(vhds.baothanhhoa.vn) - Tiếng nói, đặc sản địa phương hay những giá trị lịch sử - văn hóa gắn liền với các di tích… từ lâu đã trở thành niềm yêu mến, tự hào của người dân xã Vĩnh Thịnh đối với mảnh đất quê hương. Tất cả đã kết thành nguồn nội lực đáng quý giúp Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Vĩnh Thịnh qua các thời kỳ không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng và phát triển quê hương.

“Báu vật” của làng

Tiếng nói, đặc sản địa phương hay những giá trị lịch sử - văn hóa gắn liền với các di tích… từ lâu đã trở thành niềm yêu mến, tự hào của người dân xã Vĩnh Thịnh đối với mảnh đất quê hương. Tất cả đã kết thành nguồn nội lực đáng quý giúp Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Vĩnh Thịnh qua các thời kỳ không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng và phát triển quê hương.

“Báu vật” của làng

Nét đẹp lịch sử - văn hóa trên quê hương Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc).

Về nguồn gốc của xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc), sách Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Thịnh cho biết: Cách đây khoảng 7.000 năm, đồng bằng sông Mã với những tài nguyên phong phú, hấp dẫn đã lôi cuốn chủ nhân văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn ở vùng núi phía Tây Thanh Hóa, rời khỏi hang động, mái đá xuống miền đồng bằng trước núi, làm nên nền văn hóa Đa Bút độc đáo và phong phú.

Cho đến nay, thuộc văn hóa Đa Bút, chúng ta đã biết được 4 di chỉ phân bổ từ Tây sang Đông, dọc theo triển sông Mã suốt từ trung du đến ven biển Thanh Hóa, đó là: Núi Hến (rú Hến) Đa Bút (xã Vĩnh Tân), rú hến Bản Thủy (xã Vĩnh Thịnh), cồn Cổ Ngựa (xã Hà Lĩnh, Hà Trung), gò Trũng (xã Phú Lộc, Hậu Lộc). Với những kết quả các đợt khai quật di chỉ khảo cổ học ở núi Hến Đa Bút, rú Hến Bản Thủy đã khẳng định ở khu vực núi Hến (nay thuộc địa phận làng Đoài – xã Vĩnh Thịnh) có cư dân nguyên thủy cư trú cách đây khoảng 7.000 năm.

Trải qua lịch sử hình thành và phát triển, đến nay, xã Vĩnh Thịnh vẫn còn lưu giữ, bảo tồn được nhiều giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống độc đáo.

Người dân xã Vĩnh Thịnh vẫn kiên trì, bền bỉ gieo trồng, sản xuất giống lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh dẻo thơm, thấm đượm hồn cốt quê hương.

Cụm di tích chùa Hoa Long, đền thờ Trần Khát Chân là nét đẹp lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng của các thế hệ người dân nơi đây.

Đặc biệt, đến với Vĩnh Thịnh, mỗi người sẽ bị thu hút bởi cái cách người dân nơi đây sử dụng thổ ngữ song song với ngôn ngữ phổ thông để giao tiếp với nhau trong cuộc sống hằng ngày.

Thổ ngữ là đơn vị của phương ngữ. Có người từng ví von rất hay rằng: Phương ngữ là chiếc áo còn thổ ngữ chính là những chiếc khuy áo nhỏ xinh được ghim vào đó để chiếc áo vừa hoàn chỉnh, phát huy được công năng sử dụng vừa thêm phần đẹp đẽ, độc đáo. Thổ ngữ góp phần làm đa dạng, phong phú, hấp dẫn thêm kho tàng ngôn ngữ Việt.

“Báu vật” của làng

Lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh - Đặc sản của xã Vĩnh Thịnh.

Người dân xã Vĩnh Thịnh có một thứ thổ ngữ riêng và rất độc đáo, được người dân nơi đây coi như “báu vật”, niềm tự hào của làng, xã. Ngôn ngữ ấy vô cùng khác lạ. Khi người dân Vĩnh Thịnh nói tiếng mẹ đẻ thì những người cùng quê mới hiểu bởi hệ từ vựng và ngữ âm rất riêng biệt, có cảm giác líu lo như chim hót. Xa quê công tác, học tập, người Vĩnh Thịnh vẫn nói tiếng phổ thông nhưng hễ gặp người làng là “phát sóng” thổ ngữ ngay được.

Về Vĩnh Thịnh, ngồi nghe người dân bản địa nói chuyện, mặc dù không hiểu gì nhưng bạn vẫn cảm thấy tò mò, thú vị. Ở đây tồn tại hệ thống từ vựng rất đặc biệt, nhất là từ ngữ xưng gọi đều rất khác tiếng phổ thông. Ví như, người dân nơi đây gọi “cái chân” là “cái chò”, “cái đầu” là “cái trốc”, “cái gáo” là “cái chuộc”, “cái giường” là “cái chằng”…

“Báu vật” của làng

Chùa Hoa Long (xã Vĩnh Thịnh) còn còn giữ được nhiều nét cổ.

Không chỉ đặc trưng bởi hệ thống từ vựng mà giọng điệu, phát âm cũng có sự khác biệt rõ rệt, thậm chí khác biệt giữa các làng trong xã.

Trong phạm vi xã, tuy thống nhất về mặt từ vựng nhưng 4 ngôi làng cổ là: Làng Đoài, làng Trung, làng Đông, làng Sanh đều có 4 kiểu phát âm khác nhau. Ví như cùng 1 xã đấy nhưng làng Trung thì phát âm nhẹ hơn, làng Sanh lại nói nhanh hơn, làng Đông nói điệu hơn.

Vì lẽ đó nên người nơi khác muốn học được tiếng nói người Vĩnh Thịnh là điều rất khó và không bao giờ giống hoàn toàn với người bản địa.

Ông Trịnh Đình Hòe, công chức văn hóa xã, sinh ra và lớn lên ở làng Sanh, xã Vĩnh Thịnh giải thích rõ hơn về sự khác nhau này: “Ngay cả khi người Vĩnh Thịnh, lập gia đình, lấy vợ, lấy chồng về đây sinh sống lâu năm nhưng những người vợ, người chồng ấy không thể phát âm chuẩn ngữ điệu địa phương, mà chỉ hiểu được nghĩa của từ thôi”.

“Báu vật” của làng

Đền thờ Trần Khát Chân trầm mặc, linh thiêng từ lâu đã trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng đặc sắc của người dân làng Vĩnh Thịnh.

Các thế hệ người dân Vĩnh Thịnh vẫn thường nhắc nhở cháu con phải biết gìn giữ lấy tiếng cha sinh mẹ đẻ, tiếng nói của quê hương mình. Bởi đó là niềm tự hào, là “báu vật” được trao truyền, tiếp nối dẫu qua bao thăng trầm, biến ảo của cuộc sống. Tiếng nói ấy là cội nguồn văn hóa - lịch sử, tinh hoa lắng đọng tự ngàn năm. Có lẽ, ngay từ khi sinh ra từ cội nguồn, truyền thống và thấm nhuần sự giáo dục của gia đình nên các thế hệ con cháu, dù có đi đâu, về đâu vẫn luôn ý thức gìn giữ nét quê ấy. Người xa quê lâu năm khi trở về làng vẫn hồ hởi nói tiếng quê mình như chưa hề có cuộc chia ly.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]