(vhds.baothanhhoa.vn) - Để tiếp tục lan tỏa những giá trị của loại hình dân ca, dân vũ cần có sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó các ngành, địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã và đang đề ra nhiều giải pháp quan trọng. Phóng viên (P.V) Báo Thanh Hóa cuối tuần có dịp trò chuyện với các ông, bà: Đỗ Quang Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh; Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh; Lê Thị Hương, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thành xoay quanh nội dung trên.

Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca dân vũ: Lan tỏa những giá trị truyền thống trong đời sống hôm nay

Để tiếp tục lan tỏa những giá trị của loại hình dân ca, dân vũ cần có sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó các ngành, địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã và đang đề ra nhiều giải pháp quan trọng. Phóng viên (P.V) Báo Thanh Hóa cuối tuần có dịp trò chuyện với các ông, bà: Đỗ Quang Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh; Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh; Lê Thị Hương, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thành xoay quanh nội dung trên.

Ông Đỗ Quang Trọng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL: “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể”

Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca dân vũ: Lan tỏa những giá trị truyền thống trong đời sống hôm nay

P.V: Hiện nay, tỉnh ta đang triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH giai đoạn 2021-2030” như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Quang Trọng: Ngày 22-2-2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Quyết định số 686/QĐ-UBND thực hiện Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH giai đoạn 2021-2030". Thực hiện Quyết định số 686 của Chủ tịch UBND tỉnh và Quyết định số 3404/QĐ-BVHTTDL ngày 22-12-2021 của Bộ VH,TT&DL về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030”, Sở VH,TT&DL đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 214/KH-UBND ngày 29-8-2022 về việc triển khai thực hiện đề án. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, hiện nay Sở VH,TT&DL đang triển khai kế hoạch thực hiện trong năm 2023, tập trung vào một số nội dung như: tổ chức các lớp truyền dạy kiến thức và kỹ năng thực hành dân ca, dân vũ tại cộng đồng của các dân tộc Mông, Mường, Dao, Thái, Thổ, Khơ Mú. Phục dựng một số hoạt động sinh hoạt thực hành dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc sắc gắn với hoạt động phát triển du lịch và nâng cao đời sống văn hóa cơ sở. Xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc tại các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Tổ chức các hoạt động tôn vinh các nghệ nhân, những người có công đóng góp bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc xứ Thanh.

P.V: Trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, tỉnh Thanh Hóa đang đặt ra những giải pháp trọng tâm nào thưa ông?

Ông Đỗ Quang Trọng: Hiện nay, Sở VH,TT&DL đã và đang tham mưu cho tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị loại hình dân ca, dân vũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cụ thể như: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong đó có lĩnh vực bảo tồn, phục dựng và phát huy dân ca, dân vũ cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn giai đoạn mới. Xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh bạn trong việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hợp tác đầu tư bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ gắn với phát triển du lịch. Tranh thủ, khai thác có hiệu quả nguồn hỗ trợ của Trung ương để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo tồn dân ca, dân vũ. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền dạy di sản văn hóa và dân ca, dân vũ và hoạt động thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ trong quảng bá dân ca, dân vũ tỉnh Thanh Hóa trên các kênh phương tiện truyền thông số.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh: “Tổ chức hội thi, liên hoan, chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ nhằm khai thác, bảo lưu và phát triển các giá trị văn hóa”

Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca dân vũ: Lan tỏa những giá trị truyền thống trong đời sống hôm nay

P.V: Thời gian qua, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa đã có những hoạt động cụ thể góp phần bảo tồn, lan tỏa giá trị loại hình dân ca, dân vũ trong đời sống hôm nay, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Mai Hương: Những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống nói chung và bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc đã và đang được Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh quan tâm, chú trọng bằng nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể như: tổ chức thành công nhiều hội thi, liên hoan, chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ nhằm khai thác, bảo lưu và phát triển các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc trong tỉnh. Nghiên cứu, phục dựng và tổ chức các lớp bảo tồn, truyền dạy một số làn điệu dân ca, dân vũ tiêu biểu. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, luôn được trung tâm triển khai thực hiện. Đồng thời tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn cho hệ thống trung tâm văn hóa cơ sở ra mắt và duy trì hoạt động nhiều câu lạc bộ và đội văn nghệ ở cơ sở với nhiều nội dung sinh hoạt phong phú, đa dạng, đa ngành, nghề.

P.V: Để phát huy giá trị dân ca, dân vũ xứ Thanh, cần có những giải pháp nào thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Mai Hương: Theo tôi, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nghệ nhân, người nắm giữ và tổ chức thực hành, trao truyền, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong cộng đồng. Tạo điều kiện, môi trường văn hóa, không gian văn hóa phù hợp để đồng bào các dân tộc thường xuyên được giao lưu, trình diễn văn hóa truyền thống tốt đẹp. Các hình thức sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phải thực hiện đồng thời nhiều hình thức như nghiên cứu lưu giữ trong sách vở, hình ảnh. Đẩy mạnh công tác truyền dạy dân ca, dân vũ trong các không gian văn hóa làng bản cho các thế hệ trẻ. Bảo tồn, phát huy và nuôi dưỡng cảm hứng dân ca, dân vũ, dân nhạc của các tộc người ở trong trường học, trong hoạt động văn hóa cộng đồng.

Bà Lê Thị Hương, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thành: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về dân ca, dân vũ”

Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca dân vũ: Lan tỏa những giá trị truyền thống trong đời sống hôm nay

P.V: Để phát huy giá trị dân ca, dân vũ huyện Thạch Thành đã và đang đề ra những giải pháp nào thưa bà?

Bà Lê Thị Hương: Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Thạch Thành được quan tâm thực hiện thông qua các hoạt động điền dã, sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, truyền dạy. Hiện nay toàn huyện đã thống kê được 4 loại hình dân ca gồm: mo Mường, hát Mường, hát bội, hát ru; 1 loại hình dân vũ: múa Mường; 3 loại hình dân nhạc: séc bùa - cồng chiêng, khua luống và nhạc cụ.

Huyện đã chú trọng, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, giao lưu văn hóa các dân tộc; thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian, xây dựng nếp sống mới trong vùng đồng bào dân tộc; duy trì tổ chức các lớp tập huấn về dân ca, dân vũ, dân nhạc; tổ chức liên hoan tiếng hát dân ca... Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 200 đội văn nghệ quần chúng và đang tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tại các địa phương nhằm nhận diện và xác định mức độ tồn tại, giá trị và sức sống của từng loại dân ca, dân vũ, dân nhạc trong cộng đồng, trên cơ sở đó đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả.

Ngọc Huấn (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]