(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Gần 30 đình làng trên địa bàn huyện Hà Trung là nơi sinh hoạt cộng đồng, không gian văn hóa truyền thống hiện đang đối mặt với sự xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, chính quyền và người dân địa phương vẫn loay hoay với “bài toán” về kinh phí trùng tu, tôn tạo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đình làng xuống cấp, địa phương loay hoay chống đỡ

(VH&ĐS) Gần 30 đình làng trên địa bàn huyện Hà Trung là nơi sinh hoạt cộng đồng, không gian văn hóa truyền thống hiện đang đối mặt với sự xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, chính quyền và người dân địa phương vẫn loay hoay với “bài toán” về kinh phí trùng tu, tôn tạo.

Xót xa đình làng xuống cấp

Đình Thượng Phú (Kim Sơn) xã Hà Đông (Hà Trung) nổi tiếng là ngôi đình với kiến trúc Chăm độc đáo riêng có. Theo người dân địa phương, đình được xây dựng nên bởi bàn tay những người thợ Chăm Pa khéo léo vốn là tù binh trong cuộc chiến giữa hai bên. Bằng sự tài hoa của mình, những người thợ đó đã tạc nên những nét hoa văn, chạm khắc đặc trưng của văn hóa Chăm trên từng thớ gỗ quý.

Có đến thăm đìnhmới cảm nhận hết được giá trị của di tích. Nhưng cũng xót xa trước sự xuống cấp của di tích qua thời gian. Nền đình sụt lún, nhiều chỗ bị gãy, cột bị mối ăn rỗng, mái đình bị nghiêng dồn về phía trước. Bác Trần Văn Nam, người trông coi đình Thượng Phú hơn 15 năm qua cho biết: đình Thượng Phú hiện tại đã bị xuống cấp nhiều chỗ, trong đó đáng lo ngại nhất là hệ thống cột gỗ.

Dịp gần đây, con em trong làng phải kêu gọi nhau đóng góp để có kinh phí chống đỡ, che chắn tạm thời, không để đình sập xuống. Nhưng đó chỉ là giải pháp đối phó tạm thời.

Đình Thượng Phú (Hà Đông) xuống cấp nghiêm trọng, người dân phải tìm mọi cách gia cố, chống đỡ tạm thời.

Khác với đình Thượng Phú, đình Động Bồng xã Hà Tiến (Hà Trung) lại nổi tiếng là ngôi đình truyền thống to bậc nhất xứ Thanh. Và đây là một trong ba ngôi đình của huyện Hà Trung được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Và đình Động Bồng có lẽ là di tích duy nhất trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn còn duy trì mỹ tục “Lửa đình liệu” vào thời khắc giao thừa hàng năm.

Theo ghi chép để lại, đình Động Bồng có từ thời Nguyễn, đã được nâng cấp, duy tu nhiều lần trong quá khứ. Lần trùng tu gần đây nhất là năm 2008. Tuy nhiên, đình hiện tại lại có dấu hiệu xuống cấp. Ngoài hậu cung bị dột mái thì gian ngoài đình cũng xuất hiện nhiều vết nứt.

Bên cạnh đó, những cột gỗ, vì kèo… cũng đã và đang bị mối xông gây mục rỗng. Ông Tống Văn Để, người trông coi đình Động Bồng cho hay: người dân trong làng đã nhiều lần kêu gọi nhau đóng góp để mua sắm đồ thờ, trang thiết bị trong đình. Nhưng để có thể trùng tu, nâng cấp đình thì e rằng sức dân đóng góp không xuể.

Có số phận bi đát hơn, đình Nga Châu (xã Hà Châu) vốn là di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng một thời. Nhưng giờ đây, đứng trước đình Nga Châu, chúng tôi không khỏi xót xa. Chiếc cổng bằng sắt xiêu vẹo, đứt gãy. Mái đình xuống cấp, sụt lún. Sân đình không chỉ là sân phơi mà ngay bên trong đình làng cũng được tận dụng tối đa sử dụng làm nhà kho chứa đồ của người dân địa phương. Mối mọt xông những cột gỗ, mạng nhện giăng kín khắp đình. Hình như, lâu lắm rồi chẳng có ai quét dọn.

Và không chỉ đình Thượng Phú, Động Bồng, Nga Châu mà hàng loạt di tích đình làng trên địa bàn huyện Hà Trung cũng đang bị xuống cấp theo thời gian: Đình Quan Chiêm; Chánh Lộc; Vân Điền…

Loay hoay với bài toán trùng tu

Trước sự xuống cấp của đình Thượng Phú, UBND xã Hà Đông cũng không khỏi băn khoăn. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông cho biết: Theo dự toán, việc trùng tu đình cần nguồn kinh phí khoảng trên 3 tỷ, trong khi đó ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn. Năm 2015, tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí 300 triệu cho việc trùng tu, chống xuống cấp từ ngân sách tỉnh, tuy nhiên nếu thực hiện trùng tu thì phải tốn hơn số tiền đó rất nhiều nên địa phương chưa thể thực hiện.

Còn với hiện trạng xuống cấp của đình Động Bồng xã Hà Tiến thì lãnh đạo địa phương cho biết: xã vẫn chưa có kế hoạch cho việc xin phép cơ quan có thẩm quyền để trùng tu di tích. Đó là bởi, việc trùng tu di tích cần nguồn kinh phí rất lớn, trong khi nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ chỉ được một phần nhỏ, trong khi huy động sức dân đóng góp là điều vô cùng khó khăn.

Đánh giá về sự xuống cấp của những di tích đình làng trên địa bàn Hà Trung, bà Cù Thị Nguyên - Phó Trưởng Phòng VHTT huyện Hà Trung cho biết: hiện tại, số lượng di tích đình làng trên địa bàn huyện Hà Trung khá nhiều. Việc trùng tu các di tích cần nguồn kinh phí rất lớn. Phòng VHTT đã báo cáo với cơ quan chức năng cấp trên để xin kinh phí hỗ trợ cho các di tích.

Cùng với đó đề nghị HĐND huyện xem xét quyết định việc hỗ trợ cho các di tích đình làng bị xuống cấp nguồn kinh phí khoảng 100-200 triệu/di tích song đề nghị vẫn chưa được duyệt.

Bởi vậy, cùng với việc kiểm tra, động viên người dân địa phương nỗ lực chống đỡ, bảo vệ di tích bằng nhiều biện pháp thì “lời giải” cho bài toán trùng tu di tích đình làng tại Hà Trung vẫn còn không ít khó khăn.

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]