(vhds.baothanhhoa.vn) - Để duy trì hoạt động phục vụ các nhiệm vụ chính trị - xã hội của tỉnh trong tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đối với các đơn vị nghệ thuật của tỉnh Thanh Hóa, thực sự là khó chồng khó, và “nghệ sĩ có lẽ cũng cần được giải cứu”!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghệ thuật xứ Thanh “nhọc nhằn” giữa đại dịch Covid-19

Để duy trì hoạt động phục vụ các nhiệm vụ chính trị - xã hội của tỉnh trong tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đối với các đơn vị nghệ thuật của tỉnh Thanh Hóa, thực sự là khó chồng khó, và “nghệ sĩ có lẽ cũng cần được giải cứu”!

Những tác phẩm nghệ thuật... chống dịch

Nhắc đến nghệ thuật chèo, người ta thường nhớ đến những giai điệu mượt mà, đẩy đưa với lời ca mang bóng dáng “cây đa, giếng nước sân đình”, những Thị Kính, Thị Mầu... đã trở thành hình tượng. Vậy nên, có phải thật bất ngờ khi trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, vẫn là những giai điệu chèo thân thương đấy nhưng lời ca đã được thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế được người nghệ sĩ cất lên. Và người viết bài đang muốn nhắc đến tác phẩm chèo “Khúc hát tặng người chiến binh áo blouse trắng” do NSND Hải Thọ, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa sáng tác và nam nghệ sĩ trẻ tài năng Nhật Hóa biểu diễn. Dù chỉ mới là bản thu âm song ngay khi được đưa lên Youtube đã thu hút khá đông lượt xem cùng không ít lời ngợi khen.

Trao đổi với tác giả ca khúc, NSND Hải Thọ cho biết: “Bài hát được viết lời và hoàn thành trong hai ngày. Đó là khi qua các phương tiện thông tin đại chúng, chứng kiến hình ảnh các y bác sĩ trên tuyến đầu căng mình chống dịch, cảm xúc khâm phục trào dâng thôi thúc người nghệ sĩ cầm bút viết lời”. Bài hát ngợi ca nhưng không khiên cưỡng, đặc biệt, thông qua làn điệu chèo nên càng dễ thấm vào lòng người nghe. “Khúc hát tặng người chiến binh áo blouse trắng” chỉ là một trong nhiều tác phẩm của các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ xứ Thanh được thai nghén và “xuất bản” trong cuộc chiến chống đại dịch.

Trong những năm chiến tranh gian khó, “văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” thì trong cuộc chiến với đại dịch của nhân loại, các nghệ sĩ xứ Thanh cũng đang nỗ lực làm tròn nhiệm vụ trong vai trò “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”, góp phần vào công cuộc chống dịch. Thay vì những tác phẩm đã được lên kịch bản từ trước, là những tiểu phẩm được sáng tác phù hợp với điều kiện tình hình thực tế. Theo đó, tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa đến thời điểm hiện tại, đã có 7 tiểu phẩm hoàn thiện dàn dựng và quay hình chờ lên sóng với thời lượng 10 - 15 phút cho mỗi tiểu phẩm. Nội dung các tiểu phẩm bám sát vấn đề của đời sống trong tình hình dịch bệnh hiện nay nhưng vẫn giữ màu sắc “nghệ thuật truyền thống” với sự sáng tạo, tài năng của người nghệ sĩ, hứa hẹn sẽ mang đến cảm xúc cho người xem khi lên sóng.

Để các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay rất cần có sự hỗ trợ kịp thời.

Cùng với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn Thanh Hóa thời gian này cũng đang gấp rút nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao. Theo đó, sau khi trở về từ Quảng Nam với chương trình nghệ thuật kỷ niệm 60 năm ngày kết nghĩa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam cũng là thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp, các nghệ sĩ của nhà hát lại bắt tay vào hoàn thành những tiểu phẩm phục vụ công tác tuyên truyền đến người dân. Đương nhiên, để việc tập luyện đảm bảo yêu cầu an toàn, hạn chế tụ tập đông người như đúng tinh thần của Chỉ thị 16, các nghệ sĩ được chia thành những nhóm nhỏ để tập luyện, số lượng nhân vật trong các tiểu phẩm cũng được tối giản, song vẫn phải đảm bảo việc truyền tải nội dung, thông điệp. Được biết, Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn vừa mới đây đã hoàn thành quay dựng 4 tiểu phẩm với những nội dung hấp dẫn. Trong đó, chủ đề chính vẫn là câu chuyện ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc nghiêm túc phòng chống dịch bệnh.

Các tiểu phẩm của cả Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa và Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn đều dự kiến lên sóng Đài Phát thanh Truyền hình Thanh Hóa bắt đầu vào giữa tháng 4. Không chỉ góp phần quan trọng vào công cuộc tuyên truyền những thông điệp về sự nguy hiểm của dịch bệnh, những tiểu phẩm còn hứa hẹn mang đến cho người dân món ăn tinh thần hấp dẫn.

Nhọc nhằn ứng phó...

Đến thời điểm hiện tại, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu khắp các lĩnh vực của đời sống. Các đơn vị nghệ thuật, người nghệ sĩ cũng đang phải gồng mình vật lộn với bài toán hoạt động và câu chuyện mưu sinh.

Năm 2020 được dự đoán là một năm bận rộn với các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn. Không chỉ là những sự kiện kỷ niệm quan trọng của tỉnh nhà, đây còn là năm diễn ra đại hội Đảng bộ các cấp... Nhà hát hy vọng sẽ có nhiều chương trình nghệ thuật phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức. Vất vả nhưng bù lại, đơn vị sẽ có những nguồn thu nhất định để trang trải cho hoạt động của một đơn vị sự nghiệp có thu. Và quan trọng là có nguồn thu để chi trả cho số lượng lớn lao động hợp đồng. Vậy nhưng, dịch bệnh xảy đến, mọi hoạt động đình trệ nhưng các nghệ sĩ vẫn phải duy trì tập luyện, chỉ có nguồn thu là không có. Ông Vũ Trọng Huỳnh - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn chia sẻ: Hiện tại số lượng lao động hợp đồng của đơn vị là 85 người (trước dịch bệnh là hơn 90 người). Nguồn kinh phí để chi trả cho số lượng lao động hợp đồng chủ yếu được lấy từ nguồn thu sự nghiệp thông qua hoạt động biểu diễn. Vậy nhưng, từ đầu năm đến giờ việc không đi biểu diễn cũng đồng nghĩa với câu chuyện không có kinh phí để chi trả cho lao động hợp đồng. Thực tế nhà hát phải nợ lương các ca sĩ, diễn viên hợp đồng là điều không tránh khỏi.

Cũng theo lãnh đạo Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn, việc chấm dứt hợp đồng lao động với các nghệ sĩ là điều “lợi bất cập hại”. Bởi để một nghệ sĩ trưởng thành cần không ít thời gian. Chưa kể, khi dịch bệnh qua đi, cuộc sống thường nhật trở lại, để đáp ứng các nhiệm vụ biểu diễn của tỉnh, nếu chỉ riêng lực lượng biên chế là điều không thể, bởi thực tế “Thầy già con hát trẻ” của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Và vì không chấm dứt hợp đồng nên các nghệ sĩ - lao động hợp đồng của nhà hát cũng không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp hỗ trợtheo quy định của Nhà nước. Đây thực sự là khó khăn với các nghệ sĩ hợp đồng trong thời điểm hiện nay.

Tương tự, lãnh đạo Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa trong thời gian này cũng không khỏi đau đầu với bài toán kinh phí chi trả cho lực lượng lao động hợp đồng.

Là một trong 11 lao động hợp đồng của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, câu chuyện chia sẻ của diễn viên Lương Thúy Hoa khiến tôi không khỏi chạnh lòng: “Từ Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, những diễn viên hợp đồng như em vẫn chưa có lương. Vì không đi biểu diễn nên khó khăn về kinh phí của nhà hát là điều mà các nghệ sĩ đều hiểu và cảm thông”.

Cũng bởi dịch bệnh nên những hoạt động “chạy show” sự kiện ngoài cũng phải dừng lại khiến cho khó càng khó, thiếu càng thiếu. Tuy vậy, thay vì phàn nàn kêu khó Hoa chọn cho mình cách tối giản mọi chi tiêu trong cuộc sống với hy vọng có thể vượt qua khó khăn, sống tiếp với nghề. Và tôi hiểu, câu chuyện khó khăn của Hoa cũng là tình trạng của không ít các nghệ sĩ xứ Thanh hiện nay.

Một sự hy vọng được NSND Trương Hải Thọ chia sẻ: “Bên cạnh việc tự thân nỗ lực ứng phó để vượt qua khó khăn trong đại dịch, mới đây Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa nhận được công văn của Sở Tài chính và Sở VH,TT&DL hướng dẫn thủ tục để hỗ trợ kinh phí cho nhà hát khi không đi biểu diễn, đó thực sự là một tin vui. Tôi hy vọng các sở, ngành chức năng sớm triển khai các biện pháp để Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa nói riêng và các đơn vị nghệ thuật của tỉnh nói chung vượt qua được giai đoạn khó khăn, làm tốt nhiệm vụ, vẫn được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng”.

Dù biết rằng, khó khăn trong đại dịch là chuyện chẳng của riêng ai và cũng chẳng ai muốn. Nhưng sự thực, các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ đang rất cần được cảm thông, chia sẻ và hỗ trợ.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]