(vhds.baothanhhoa.vn) - Ví như món quà mà tạo hóa ban tặng cho vùng đất, con người xứ Thanh, danh thắng núi An Hoạch - núi Nhồi, phường An Hưng (TP Thanh Hóa) độc đáo bởi “Sắc đá óng ánh như ngọc lam, chất xanh biếc như khói nhạt. Sau này đục làm khí cụ, ví như đẽo thành khánh đánh một hồi thì tiếng ngân muôn dặm, dùng làm bia, văn chương để lại thì còn mãi nghìn đời”. Nương theo đó, tiền nhân với sức sáng tạo mãnh liệt, đôi bàn tay khéo léo tài hoa… đã để lại cho hậu thế một quần thể di tích - không gian văn hóa đặc sắc, giàu giá trị.

Đắm say danh thắng núi Nhồi

Ví như món quà mà tạo hóa ban tặng cho vùng đất, con người xứ Thanh, danh thắng núi An Hoạch - núi Nhồi, phường An Hưng (TP Thanh Hóa) độc đáo bởi “Sắc đá óng ánh như ngọc lam, chất xanh biếc như khói nhạt. Sau này đục làm khí cụ, ví như đẽo thành khánh đánh một hồi thì tiếng ngân muôn dặm, dùng làm bia, văn chương để lại thì còn mãi nghìn đời”. Nương theo đó, tiền nhân với sức sáng tạo mãnh liệt, đôi bàn tay khéo léo tài hoa… đã để lại cho hậu thế một quần thể di tích - không gian văn hóa đặc sắc, giàu giá trị.

Đắm say danh thắng núi NhồiHòn Vọng Phu trên đỉnh núi An Hoạch là biểu tượng bất tử về nghĩa vợ chồng son sắt, thủy chung.

Huyền thoại “Đá vọng phu”

“Đá chăng? người đó? chi đây?/ Một mình trên ngọn núi này ngàn năm…” - Đại thi hào Nguyễn Du khi xưa dạo chơi núi Nhồi, tức cảnh sinh tình đã để lại cho đời những câu thơ đầy xúc cảm. Ngàn năm, vạn năm… không ai biết khối đá lớn trên đỉnh núi như dáng hình người mẹ bồng con chờ chồng có tự bao giờ, hình ảnh “Đá vọng phu” cũng trở thành huyền thoại bất tử. Bởi vậy, ngoài tên núi Nhồi, dân gian vẫn thường gọi tên ngọn núi cách TP Thanh Hóa khoảng 3 km về phía Tây là núi Vọng phu.

Truyền thuyết địa phương kể lại, từ thuở biển còn ăn sâu vào trong đất liền, đứng trên đỉnh núi Nhồi nhìn ra phía xa đã thấy biển trước mặt. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề chài lưới. Có đôi vợ chồng nọ, chồng sớm hôm buông câu, thả lưới, vợ ngày ngày vá lưới, đi chợ bán cá đổi gạo về cho gia đình. Cuộc sống thanh bần nhưng rất đỗi hạnh phúc của họ những tưởng cứ vậy trôi qua. Đến một năm trời làm đói kém, mưa lớn khắp nơi, ruộng đồng chìm trong biển nước mênh mông, không ít gia đình đã phải bỏ làng mà đi. Dù đã cố gắng cầm cự song rau khoai, cháo loãng cũng chẳng còn đủ cho gia đình nhỏ và những đứa con. Đau lòng trước tình cảnh ấy, người chồng đánh liều vác lưới, đẩy thuyền ra khơi xa với hy vọng kiếm được chút gì đó về cho vợ con qua cơn đói. Trước khi đi, anh không quên nhắn nhủ: “Nếu thuyền về muộn thì mẹ con hãy lên núi Nhồi đốt lửa để bố biết đường cho thuyền cập bến”.

Vậy nhưng, may mắn đã không mỉm cười với họ. Những cơn gió lớn mặc sức đẩy thuyền ra xa đất liền, để rồi sóng ngầm cuộn lên lật úp con thuyền giữa biển khơi. Ở trong đất liền trời dần chuyển về chiều rồi tối vẫn chưa thấy chồng trở về. Nhớ lời dặn, người vợ bồng các con lên đỉnh núi Nhồi đốt lửa, hy vọng chồng thấy để chèo thuyền trở vào. Cứ như vậy, những dòng nước mắt tội nghiệp của người vợ hiền và đứa con cứ mòn mỏi thấm vào đá núi qua từng ngày chờ đợi. Đến buổi chiều nọ, sấm chớp nổi lên, làng mạc quay cuồng trong cơn thịnh nộ của trời đất, khi giông tố đi qua, nhìn lên đỉnh núi Nhồi, người vợ và đứa con dù đã hóa đá mà vẫn đăm chiêu nhìn về hướng biển Đông, như hy vọng, ngóng trông…

Từ đó, núi mang tên Vọng phu và khối đá như bóng người mẹ đang bế con nhìn về hướng biển là “Vọng phu thạch” tức đá trông chồng. Là con người với trí tưởng tượng phong phú đã thổi hồn cho tuyệt tác của tạo hóa, hay chính tạo hóa cũng đầy dụng ý trong những sắp đặt của riêng mình? Trở về núi Nhồi hôm nay, ngước lên nền trời xanh biếc, đá vọng phu vẫn sừng sững kể lại cho đời câu chuyện cảm động về gia đình và nghĩa vợ chồng son sắt, thủy chung.

Núi Nhồi không chỉ có truyền thuyết đá vọng phu. Bản thân đá núi, từ xa xưa đã được nhắc đến bởi sự đặc biệt: “Sắc đá óng ánh như ngọc lam, chất xanh biếc như khói nhạt. Sau này đục làm khí cụ, ví như đẽo thành khánh đánh một hồi thì tiếng ngân muôn dặm, dùng làm bia, văn chương để lại thì còn mãi nghìn đời” (Văn bia chùa Báo Ân núi An Hoạch). Sách “Đại Nam Nhất thống chí” thời Nguyễn cũng ghi: “Núi An Hoạch có tên nữa là núi Khế, lại có tên nữa là núi Nhuệ Sơn… sắc đá trắng mịn, tiếng đá vang trong, có thể làm khí dụng như chiêng, khánh, bia kệ…”. Phải chăng vì vậy mà Lê Quý Đôn trong sách “Vân Đài loại ngữ” đã chép: “Phạm Ninh làm Thái thú Dự Chương nước Tấn thường sai lại viên đến đây lấy đá làm khánh… gần hết nhẵn cả núi”.

Và những tuyệt tác đá…

núi Nhồi

Lấy Vọng phu thạch làm trung tâm, xung quanh núi Nhồi là quần thể di tích với nhiều giá trị được gìn giữ. Nằm dưới chân núi Nhồi, đình Thượng - đình Bốn Ban (bốn làng: Nhuệ, Tu, Nạy, Sau) là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tế lễ của các làng xưa kia. Theo người dân địa phương, đình Thượng được dựng xây thờ Thành hoàng làng - ông tổ của nghề đá. Đến thời Lê, Quận công Lê Trung Nghĩa có công giúp làng nên được tôn Hậu thần, phối thờ tại đình Thượng. Đứng từ di tích nhìn ra, có thể quan sát toàn bộ khu vực phía Tây và Tây Bắc núi Nhồi. Đặc biệt, từ đình Thượng nhìn lên đỉnh núi có thể ngắm nhìn trọn vẹn hòn Vọng phu.

Cũng theo người dân, đình Thượng xưa kia vốn là công trình đá quy mô, được dựng lên bởi kho trí tuệ, sự tinh xảo của nghệ nhân đục đá núi Nhồi. Dẫu vậy, trải qua thời gian cùng những biến động, đến nay tại đây còn một số hiện vật: Ngựa, võ sĩ, voi, hương án, phỗng và đồ thờ... đều được chế tác từ đá. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, hiện vật điêu khắc đá ở đình Thượng mang phong cách nghệ thuật điêu khắc của thế kỷ XVII-XVIII.

Nằm trong cụm di tích núi An Hoạch, di tích lăng và đền thờ Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa được ví như một bảo tàng nghệ thuật điêu khắc đá của Thanh Hóa.

Đắm say danh thắng núi NhồiTượng Võ sĩ tại di tích Lăng Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa.

Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa vốn mang họ Nguyễn, ở thôn Nhuệ, xã An Hoạch, nhưng vì có công phò vua Lê nên được đổi sang họ vua. Với đóng góp to lớn, ngay khi còn sống “Các quan viên, hương sắc, quản giáp cùng các bậc trên dưới, binh lính, dân chúng xin ông xây dựng “sinh từ” (xây lăng mộ khi ông còn sống) tôn làm hậu thần, hương khói phụng thờ ngàn đời” (bia Hậu thần). Và qua văn bia Hậu thần cũng khẳng định, lăng Mãn Quận công chính là ngôi đền thờ được dựng lên khi ông còn sống, bên cạnh “sinh từ” là “tẩm” được lập sau khi ông mất.

Lăng Mãn Quận công được xây dựng với nhiều hạng mục công trình bằng đá vô cùng độc đáo, gồm: Điện thờ, ngai thờ, lính hầu, con giống… May mắn, dù cảnh quan đã có nhiều thay đổi, nhưng chốn thiêng “sinh từ” vẫn giữ được khá nguyên vẹn kết cấu với những hiện vật gốc quý giá, như: Bốn tấm văn bia đá khối cỡ lớn chạm khắc tinh xảo đặt ở phía ngoài, đôi hổ đá với tư thế nhìn về phía trước, rồng chầu, voi phục, ngựa đứng chầu, tượng võ sĩ, hương án, sàng long ngai… Lăng Mãn Quận công là quần thể kiến trúc nghệ thuật đá thế kỷ XVIII điển hình và độc đáo, không chỉ phong phú về thể loại mà còn đặc trưng bởi giá trị nghệ thuật.

Nhắc đến nghệ thuật chạm khắc đá ở núi Nhồi, sẽ là thiếu sót nếu không ghé thăm chùa Quan Thánh (Tiên Sơn tự) được xây dựng trong động đá, cheo leo trên vách núi. Chùa được khởi dựng dưới thời Lê Trung Hưng. Trên vách núi đá ngay cửa chùa là hình ảnh nhiều bức phù điêu chạm khắc hình người, voi, ngựa sắc nét tinh xảo, cùng với đó còn có vô số những văn tự chữ Hán cổ cỡ lớn khắc trên đá núi. Lý giải cho những hình ảnh chạm khắc tại ngôi chùa cổ, có rất nhiều giả thuyết khác nhau. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, người nghệ nhân xưa phải rất tài hoa, tâm huyết mới có thể tạo ra được công trình để lại cho đời đến ngày hôm nay.

Với đầy đủ giá trị lưu giữ, năm 1992, Khu Di tích danh lam thắng cảnh núi An Hoạch (núi Nhồi) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia, bao gồm: Đình Thượng, chùa Hinh Sơn, chùa Quan Thánh, Lăng Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa, Hòn Vọng Phu. Ông Nguyễn Bá Bình, Chủ tịch UBND phường An Hưng, cho biết: “Để quần thể danh lam thắng cảnh núi An Hoạch phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch, rất cần có sự quan tâm, đầu tư của các cấp ngành…”.

Bà và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]