếp tục quay ra làm bạn với những trang sách.
Có mặt tại không gian đọc sách lúc đó, còn có cô giáo trẻ Lò Thị Hậu. Cô giáo Hậu cho biết: “Học sinh của Trường Tiểu học Trung Lý 1 đại đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Mông chiếm tỷ lệ cao, gia đình nhiều khó khăn. Bố mẹ ít có điều kiện mua sách để các con đọc. Việc đọc sách của các em chủ yếu diễn ra tại trường. Vì thế, nếu không được đọc sách ở thư viện trường, các em cũng chẳng biết tìm sách ở đâu để đọc".
Ở Trường Tiểu học Trung Lý 1, để đa dạng các tài liệu, đầu sách nhằm đáp ứng nhu cầu đọc của học sinh được tốt hơn, bên cạnh nguồn kinh phí ít ỏi, nhà trường cũng thường xuyên đấu mối, kêu gọi các nhà hảo tâm, đơn vị để nhận hỗ trợ sách bổ sung cho thư viện xanh. Thầy giáo Lê Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1, chia sẻ: “Để có thêm sách cho học sinh đọc tại thư viện xanh, các thầy, cô giáo cũng không ngại đi... “xin” sách. Như xin của bạn bè, đồng nghiệp, người quen dưới xuôi... Do điều kiện còn nhiều khó khăn, với học sinh trên địa bàn huyện Mường Lát nói chung, học sinh Trường Tiểu học Trung Lý 1 nói riêng, đọc sách tại thư viện xanh thường xuyên không chỉ là một cách giải trí bổ ích, mà còn giúp cho việc đọc, viết tiếng Việt của các con được tốt hơn”.
Ở Trường Tiểu học Hà Lâm (Hà Trung), hoạt động đọc sách được tổ chức thường xuyên, tạo thành thói quen cho học sinh.
Tại Trường Tiểu học Hà Lâm (xã Yến Sơn, huyện Hà Trung), phong trào đọc sách cũng được thầy và trò nhà trường quan tâm. Bên cạnh thư viện truyền thống, nhà trường còn có thư viện xanh với các “cây” sách, “ống” sách để tiện cho học sinh tìm đọc. Việc đọc sách của học sinh còn được thầy, cô giáo trong nhà trường hướng dẫn, định hướng để các em có những sự lựa chọn và cách đọc sách phù hợp. Nhờ đó, những năm qua, trong cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Thanh Hóa, Trường Tiểu học Hà Lâm liên tục có học sinh đạt giải cao.
Chia sẻ về việc khơi dậy tình yêu và tạo thói quen đọc trong học sinh nhà trường, thầy Nguyễn Trần Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Lâm, cho biết: “Cùng với hoạt động chuyên môn thì đọc sách - hình thành văn hóa đọc được các thầy, cô giáo nhà trường quan tâm. Việc đọc sách được tổ chức thường xuyên thông qua các giờ ra chơi, các tiết học... nhằm hình thành thói quen. Thay vì để học sinh tự “bơi”, tự chọn thì thầy, cô giáo cũng định hướng cho các em những đầu sách hay, hướng dẫn các em cách chọn, đọc sách hiệu quả. Cùng với đó, luôn đồng hành cùng học sinh trong những cuộc thi. Từ đấy, tạo được sự vui vẻ, hào hứng của học sinh đối với sách".
Vừa qua, tại Trường Tiểu học Hà Lâm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với huyện Hà Trung tổ chức lễ phát động vòng sơ khảo cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. Cũng trong buổi phát động, Thư viện tỉnh đã tổ chức Ngày hội đọc sách với xe thư viện lưu động, đồng thời trao tặng sách cho Trường Tiểu học Hà Lâm.
Khẳng định về tầm quan trọng của việc hình thành văn hóa đọc trong trường học, song thầy giáo Nguyễn Trần Vinh cũng cho biết: Hiện nay hoạt động của thư viện các trường học gặp nhiều khó khăn. Do thiếu kinh phí nên số lượng đầu sách ít, nghèo nàn, chủ yếu vẫn là sách giáo khoa, sách tham khảo, chưa nhiều các sách về văn hóa, truyện... phù hợp với đối tượng bạn đọc nhỏ. Cùng với đó hầu hết thư viện trường học đều thiếu thủ thư có chuyên môn, nghiệp vụ... Đa phần, để duy trì hoạt động của thư viện trường học là giáo viên kiêm nhiệm. Những vấn đề đó cũng là “rào cản” ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động thư viện trường học.
Chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Trần Vinh cũng là câu chuyện thực tế khó khăn của nhiều thư viện trường học hiện nay: Thiếu sách - chưa có nhân viên thủ thư chuyên trách - và thiếu vắng cả... người đọc sách. Tại không ít đơn vị trường học, thư viện vẫn đang giữ vai trò là “kho” chứa sách, hoạt động đọc sách ít được tổ chức thường xuyên. Từ đó dẫn đến thực tế chưa hình thành được thói quen đọc sách trong học sinh.
Câu chuyện người Việt lười đọc sách và thiếu kỹ năng đọc sách vẫn là thực tế đáng buồn. Có nhiều nguyên do đã được chỉ ra. Trong đó, nếu ngay từ nhỏ, từ trong gia đình, trong trường học, những người trẻ không có - không được tạo lập thói quen đọc sách, thì thật khó để có thể yêu sách khi đã là người trưởng thành.
Bên cạnh đó, tại không ít trường học, thư viện vẫn chủ yếu đóng vai trò là “kho” chứa sách, số lượng sách ít, không đa dạng.
Ngày 21/4 hằng năm - Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh, khuyến khích và nâng cao nhận thức của mỗi người về tầm quan trọng của việc đọc sách. Đến ngày này, nhiều trường học tổ chức hưởng ứng với các hoạt động sôi nổi. Tuy nhiên, hiệu quả của việc đọc sách - hình thành văn hóa đọc trong nhà trường sẽ khó đạt được nếu chỉ dừng lại ở những hoạt động bề nổi “mỗi năm đôi lần”. Nhưng bên cạnh đó, với nhiều trăn trở cùng cách làm sáng tạo, thời gian qua, cũng đã có không ít trường học khắc phục được những khó khăn, phát huy hiệu quả, để thư viện trường học thực sự trở thành nơi “ươm mầm”, hình thành văn hóa đọc trong học sinh thân yêu.
Sách - kho tàng tri thức của nhân loại. Khẳng định ý nghĩa của việc đọc sách, một nhà bác học nổi tiếng trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã từng nói: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng - chẳng bằng kinh sử một vài pho”. Đọc sách không chỉ giúp con người tiếp cận tri thức của nhân loại, khai mở tâm trí, mà sách còn như “người thầy”, người bạn “dẫn lối” người đọc đến những điều tốt đẹp.
Để thay đổi, tạo lập thói quen - hình thành văn hóa đọc đối với người Việt, đó không phải câu chuyện của ngày một, ngày hai hay những hô hào khẩu hiệu, kêu gọi... Hãy quan tâm hơn, bắt đầu từ những thư viện trong trường học.
Bài và ảnh: Lương Khoa
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:02:00
Thận trọng với đồ ăn vặt trước cổng trường
-
2024-11-20 06:38:00
Cô giáo cuộc đời tôi...
-
2024-04-21 15:03:00
Hiệu quả giờ học từ bài giảng điện tử
Nghị lực vượt khó của cậu học trò nghèo
Nâng cao chất lượng dạy và học bậc THCS ở huyện Nga Sơn
Nhân viên trường học nóng lòng chờ hưởng phụ cấp ưu đãi 25%
Thực sự cần thiết giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo?
Lớp học 3 trình độ trên non cao
Xét công nhận tốt nghiệp THCS nhìn từ Thông tư 31
Thi thử - lo thật
“Tăng tốc” để nâng cao chất lượng giáo dục
Đảm bảo sức khỏe, bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh