(vhds.baothanhhoa.vn) - Vốn thích hát từ bé, Quỳnh Trang bén duyên với nghiệp ca hát ngay lần đầu tiên khi trình diễn tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập xã Xuân Lam (nay là thị trấn Lam Sơn), huyện Thọ Xuân. Cô bé "mỏng mày hay hạt" lọt ngay vào mắt xanh của các cô chú Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn.

Ca sĩ Quỳnh Trang: Thú vị nhất là mọi người lắng nghe mình hát

Vốn thích hát từ bé, Quỳnh Trang bén duyên với nghiệp ca hát ngay lần đầu tiên khi trình diễn tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập xã Xuân Lam (nay là thị trấn Lam Sơn), huyện Thọ Xuân. Cô bé “mỏng mày hay hạt” lọt ngay vào mắt xanh của các cô chú Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn.

Ca sĩ Quỳnh Trang: Thú vị nhất là mọi người lắng nghe mình hát

“Dắt lưng” giải Ba giọng hát trẻ toàn tỉnh do Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn tổ chức, sau khi tốt nghiệp THPT, 18 tuổi cô bé Quỳnh Trang xuống TP Thanh Hóa vừa làm vừa học với “nhiều bỡ ngỡ”. Đến nay Quỳnh Trang đã có 17 năm gắn bó với Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn và khẳng định được vị trí của mình. Năm 2015, lần đầu tham gia Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc, mặc dù đã từng gặt hái một số thành tích nho nhỏ như: giải Nhì Cuộc thi tài năng sinh viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa; giải Nhì Cuộc thi tài năng sinh viên toàn tỉnh...; nhưng đứng trên sân khấu với rất đông nghệ sĩ nổi tiếng, không một chút kinh nghiệm nào nên ra về tay trắng. Lần thứ 2, năm 2018, tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc ở tỉnh Cao Bằng, chị giành Huy chương Vàng đơn ca với ca khúc “Lời ru” (nhạc Lê Minh, thơ Hoàng Hạnh). Lựa chọn ca khúc này, Quỳnh Trang được dịp khoe giọng hát đầy chất dân gian trữ tình của mình.

Năm 2021, lần thứ 3 tham gia Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc, với bài hát “Thương kiếp con tằm” (nhạc sĩ Nguyễn Quang Hưng), Quỳnh Trang đã giành Huy chương Bạc. Nói về giải thưởng này, chị còn nuối tiếc: “Tiếc quá, em mong chờ Huy chương Vàng”.

17 năm trong nghề, Quỳnh Trang thấu hiểu những khó khăn khi làm nghề ở địa phương. Chị bộc bạch: "Tôi cảm giác có cố gắng cũng thế thôi. Tôi học hành 10 năm đúng chuyên ngành thanh nhạc, làm việc và cố gắng bao nhiêu mà cũng bằng một người biết hát. Ở đây, không có thứ bậc, các ca sĩ được đào tạo chuyên nghiệp và người biết hát bị đánh đồng, cứ chạy show thì ai cũng ngang giá nhau. Quan trọng không chỉ là giá cả mà hơn hết là sự tôn trọng, sự cống hiến với nghề. Vì thế không có ai là ngôi sao. Cứ có việc là được, có show biểu diễn là tốt rồi”.

Đã bao giờ Quỳnh Trang có suy nghĩ chuyển một công việc khác không?, tôi hỏi. “Tôi đã từng có nhiều cơ hội để lựa chọn công việc khác mà vẫn được hoạt động văn nghệ. Dù trước đây, tôi đã biết nghề của mình rất ngắn, và bây giờ càng thấy rõ chỉ vài năm nữa là sẽ “bị” nhàn nhã. Nghề này là niềm yêu thích của tôi nhưng không hẳn là đam mê. Quan điểm của tôi là dù làm gì mình cũng cố gắng hết sức. Đó là nghề nuôi sống mình nên mình phải hết mình. Nếu thực sự đam mê, có thể tôi đã ra Hà Nội rồi. Tôi từng có rất nhiều cơ hội ra các đoàn ở thủ đô, nhưng phần vì không thích cuộc sống ồn ào, phần muốn thỉnh thoảng về với bố mẹ ở quê. Cảm giác tranh thủ về nhà gói bánh, bỏ phía sau những điều phiền muộn, chạy về ngay với gia đình, vui lắm”.

Trang nói nhiều về niềm vui trong nghề, đặc biệt những thú vị khi được đi diễn ở miền núi. “Cái không khí giữa núi rừng, mọi người lắng nghe mình hát, khiến mình yêu nghề hơn, có động lực để hát vang không mệt mỏi. Chứ đôi khi ở thành phố, đi biểu diễn trong không gian đẹp và sang trọng, với những người váy áo phấn son nhưng trong khi mình cố gắng hát tình cảm mà lại không ai nghe, họ còn phải chuyện trò, đùa vui, thậm chí ăn uống...”. Chính vì thế khi đoàn đi biểu diễn ở miền núi, chưa lúc nào Quỳnh Trang vắng mặt, dù biết sẽ vất vả, ngủ vật vờ, sinh hoạt thiếu thốn, nhưng sau mỗi chuyến đi chị lại được nạp năng lực tích cực, thấy tiếng hát của mình được dân quý, dân yêu, được trân trọng, được lắng nghe.

Một ngày của Quỳnh Trang chủ yếu là tập bài để phục vụ cho những chương trình hợp đồng yêu cầu, ngoài ra còn luyện thanh, nghe nhạc, để thêm vốn bài. Chị chia sẻ: “Được làm đúng chuyên môn là tốt rồi. Nghệ sĩ phần đa là nghèo, lương thấp nên phải tìm đủ nghề để kiếm sống. Em hơn rất nhiều người là dù kể cả làm ngoài thì cũng đúng chuyên môn của mình”.

Tuy vậy, nếu so với đồng nghiệp thì Quỳnh Trang có vẻ lận đận và kém may mắn. 10 năm học thanh nhạc từ hệ trung cấp lên cao đẳng và đại học. Từng bước chậm chậm, “tôi có thời kỳ chán nản với mình, nếu người ta đi bằng cách này hay cách khác và tiến rất nhanh, còn tôi lúc nào cũng như dò đường. Dò mãi vẫn thế”. Sau những phút giây trên sân khấu, trở về với đời thường, Quỳnh Trang vẫn luôn có một mình. Phần vì với nghệ sĩ, giờ giấc sinh hoạt không cố định, thiếu khoa học, phần vì cái nhìn của các gia đình thiếu thiện cảm khi con cái mình yêu và có ý định kết hôn với nghệ sĩ. “Cũng phải thôi, trong khi người ta nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình, đi chơi với người yêu thì em đang phải đi làm. Công việc nhiều, em không quan tâm, chia sẻ và đầu tư được cho các mối quan hệ. Thôi thì tùy duyên”.

Chia sẻ về dự định của mình, Quỳnh Trang cho biết: “Tôi phấn đấu năm tới ổn định chuyện gia đình để cho bố mẹ đỡ lo lắng; rồi 2 năm nữa làm hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Hiện tại, về thời gian công tác, tôi đã đủ 15 năm, chỉ còn thiếu chút thành tích... Hy vọng 2 năm tới có thêm một vài thành tích để đạt được danh hiệu này”.

2 năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đến đã làm thay đổi cuộc sống của tất cả mọi người trong đó có nghệ sĩ. Quỳnh Trang cũng phải chật vật với đời sống hàng ngày. “Tôi không có nhu cầu cao siêu gì trong cuộc sống, nên vẫn đang thuê nhà để ở. Ngoài công việc ổn định, mong muốn duy nhất của tôi được vui vẻ bên bố mẹ và gia đình”.

Bài và ảnh: Kiều Huyền


Bài và ảnh: Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]