(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Không chỉ là vùng đất cổ có nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp Quốc gia như: Phủ Trịnh, Nghè Vẹt, đền thờ Quốc công Hoàng Đình Ái... Bồng Thượng (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) còn lưu giữ và trao truyền nhiều lễ hội đặc sắc, trong đó độc đáo nhất phải kể tới Lễ hội Rước nước diễn ra từ 27 đến 28/2 âm lịch hằng năm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đặc sắc lễ hội Rước nước làng Bồng Thượng

(VH&ĐS) Không chỉ là vùng đất cổ có nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp Quốc gia như: Phủ Trịnh, Nghè Vẹt, đền thờ Quốc công Hoàng Đình Ái... Bồng Thượng (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) còn lưu giữ và trao truyền nhiều lễ hội đặc sắc, trong đó độc đáo nhất phải kể tới Lễ hội Rước nước diễn ra từ 27 đến 28/2 âm lịch hằng năm.

Đặc sắc đêm hội hoa đăng và lễ rước nước tắm Phật

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 27/2 âm lịch, khi xóm làng lên đèn, tại chùa - Phủ Báo Ân, dọc bờ tả triền sông Mã, cả nghìn người lại háo hức chờ đợi Đêm hội hoa đăng. Đúng 20 giờ, ba hồi chuông trống bát nhã vang lên cung rước chư tôn đức quang lâm đàn tràng dự lễ Đêm Hoa Đăng cầu nguyện quốc thái dân an và chào mừng lễ hội Rước nước chùa - phủ Báo Ân.

Không còn gì thú vị hơn, khi tiết trời giữa đêm xuân tháng 2 còn vương chút se lạnh, Chùa Báo hiện ra lung linh huyền ảo, từng tốp người từ già trẻ, gái trai háo hức cầm trên tay những chiếc đèn hoa đăng với nguyện ước mưa thuận, gió hòa, một năm làm ăn phát đạt... để rồi thả vào đó những bạt ngàn nguyện ước lung linh, lấp lánh. Với đặc thù vụng Quần Tiên có nhiều đá ngầm, khi dòng nước từ trên thượng lưu đổ về đến đây thì tạo một vụng xoáy kỳ thú (giống như quần tiên tụ hội).

Lễ chính ở chùa Báo Ân được diễn ra vào sáng ngày 28/2 âm lịch, trong đó, được chờ đón hơn cả là lễ hội Rước nước. Theo lịch trình, đoàn người được phân công chuẩn bị khiêng “Kiệu Mẫu” qua ngõ Vạn, lên ngõ Chùa, sau đó qua Nghè Vẹt và lên chân núi Báo qua nền Trời đất, sang khe Mang cá đến nền “Rước bóng” về chùa. Sau khi rước kiệu Mẫu xong, đến phần “Rước nước”. Bấy giờ, trên bến Báo Ân đã tập kết 5 chiếc thuyền. Đi đầu là thuyền Rồng lớn gọi là thuyền Phật lấy nước. Thuyền thứ 2 là thuyền Mẫu. Thuyền thứ 3 là thuyền các cô, các cậu. Thuyền thứ 4, nhỏ hơn là thuyền chỉ huy và cuối cùng thuyền thứ 5, thuyền giám sát việc lấy nước.

Ba thuyền rồng đầu tiên, mỗi thuyền có từ 8 đến 10 tay chèo. Chiếc thứ nhất, chở lọng vàng, cờ quạt và 12 nữ mặc áo tứ thân, đầu đội mâm hoa quả, bình sứ hình quả bầu để đựng nước. Trên các thuyền có phường bát âm đánh nhạc làm nền cho giọng hát, điệu múa, tổng số người trên 5 thuyền là khoảng 90 đến 100 người. Đoàn thuyền chèo ra giữa sông qua hòn đá Bàn, vượt hòn đá Ngốc rồi rẽ lái sang ngang mới đến được Đá Ông để rước nước Tiên trở về. Đến hòn Đá Ông, thì cắm nêu dừng thuyền, gạn đục, khơi trong rồi mới múc nước đổ vào bình. Nước này mang về thờ đến 12h đêm ngày 1/3 thì mới mang ra tắm cho Phật. Số còn lại dùng dần cho đến lễ hội sang năm. Cũng tại đây, nhiều người dân đã mang bình theo để lấy nước tiên về dâng lên bàn thờ tổ tiên cầu mong cho một năm mùa màng bội thu, vạn sự tốt lành.

Thuyền rồng thực hiện nghi lễ Rước nước trên sông Mã.

Phát huy giá trị phi vật thể của lễ hội

Ông Lê Văn Chung - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hùng cho biết:Cứ đến ngày 27 - 28/2 âm lịch, con cháu dù đi đâu về đâu, công việc có bận rộn thế nào cũng thu xếp để về dự hội. Đây không chỉ là nét đẹp truyền thống, là cơ hội để cầu may cầu phúc mà còn là dịp để con cháu xích lại gần nhau hơn, tăng tình đoàn kết, đóng góp xây dựng quê hương.

Trong 2 ngày diễn ra lễ hội, tại khuôn viên chùa Báo còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: Thi nấu cơm; thi gói bánh chưng, bánh giầy; đẩy gậy, kéo co... Lúc này có sự trợ giúp và bảo vệ của mẹ Nước, mẹ Đất. Mẹ Nước là mẫu Thoại, mẹ Đất là mẫu Quỳnh Thoa. Những người con xuôi về đồng bằng, được sinh sống sung sướng nhưng vẫn nhớ về mẹ Thượng Ngàn, ca ngợi công lao của mẹ “Cây có cội, nước có nguồn” - đó là đạo lý, tính nhân văn trong đạo làm người.

Những năm qua, lễ hội Rước nước với giá trị là lễ hội cổ truyền mang đậm nét văn hóa, nghệ thuật dân gian, được công nhận là lễ hội văn hóa phi vật thể đặc sắc trong vùng cần được bảo tồn. Chính quyền địa phương đã cùng với nhà chùa, các đơn vị cấp ngành chức năng nỗ lực duy trì, phát huy hơn nữa những giá trị của lễ hội, tổ chức thêm các phần thi, phần hội phong phú,... Từ đó, thu hút đông đảo con em xa quê, du khách mọi miền về với lễ hội, góp phần đáng kể trong phát triển du lịch tâm linh của huyện Vĩnh Lộc.

Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]