(vhds.baothanhhoa.vn) - Như Xuân là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và có nền văn hóa đặc sắc gắn với dấu ấn của các dân tộc Thái, Thổ, Mường, Kinh. Mỗi dân tộc đều lưu giữ bản sắc văn hóa riêng và đồng bào dân tộc Thổ tự hào góp phần tạo nên nền văn hóa địa phương vừa hài hòa, đa dạng, vừa độc đáo.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Như Xuân là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và có nền văn hóa đặc sắc gắn với dấu ấn của các dân tộc Thái, Thổ, Mường, Kinh. Mỗi dân tộc đều lưu giữ bản sắc văn hóa riêng và đồng bào dân tộc Thổ tự hào góp phần tạo nên nền văn hóa địa phương vừa hài hòa, đa dạng, vừa độc đáo.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thốngĐồng bào Thổ huyện Như Xuân tham gia Liên hoan văn nghệ dân gian “Chuyện tình Pha Dua” - phiên chợ vùng cao được tổ chức tại huyện Quan Sơn năm 2022. Ảnh: N.H

Nét đẹp văn hóa của đồng bào Thổ

Còn nhớ vào tháng 2-2023, trong khuôn khổ chương trình ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” các nghệ nhân, diễn viên không chuyên của đồng bào dân tộc Thổ huyện Như Xuân đã biểu diễn nghi thức “Chậm đò ho” sôi động và hấp dẫn. Nghi thức “Chậm đò ho” thường được tổ chức vào dịp tết đến, xuân về. Đây là thời điểm mùa màng đã thu hoạch xong, đất được nghỉ ngơi chờ mùa gieo hạt mới cũng là lúc người Thổ tạm gác công việc ruộng nương, hội tụ cùng nhau mở hội vui xuân, mừng năm mới với mong muốn xua đuổi tà ma, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, nhà nhà đủ cái ăn, cái mặc, làng bản yên vui. “Chậm đò ho” là một trong những làn điệu dân ca vui nhộn nhất, thể hiện cảnh sinh hoạt đời thường của đồng bào dân tộc Thổ.

Ngược ngàn lên huyện miền núi Như Xuân, chúng tôi về thị trấn Yên Cát là địa phương có đồng bào dân tộc Thổ sinh sống đông nhất của huyện Như Xuân. Ông Lê Đình Huấn, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Cát, cho biết: Yên Cát có 4 dân tộc: Thổ, Thái, Mường, Kinh cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thổ có 4.111 người, chiếm 41,39% dân số toàn thị trấn. Hiện nay bà con dân tộc Thổ sinh sống ở hầu hết 15 khu phố nhưng đông nhất là khu phố Trung Thành, Thấng Sơn, Yên Thắng, Xuân Thịnh, Mỹ Ré, Cát Tiến. Đồng bào dân tộc Thổ nơi đây vẫn còn gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Cùng với tiếng nói được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày, trang phục của dân tộc Thổ cũng được sử dụng vào ngày lễ trọng trong năm. Vào những buổi sinh hoạt cộng đồng, lễ, tết, đội văn nghệ của các khu phố có nhiều chương trình, tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa người Thổ, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân trên địa bàn. Đồng bào Thổ tuy không có hệ thống chữ viết nhưng có nền văn hóa dân gian đặc sắc. Dân ca của người Thổ phong phú về loại hình, nội dung và cách thức thể hiện; tiêu biểu như hát ru, hát đối đáp, nghi thức chậm đò ho. Các nhạc cụ thường được sử dụng là kèn, trống, chiêng… tạo nên những giá trị văn hóa tinh thần mang đậm sắc thái của dân tộc Thổ.

Trong văn hóa ẩm thực, các món ăn hằng ngày của người Thổ đều được nấu từ nguồn lương thực, thực phẩm do chính họ trồng trọt, chăn nuôi. Vào dịp lễ, tết, người Thổ thường làm bánh chưng, bánh dày và bánh ít. Người Thổ ưa dùng thịt trâu và thịt lợn để chế biến thành các món luộc, thái miếng mỏng xếp lên lá chuối; các món xào, nướng, nấu với thân cây chuối hoặc nấu với gạo xay nhỏ. Cá được nuôi ở các ao, khe suối, người dân nơi đây thường đem nướng, hấp, kho, rán. Người Thổ thích uống rượu chưng cất, lên men từ lúa, ngô, sắn.

Xưa kia, một số làng còn có đình, chùa, miếu như đình Thi, đình Sắc, đình Bàu Tang, miếu núi Chùa… Do thời gian và chiến tranh tàn phá, ngày nay, trên địa bàn thị trấn Yên Cát chỉ còn đình Thi gắn với lễ hội đình Thi. Lễ hội đình Thi được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao khai khẩn đất đai, dựng làng lập ấp của tướng quân Lê Phúc Thành dưới thời hậu Lê. Trước kia, lễ hội được tổ chức 3 năm một lần; nay đại lễ tổ chức 5 năm một lần, kéo dài từ ngày 14 đến 16-3 âm lịch; tiểu lễ được tổ chức hằng năm và dâng hương vào ngày 16-3 âm lịch. Ngoài phần lễ, những buổi hội thường có hát trống chiêng, hát giao duyên, chơi ném còn, đi cà kheo, chọi gà, kéo co và các hoạt động thể dục - thể thao khác. Năm 1995, đình Thi được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Và những vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn

Góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ là sự đóng góp thầm lặng của các nghệ nhân, người có uy tín, những người am hiểu về văn hóa của đồng bào Thổ, tiêu biểu như ông Lê Ngọc Tuấn, Lê Ngọc Dùng, khu phố Thấng Sơn; Lê Ngọc Giới, khu phố Trung Thành; ông Lê Văn Cứu, khu phố 1, chủ nhiệm câu lạc bộ “Người Thổ - nói tiếng Thổ, yêu vốn cổ” của huyện Như Xuân.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thốngTái hiện nghi thức “Chậm đò ho” của đồng bào dân tộc Thổ tỉnh Thanh Hóa tại ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” do Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức năm 2023. Ảnh: Thu Hương (Báo Tổ Quốc)

Về khu phố Thấng Sơn, ai cũng biết đến ông Lê Ngọc Tuấn, là người có uy tín trong khu phố. Những năm qua, ông Tuấn luôn tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thổ, khôi phục, truyền dạy trống, chiêng, hát chậm đò ho, hát giao duyên... Hàng năm ông Tuấn cùng đội văn nghệ quần chúng của thị trấn tham dự hầu hết các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng và đã đạt nhiều kết quả cao. Ông Tuấn tâm niệm: Mỗi dân tộc đều có niềm tự hào về bản sắc văn hóa riêng, dân tộc Thổ cũng thế. Để niềm tự hào ấy không bị mai một và mãi ăn sâu vào máu thịt của đồng bào, các già làng, người có uy tín như chúng tôi phải ngày đêm “đánh thức” nó bằng nhiều cách khác nhau.

Đồng bào dân tộc Thổ của huyện Như Xuân sinh sống chủ yếu ở thị trấn Yên Cát và một số xã Hóa Quỳ, Cát Tân, Cát Vân, Xuân Bình, Bãi Trành. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, từ thực tiễn lao động sản xuất, đồng bào dân tộc Thổ đã xây dựng những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Có rất nhiều tấm gương sáng, những hành động cao đẹp, những cách làm hay trong cộng đồng đã và đang góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Thổ. Tuy nhiên, hiện nay, đồng bào Thổ đang đứng trước khó khăn, thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Tình trạng không sử dụng được tiếng Thổ trong giao tiếp gia đình và ngoài xã hội rất phổ biến, nhất là thế hệ trẻ. Theo khảo sát của ngành văn hóa huyện Như Xuân, có đến 90% lứa tuổi từ 10 - 30 hầu như không biết nói tiếng nói của dân tộc mình. Bên cạnh đó, tình trạng mai một trang phục truyền thống của dân tộc Thổ đang diễn ra. Trang phục của đồng bào dân tộc Thổ còn lại rất ít, chủ yếu dùng trong các sự kiện quan trọng như ngày tết, hội làng, các dịp sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống tại địa phương; các làng nghề may dệt trang phục truyền thống của dân tộc Thổ dần không còn, số nghệ nhân biết may trang phục truyền thống còn lại rất ít.

Từ những khó khăn, thực trạng đó đòi hỏi các cấp chính quyền, địa phương và cộng đồng dân tộc Thổ đề ra những giải pháp thiết thực để giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông để lại.

Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]