(vhds.baothanhhoa.vn) - Công tác duy tu, bảo tồn di tích trong thời gian qua ở hầu khắp các địa phương phần nào đã làm yên tâm những nhà quản lý và người dân khi mùa mưa bão đã cận kề.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo vệ di tích trong mùa mưa bão

Công tác duy tu, bảo tồn di tích trong thời gian qua ở hầu khắp các địa phương phần nào đã làm yên tâm những nhà quản lý và người dân khi mùa mưa bão đã cận kề.

Theo số liệu thống kê, Thanh Hóa hiện có 1.535 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được phân loại xếp hạng. Toàn tỉnh có 4 di tích Quốc gia đặc biệt (trong đó Thành Nhà Hồ là Di sản Văn hóa Thế giới) và 145 di tích cấp quốc gia, 673 được đăng ký bảo vệ cấp tỉnh. Đến nay, nhiều di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư cùng với nguồn vốn huy động từ nhân dân, nhiều đình làng đã được trùng tu kiên cố, vững chắc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn có những di tích đang nằm trong khu quy hoạch, hoặc đang trong quá trình tìm những giải pháp tốt nhất để bảo vệ thì vẫn phải chịu cảnh ngập úng mỗi khi mưa bão về.

Thực trạng này đang diễn ra tại di tích nghè Đông Lỗ, ở thôn Đường Thôn, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, di tích này có từ rất lâu đời, đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân trong làng và vùng phụ cận. Hàng năm vào ngày 21 tháng 11 (âm lịch), nhân dân làng Đông Lỗ lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến vị Thành hoàng làng đã có công với nước.

Tuy nhiên, do di tích này nằm ở ngoại đê sông Cầu Chày nên mỗi khi mưa bão về là ngập nước xung quanh, đe dọa đến sự tồn tại của công trình và các hiện vật bên trong. Theo người dân ở đây: Một trong những lý do khiến nghè trở thành “rốn nước” là do nó vốn ở vị trí thấp trong làng Đường Thôn, trong khi hầu hết nhà dân xung quanh đều được tôn cao hơn. Bản thân nghè cũng bị xuống cấp, việc nước mưa ngấm thường xuyên càng làm di tích xuống cấp trầm trọng hơn.

Trước mùa mưa bão năm nay, Ban Quản lý di tích nghè Đông Lỗ (xã Thiệu Long, Thiệu Hóa), đã có phương án đảm bảo an toàn cho di tích.

Trao đổi về vấn đề này với ông Trương Đình Ngọc - Trưởng ban Quản lý di tích nghè Đông Lỗ, ông cho biết: "Do di tích nằm ở ngoại đê sông Cầu Chày nên việc tránh khỏi ngập nước do mưa bão là rất khó. Để chủ động bảo vệ di tích, năm 2014 chúng tôi đã huy động nguồn xã hội hóa từ bà con trong thôn để xây dựng lại di tích với số tiền là 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn hẹp nên chúng tôi mới xây được khu chính của nghè, còn lại tường rào, cổng tam quan, cũng như hệ thống giao thông vào di tích vẫn chưa được đầu tư. Hàng năm, để hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng của bão tới di tích, bên cạnh việc rà soát lại hệ thống cây cối, cắt tỉa cành nhánh tránh ngã đổ, ban quản lý cũng tăng cường khảo sát lại dòng sông, kịp thời có giải pháp kè chắn xói lở gây ảnh hưởng đến khu vực nghè. Trước áp lực của thiên nhiên thì chúng tôi cũng có giải pháp trong khả năng của mình. Ví dụ để giảm độ ẩm ở đây thì chúng tôi cho phát quang cây cối xung quanh cho thoáng để thông gió. Phía xa thì chúng tôi lại dưỡng cây để cho tốt, che chắn những đợt gió lớn để giảm độ phong hóa di tích".

Tại khu đình thờ ba vị khai quốc công thần làng Đông Cao (xã Trung Chính, Nông Cống), được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 1994, do nằm ở vùng rốn lũ của huyện Nông Cống nên khu vực này cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Theo bác Đinh Văn Vy - Phó Ban quản lý dự án đình làng Đông Cao thì: Đền thờ làng Đông Cao có từ thời Tùy Đường, thờ các bậc khai quốc công thần có công chống giặc ngoại xâm. Trước đây, khi di tích chưa được trùng tu, tôn tạo lại thì mỗi khi mùa mưa bão về là di tích lại bị ngập lụt vào tận bên trong. Trước thực tế đó, để bảo vệ di tích, năm 2004 đình được khôi phục lại lần thứ nhất với tổng số tiền là 260 triệu đồng (trong đó tỉnh cấp 40 triệu đồng). Trải qua thời gian cùng với ảnh hưởng của mưa bão, di tích ngày càng xuống cấp, nên hàng năm Ban Quản lý di tích cùng với bà con nhân dân tiến hành sửa sang lại, cứ mỗi năm một ít. Nhờ đó, hiện nay khi bão về chỉ có phần ở sân di tích là bị ngập còn bên trong và các hiện vật thì không bị đe dọa. Bên cạnh đó, để tránh mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra Ban quản lý di tích đã thành lập ban phòng, chống bão lụt với sự tham gia của các thành viên là tổ bảo vệ, tổ di tích, đoàn viên thanh niên... thường xuyên kiểm tra, rà soát lại hiện trạng di tích, chặt bỏ bớt nhánh cây to xung quanh, kịp thời phát hiện những câyđổ ngã để có biện pháp chống đỡ hoặc đốn hạ.

Trước mùa mưa bão năm nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa đã đi thực tế kiểm tra và nhắc nhở các ban quản lý di tích tăng cường công tác phòng, chống lụt bão, nếu có những biến đổi thì báo cáo ngay về trung tâm để hỗ trợ giải quyết. Tính đến thời điểm này, theo nhận định của Trung tâm Bảo tồn Di sản tỉnh thì: Hầu hết, các di tích có thể trụ vững trong mùa mưa bão. Có những di tích đang xuống cấp cùng với thời gian nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, trung tâm sẽ từng bước có đề xuất để trùng tu, tôn tạo trong thời gian gần nhất.

Yến Vy


Yến Vy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]