(vhds.baothanhhoa.vn) - Đầu năm đi trảy hội

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đầu năm đi trảy hội

* Đền Độc Cước - linh thiêng một huyền thoại

Đền Độc Cước là ngôi đền độc đáo, linh thiêng bậc nhất ở Thanh Hóa. Những ngày đầu năm mới, đây là địa chỉ thu hút hàng nghìn lượt du khách viếng thăm, hành lễ.

Huyền thoại một vị thần

Ngự trên hòn Cổ Giải (cổ con Rùa biển), còn gọi là Miết Cảnh thuộc dải núi Trường Lệ, TX Sầm Sơn. Đền Độc Cước lấy chính tên vị Thần được gọi nơi đây làm tên gọi của ngôi đền.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Ngày xưa có một vị thần giáng xuống ngọn Miết Cảnh (Cổ Giải), in dấu chân trái dài 1 trượng, rộng 5 tấc vào đá, dân địa phương bèn dựng miếu ngay trên núi để thờ.

Lại có truyền thuyết nói rằng: sau một đêm mưa to gió lớn, nước dâng ngập đỉnh núi, sáng hôm sau dân làng thấy đỉnh núi in một dấu chân người khổng lồ và cho là dấu chân thần, bèn dựng miếu thờ, ngày rằm, mồng một hương hoa lên miếu cúng lễ.

Lại có sách ghi: Thần họ Cao tên tự là Độc Cước, một vị thần sư thời Lý. Theo Cực truyện thì các thiền tăng chỉ đứng một chân để truyền giảng đạo rồi siêu hóa, dân lập đền thờ ở chỗ có dấu vết chân để lại.

Cũng có truyền thuyết kể, có một chàng trai khổng lồ đã tự xé đôi thân mình để vừa đánh giặc qủy biển ngoài khơi vừa để đánh giặc trong đất liền cứu dân làng. Tưởng nhớ công ơn chàng, người dân Sầm Sơn lập miếu thờ chàng ngay bên tảng đá có vết lõm dấu chân khổng lồ, tương truyền là bàn chân của chàng, và vì thế gọi là đền Độc Cước.

Năm 1962 đền được Bộ Văn hóa, Thông tin Việt Nam xếp hạng di tích cấp Quốc gia.

Đảm bảo ANTT cho du khách

Theo ông Cao Văn Tâm - Phó ban Quản lý Di tích Quốc gia trên núi Trường Lệ - cho biết: "Trung bình từ 30 Tết đến 5/1 âm lịch, mỗi ngày có 3.000 lượt khách đến dâng hương và lễ cầu. Trong đó khách ngoài tỉnh chiếm hơn nửa".

Hàng năm tại đền Độc Cước có 7 lễ lớn bao gồm: "lễ tiễn cựu nghênh tân (30.12 AL), lễ Tra Châu (6.1 AL), lễ mở cửa đền (12.1 AL), lễ hội cầu thọ (16.1 AL ), lễ cầu phúc (16.2 AL ), lễ bánh chưng bánh giầy (12.5 AL), lễ sắc ấn (25.12 AL).

Cũng theo ông Tâm: “Hiện tượng ăn xin ăn mày, xem bói trên di tích là không còn. Đặc biệt về vấn đề an ninh, tính từ ngày mùng 01 âm lịch đến nay tại khu vực di tích chưa xảy ra bất cứ một trường hợp dù là nhỏ nhất.” Ông Lê Văn Thanh (phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) cho biết: “Năm nay khác biệt mọi năm nhiều, không thấy chèo kéo mua đồ lễ như mọi năm, đặc biệt không thấy một bóng người ăn xin quanh đền”. Điểm tích cực đáng ghi nhận tại đền Độc Cước năm nay các chủ hàng vàng hương, đồ lưu niệm chủ động gom rác để đúng nơi quy định, không xả rác ra quanh đền. Dọc đường lên đền Độc Cước, biển báo, bảng khuyến cáo nhắc nhở khách tham quan bảo vệ tài sản phòng ngừa trộm cắp được đặt ở nhiều nơi.

Người dân đến viếng đền, hành lễ năm Đinh Dậu này có thể yên tâm bởi công tác đảm bảo an ninh trật tự được Ban tổ chức phối kết hợp với các đội trật tự Công an thị xã Sầm Sơn, Công an phường Trường Sơn.

Doãn Tài

* Khác lạ trò chơi chạy thẻ

Với mục đích cầu một năm mới mọi người trong làng đều bình an, khỏe mạnh, mùa màng thắng lợi, mỗi dịp Tết, người dân làng xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc lại tổ chức thi chạy thẻ (chạy dưới ruộng trồng lúa ngập nước).

Có lẽ đây là một lễ hội lạ duy nhất có ở Thanh Hóa, hàng năm cứ vào mùng 2 Tết, người dân Cầu Thôn, xã Cầu Lộc lại tổ chức hội làng với trò chơi chạy thẻ. Trong cuộc thi chạy thẻ, bất kể là ruộng lúa của hộ dân nào người chơi đều có quyền lội lên. Dù bị lội vào làm hư lúa mới cấy nhưng gia chủ không hề tức giận mà còn coi đó là điều may mắn, họ tin năm đó lúa sẽ được mùa, cuộc sống no đủ.

Đến với cuộc thi, các vận động viên tham gia phải chạy trên quãng ruộng khoảng 1.000 mét, với đường chạy khắc nghiệt như vậy nên người tham gia phải có thể lực bền bỉ mới mong về đến đích, khi các vận động viên tới được đích, Ban tổ chức cắm thẻ giải nhất gắn vào cán cờ Tổ quốc, cạnh đó là các thẻ giải nhì, giải ba, giải tư, vận động viên nào về đến đích trước sẽ lần lượt giật các thẻ theo thứ tự.

Về sự tích trò chơi này theo lời kể truyền lại từ các bậc lớn tuổi trong làng thì xưa kia có bà Đỗ Khánh Toàn phu nhân vị quan lớn trong triều khi về quê chơi tết, thấy nhân dân trong làng còn nhiều khó khăn, để khích lệ người dân có sức khỏe, lấy may mắn trong năm mới, bà đã đứng ra tổ chức nhiều trò chơi, trong đó có trò chạy thẻ và trao phần thưởng cho người chơi có được thành tích cao. Nhân dân trong làng dù nam hay nữ đều hào hứng tham gia trò chơi để nhận được phần thưởng lấy lộc đầu năm. Từ đó, người dân làng Cầu Thôn ai cũng làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn trong năm mới. Tưởng nhớ công lao của bà Khánh Toàn, từ đó đến nay năm nào người dân ở làng Cầu Thôn cũng tổ chức hội làng và tổ chức trò chơi chạy thẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa - cán bộ văn hóa xã Cầu Lộc: Bất kể thời tiết ngày hôm đó nắng hay mưa, lạnh hay nóng, tất cả thanh niên nam nữ trong làng đều hăng hái tham gia trò chơi để lấy may. Không một ai bảo ai và cũng không cần phải đăng ký trước, ai cũng xắn quần áo đua nhau lội ruộng lúa. Không kể tuổi tác, những người khi tham gia đều sẵn sàng thi nhau chạy dưới ruộng để lấy cờ ở đích. Ai lấy được cờ người đó giành chiến thắng trong cuộc thi được nhân dân trao phần thưởng.

Ông Hòa chia sẻ thêm: “Đây là lễ hội mà người dân của xã đã lưu giữ được hàng bao đời nay. Nét đẹp văn hóa truyền thống này đã được Ban quản lý của làng văn hóa lưu giữ. Dù phần thưởng của cuộc thi rất nhỏ nhưng lại có tính khích lệ tinh thần người dân trong ngày tết rất lớn, nhất là các bạn trẻ. Khi tham gia trò chơi sẽ tránh xa được các tệ nạn xã hội, rượu bia. Không chỉ nâng cao sức khỏe, đây còn dịp để tạo thêm tình đoàn kết của nhân dân mỗi khi tết đến xuân về. Và cũng tha thiết mong các cơ quan, ban ngành cùng địa phương lưu giữ văn hóa phi vật thể này”.

P.V

* Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể: Nhìn từ lễ hội Quang Trung

Không biết tự bao giờ, người dân xã Hải Thanh từ già đến trẻ ai cũng thuộc lòng câu hát: “Mùng năm mở hội Quang Trung/ Muôn người nô nức khắp vùng về đây/ Dấu xưa ghi đức cao dày/ Anh hùng áo vải dựng xây cơ đồ”. Vậy nên, cứ vào sáng mùng 5 Tết, dân các làng lại mua sắm lễ vật để tri ân công đức của thánh đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Cũng vào những ngày này, người dân trên địa bàn đều ngồi lại ca ngợi tài dùng quân thao lược, bách chiến bách thắng của vị tướng Tây Sơn Nguyễn Huệ mà đỉnh cao là trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789). Với chiến công quét sạch 29 vạn quân Thanh. Để ghi công đóng góp của cư dân các làng ven biển, trong đó có ngư dân Lạch Bạng đã tận tình giúp đỡ nhà vua luyện tập thủy binh, hăng hái lên đường đánh giặc, sau khi lên ngôi, Quang Trung đã bãi miễn việc nộp thuế yến sào lấy tận từ đảo Mê - cống vật có từ thời Lê - Trịnh khiến nhiều người dân phải bỏ mạng. Cảm tạ ân đức của nhà vua, dân làng đã lập đền thờ ở dưới chân núi Du Xuyên (nay là thôn Thanh Nam), bên cạnh là quần thể di tích gồm có chùa, đền, nghè để thờ các vị thần đã có công với nước qua các triều đại.

Công tác chuẩn bị rước kiệu rất công phu, thường phải được tiến hành hơn 2 tháng trước khi diễn ra lễ hội. Điều đặc biệt không phải ở thời gian mà là ở nghi thức rước, bởi thay vì chỉ rước một kiệu như nhiều địa phương khác thì lễ hội nơi đây bao giờ cũng rước 4 kiệu. Đó là bởi, đền Quang Trung nằm trong quần thể di tích và thắng cảnh Lạch Bạng, trong đó có cả đền Thanh Xuyên (nơi thờ thần Hoàng Làng), chùa Đót Tiên và đền Lạch Bạng (nơi thờ đa thần - những người đã có công với dân với nước mà lịch sử đã ghi danh). Vì vậy, tương ứng với 4 ngôi sẽ có 4 kiệu đưa rước. Các kiệu này được khởi hành từ nhà văn hoá của các thôn Thanh Đông, Thanh Xuyên, Thanh Nam, Thanh Đình rước về Trung tâm văn hoá xã để dâng hương tại tượng đài liệt sĩ, sau đó mới được rước về đền Quang Trung chờ tiến hành nghi thức tế lễ.

Tương tự, phần tế lễ cũng sẽ có 4 lần dâng rượu do đội cúng tế thực hiện. Tất nhiên, nội dung của phần tế không ngoài mục đích ca ngợi công đức của vua Quang Trung và các vị thần linh cũng như gửi gắm tâm nguyện của cư dân địa phương những mong được phù hộ cho một năm thuận buồm xuôi gió, dân tình no ấm, con em học hành tấn tới... Vì vậy, dù diễn ra tương đối lâu nhưng người dân vẫn kiên nhẫn dõi theo với đức tin, sự nhiệt tình và lòng thành tâm của họ sẽ được các đấng thần linh chứng giám. Và để cho chắc chắn, họ còn chuẩn bị sẵn những mâm lễ vật riêng đợi khi tế lễ xong sẽ vào dâng hương cúng cá.

Mai Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]