(vhds.baothanhhoa.vn) - Với gần 100 di tích cách mạng được xếp hạng, trong những năm qua công tác trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng (DTLSCM) đã diễn ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Các DTLSCM đã trở thành kỷ vật vô giá, niềm tự hào, nơi giáo dục cho các thế hệ về truyền thống cách mạng, những con người, sự kiện cách mạng đã làm rạng danh quê hương, đất nước...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Di tích cách mạng và việc bảo tồn, phát huy

Với gần 100 di tích cách mạng được xếp hạng, trong những năm qua công tác trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng (DTLSCM) đã diễn ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Các DTLSCM đã trở thành kỷ vật vô giá, niềm tự hào, nơi giáo dục cho các thế hệ về truyền thống cách mạng, những con người, sự kiện cách mạng đã làm rạng danh quê hương, đất nước...

Theo chân ôngPhạm Văn Sinh - Trưởng khu phố Đại Đồng tới thăm cụm di tích cách mạng, gồm đình làng Hàm Hạ, nhà ông Lê Oanh Kiều - một trong những đảng viên đầu tiên ở làng Hàm Hạ, nhà thờ đồng chí Lê Thế Long - Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Thanh Hóa, nhà in báo đầu tiên, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy diện tích sân, khuôn viên, đường vào các di tích đã được mở rộng hơn rất nhiều. Hiện nay các hạng mục công trình, gồm các nhà và các công trình phụ trợ khác như nhà khách và phòng trưng bày... đã và đang được hoàn thiện. “Sự quan tâm của tỉnh đến việc tu bổ, tôn tạo cụm di tích cách mạng đã có tác động rất lớn đến tư tưởng của bà con nơi đây. Chúng tôi luôn tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống cách mạng anh hùng, nên luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy di tích” ông Phạm Văn Sinh tự hào cho biết. Và cũng từ niềm tự hào đó đã trở thành những hành động cụ thể để các gia đình hai bên đường các cụm di tích này tự nguyện hiến đất mở rộng đường.

Di tích lịch sử Quốc gia đình Hàm Hạ đã được tu bổ, tôn tạo.

Nhà thờ họ Vương, thôn Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thiệu Hóa (10/7/1930) nhiều năm nay đã được tỉnh đầu tư xây dựng xứng tầm. Từ những năm 2012, nhà thờ đã được tôn tạo với các hạng mục gồm Nhà Tiền tế, hậu cung và nhà truyền thống theo truyền thống thu hồi, bịt đốc, với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách huyện và xã hội hóa. Năm 2017 tiếp tục phục dựng lại ngôi nhà cũ và tu bổ, tôn tạo lại một số hạng mục của di tích với tổng kinh phí 1 tỷ 200 triệu đồng, đến nay di tích đã được tu bổ, phục hồi và đưa vào sử dụng hiệu quả.

“Với 12 di tích lịch sử cách mạng được xếp hạng, 1 di tích chưa xếp hạng trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo và phát huy như các Di tích lịch sử kháng chiến hầm làm việc của Thường trực Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa (1964 - 1972), xã Thiệu Trung; Di tích lịch sử văn hóa địa điểm Cuộc khởi nghĩa Thiệu Hóa (18 - 19/8/1945, thị trấn Vạn Hà); Di tích lịch sử cách mạng Nhà lưu niệm ông Lê Chủ - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa; Di tích cách mạng Đình Ngô Xá Hạ, xã Thiệu Minh... Những nơi này từ lâu đã là địa chỉ đỏ để cán bộ, nhân dân và học sinh đến thắp hương, tri ân những thế hệ đi trước”ông Trần Ngọc Tùng - Phó phòng VHTT huyện Thiệu Hóa cho biết.

Nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, huyện Thọ Xuân nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của các tầng lớp nhân dân, và đưa nơi đây trở thành địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, ngày 11/7/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 2453/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án trùng tu tôn tạo Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường. Lễ khởi công dự án trùng tu tôn tạo được khởi công đúng vào ngày Kỷ niệm 88 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Dự án do UBND huyện Thọ Xuân làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Tu bổ di tích và Xây dựng công trình văn hóa Thanh Hóa thi công, bao gồm các hạng mục: Nhà di tích, nhà truyền thống, nhà bếp, biểu tượng khu di tích, các hạng mục kỹ thuật và công trình phụ trợ khác. Dự án có tổng mức đầu tư gần 35 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách tỉnh....

Nhiều di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến và lễ hội, kỷ niệm truyền thống cách mạng như Khu văn hóa tưởng niệm Bác Hồ TP Thanh Hóa, đền Cô Tiên, khu di tích lưu niệm đồng chí Lê Hữu Lập, hang Co Phường, Lò Cao kháng chiến Hải Vân,... là điểm đến không chỉ của cán bộ và nhân dân Thanh Hóa mà còn hấp dẫn nhiều đoàn đại biểu, du khách trong và ngoài nước.

Theo thống kê hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 100 di tích cách mạng đã được xếp hạng và được phân chia thành các thời kỳ khác nhau. Hệ thống di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa rất đa dạng, phong phú, gồm có đình, đền, chùa, địa điểm, khu di tích, nhà thờ, nhà lưu niệm, tượng đài,... gắn với các sự kiện lịch sử trong từng thời kỳ của cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, theo ý kiến ông Phạm Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa cho biết: “Để phát huy được giá trị lịch sử cách mạng, kháng chiến ở Thanh Hóa thì công tác tuyên truyền đến mọi người dân để họ hiểu thêm, yêu và tự hào hơn về truyền thống quê hương, đất nước là rất quan trọng. Bên cạnh đó Nhà nước cần phải dành thêm nguồn kinh phí thích hợp để trùng tu, tôn tạo di tích để thành sản phẩm văn hóa thì mới phát huy được giá trị. Hiện nay tỉnh đang chỉ đạo về việc rà soát, thống kê, báo cáo hiện trạng và đề xuất, kiến nghị đối với di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị của hệ thống di tích này là một niềm vui đối với rất nhiều người dân”.

Trung Hiếu


Trung Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]