(vhds.baothanhhoa.vn) - Hồ Quý Ly, còn có tên là Lê Quý Ly, sinh năm Ất Hợi (1335) tại hương Đại Lại, nay thuộc xã Hà Đông, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, là con nuôi của Võ quan Lê Quốc Mạo (Lê Quốc Kỳ). Lúc còn nhỏ Hồ Quý Ly ham thích học võ học văn, đỗ thi Hương, đỗ khoa Hành Tử. Thuở hàn vi, Quý Ly thường theo người cha nuôi đi buôn ở các vùng đồng bằng và ven biển thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện Hồ Quý Ly trở thành phò mã của Vua Trần Nghệ Tông

Hồ Quý Ly, còn có tên là Lê Quý Ly, sinh năm Ất Hợi (1335) tại hương Đại Lại, nay thuộc xã Hà Đông, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, là con nuôi của Võ quan Lê Quốc Mạo (Lê Quốc Kỳ). Lúc còn nhỏ Hồ Quý Ly ham thích học võ học văn, đỗ thi Hương, đỗ khoa Hành Tử. Thuở hàn vi, Quý Ly thường theo người cha nuôi đi buôn ở các vùng đồng bằng và ven biển thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

Một lần gặp bão to, gió lớn, chiếc thuyền của cha con Quý Ly phải ghé tránh vào khu bờ biển của làng Kim Quy. Quý Ly rời thuyền bước lên bờ. Khi cơn thủy triều rút ra xa, Quý Ly thấy trên bãi cát có ai đó đã vạch lên câu thơ: “Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai”. Vốn là người có học, trọng chữ, lại thấy câu thơ hay, Quý Ly đã đọc, nhẩm và thuộc lòng ngay câu thơ đó. Rồi mỗi lần gặp tao nhân, mặc khách, hay khi có chén rượu, lúc cuộc cờ Quý Ly lại đem câu thơ đó ra ngâm nga.

Với bản năng thông minh lỗi lạc, có tài văn võ, Quý Ly đã thành đạt trên đường công danh. Ông được bổ làm quan dưới triều Trần và được Vua Trần Nghệ Tông rất sủng ái. Trong một chuyến Quý Ly hộ giá Vua Trần Nghệ Tông đi du ngoạn, gặp phải giờ Tỵ, giờ Ngọ, trời nắng như thiêu như đốt, nên xa giá của vua phải ghé vào tránh nắng ở điện Thanh Thử. Trước cửa điện có rặng cây quế bạt ngàn. Để thử tài ứng tác của các quan, Vua Trần đã ra vế đối: “Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế”.

Vua Trần đọc xong vế đối rồi uống gần tàn ly rượu mà các quan đại thần vẫn im như thóc. Họ hết sức lúng túng vì chưa biết phải đối lại như thế nào. Giữa lúc ấy Quý Ly nhớ lại câu thơ trên bãi cát ở cửa biển làng Kim Lũy năm xưa, bèn đọc to lên để đối lại: “Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai”.

Cả hai câu ghép lại thành hai vế đối nhau rất chỉnh, có nghĩa là: “Thanh Thử điện kia ngàn gốc quế - Quảng Hàn cung nọ một nhành mai”. Nghe xong các quan viên, các vị đại thần đều bái phục tài của Quý Ly. Riêng Vua Trần Nghệ Tông thì vô cùng kinh ngạc bởi nhà vua có một công chúa đặt tên là Nhất Chi Mai. Nhà vua cũng đã xây một cung điện đặt tên là cung Quảng Hàn (cung trăng lạnh) cho công chúa Nhất Chi Mai ở. Nàng quanh năm suốt tháng cấm cung ở cung Quảng Hàn, không ra ngoài. Thế mà sao hôm nay Hồ Quý Ly đã nghĩ ra một vế đối tài tình, có thể nói là rất trúng rất hay như vậy. Vua Trần Nghệ Tông liền hỏi Hồ Quý Ly: Nhà ngươi làm sao mà biết được trong cung của ta lại có công chúa Nhất Chi Mai? Còn tòa lầu của công chúa là cung Quảng Hàn cũng chính do chính ta đặt tên tại sao nhà ngươi cũng biết?

Hồ Quý Ly cứ lòng thành mà tâu lại với vua câu chuyện năm xưa, khi ông theo người cha nuôi đi buôn đường biển, giữa đường gặp bão phải ghé vào cửa biển của làng Kim Lũy rồi đọc được câu thơ trên bãi cát và thuộc, chứ thực ra trong lòng chẳng có uẩn trắc gì. Nghe xong câu chuyện vua Trần Nghệ Tông cho đây là mối lương duyên do trời se bèn gả công chúa Nhất Chi Mai cho Hồ Quý Ly.

Thế là Hồ Quý Ly được sánh duyên với công chúa Nhất Chi Mai và trở thành phò mã của triều Trần. Đường công danh của Hồ Quý Ly từ đó cứ thêm đà và ngày càng thăng tiến trong thời gian cuối của triều đại nhà Trần. Và rồi sau đó đến những năm ông làm vua (1400 - 1401) và đứng đầu vương triều Hồ (1400 - 1407) ông đã đề ra và thực hiện nhiều cải cách táo bạo như: Thi hành chính sách hạn điền, hạn nô, phát hành tiền giấy, cải cách chế độ thi cử, lập Quảng tế thự để chữa bệnh cho nhân dân... đều là những cải cách tiến bộ khiến nhiều nhà kinh tế nước ngoài đã ca ngợi Hồ Quý Ly là một nhà cải cách kinh tế lớn, có những cải cách đi trước thời đại.

Trở lại câu chuyện Hồ Quý Ly trở thành phò mã của nhà Trần, phải chăng chuyện tình của Hồ Quý Ly với công chúa Nhất Chi Mai cũng là mối lương duyên, là một cuộc kỳ ngộ trong ngàn lẻ một chuyện tình.

Văn Như Tước


Văn Như Tước

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]