(vhds.baothanhhoa.vn) - Hôm qua, 26/9, Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia VN đã tổ chức Hội thảo khoa học Quan niệm và cách tiếp cận âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở VN và trên thế giới - thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với di sản âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số VN hiện nay. Nhiều tiếng chuông đã được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học cảnh báo về những ngộ nhận đối với âm nhạc cổ truyền của dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đừng ngộ nhận về âm nhạc cổ truyền của dân tộc

Hôm qua, 26/9, Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia VN đã tổ chức Hội thảo khoa học Quan niệm và cách tiếp cận âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở VN và trên thế giới - thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với di sản âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số VN hiện nay. Nhiều tiếng chuông đã được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học cảnh báo về những ngộ nhận đối với âm nhạc cổ truyền của dân tộc.

Nghi lễ Then Tày - Nùng - Thái đã được xây dựng Hồ sơ Quốc gia trình UNESCO vinh danh.

Biết rồi khổ lắm nói mãi... và sẽ phải nói nhiều hơn nữa

Hội thảo khoa học này là một hoạt động quan trọng thuộc đề tài khoa học cấp nhà nước Những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở VN được Ủy ban Dân tộc giao cho Viện Âm nhạc thực hiện. PGS TS Nguyễn Bình Định, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc, Chủ nhiệm đề tài khẳng định: "Mặc dù cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn có nhiều khó khăn, hạn chế về điều kiện kinh tế, dân trí, giao thông, cơ sở hạ tầng... nhưng âm nhạc truyền thống của họ vẫn luôn toát lên sự phong phú, đặc sắc. Trong tình hình hiện nay, việc tìm ra các giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số nước ta, trước mắt là cho đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được xác định là một nhiệm vụ rất cần thiết".

Cũng như dân tộc Kinh, 53 dân tộc thiểu số đều có phong tục tập quán, bản sắc văn hóa riêng và đặc biệt là họ sở hữu nền âm nhạc mang sắc thái riêng của từng tộc người... tạo nên nền âm nhạc cổ truyền phong phú được cấu thành từ 54 dân tộc. Bảo tồn âm nhạc cổ truyền của dân tộc là một việc làm quan trọng để bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc. Từ nhiều năm qua, các cơ quan quản lý văn hóa, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học đã dày công sưu tầm, điền dã, nghiên cứu cũng như tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học về bảo tồn kho tàng đồ sộ, quý báu này của dân tộc. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cho biết: "Hội thảo, báo cáo nhiều đến nỗi có người khi nghe đến cụm từ "bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân gian" thì lập tức thốt lên "biết rồi, khổ lắm, nói mãi...". Dẫu là vậy, nhưng suy cho cùng thì vấn đề bảo tồn vẫn phải nói, còn phải nói và sẽ phải nói nhiều hơn nữa".

Kho tàng đồ sộ và phong phú của âm nhạc cổ truyền

Âm nhạc dường như có mặt trong mọi sinh hoạt hằng ngày của mọi tộc người thiểu số ở VN. GS.TS Tô Ngọc Thanh ví von rằng, ngay từ trong bụng mẹ, chúng ta đã tiếp cận với âm nhạc văn hóa dân gian qua những câu hát ru của mẹ. Âm nhạc cứ thế lần theo từng năm tháng của đời người, thậm chí đến cả khi trở về với thế giới bên kia thì âm nhạc cũng tiễn đưa với nhạc hiếu, lễ bỏ mả...Trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, âm nhạc của dân tộc những năm qua, nhiều giá trị của văn hóa dân tộc mà cụ thể là thể loại âm nhạc cổ truyền của dân tộc đã được tôn vinh. Có thể kể đến nhiều di sản văn hóa phi vật thể của VN đã được UNESCO vinh danh như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của người Êđê, Gia rai... Hay nghi lễ Then Tày - Nùng - Thái và Xòe Thái đang được xây dựng Hồ sơ đệ trình UNESCO...

Viện Âm nhạc suốt 67 năm qua cũng đã miệt mài tiến hành công tác sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc cổ truyền trên cả nước bao gồm cả nhạc hát và nhạc đàn, dân ca, dân nhạc của toàn bộ 54 dân tộc trên cả nước. Nhiều tư liệu, hình ảnh, văn bản... cũng đã được tư liệu, số hóa thành kho dữ liệu đồ sộ của âm nhạc dân tộc ở Viện Âm nhạc để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn. Bên cạnh đó, nhiều băng ghi âm cũng đã được Phòng Công nghệ lưu trữ âm thanh của Đài Tiếng nói VN (VOV) bảo tồn, lưu giữ suốt nhiều thập kỷ qua về âm nhạc cổ truyền dân tộc. ThS Nguyễn Quang Vinh, Đài Tiếng nói VN cho biết: "Tính tới tháng 1.2014, chúng tôi đã thống kê có 451 bài hát dân ca các dân tộc thiểu số VN cho người lớn, trong đó có 194 bài dân ca thiểu số lời cổ và 257 bài dân ca thiểu số lời mới. Dân ca thiếu nhi có 70 bài, trong đó có 21 bài dân ca thiểu số lời mới và 49 bài dân ca thiểu số lời cổ"...

Xin đừng ngộ nhận

Đứng trước những biến đổi về môi trường diễn xướng, âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số VN đang đứng trước nhiều thách thức, mai một. Nhà nghiên cứu Nguyễn Vương Hoàng, Viện Âm nhạc đã từng tham gia điền dã, sưu tầm nghiên cứu ở vùng núi phía Bắc nhiều năm qua thảng thốt lo ngại về sự thay đổi hoặc biến mất của không gian diễn xướng dân gian. Cụ thể như loại hình Hát ống (hát giao duyên) của người dân tộc HMông tại Chiền Tương, Yên Châu, Sơn La đối mặt với nguy cơ mất đi trong cuộc sống hiện đại hay như dân ca Hò kéo gỗ của những người khai thác lâm nghiệp ở Lệ Thủy, Quảng Bình và Hò sông Mã ở Thanh Hóa hiện cũng không còn mấy ai hát được... Đáng ngại hơn, xu hướng Âu - Tây hóa không chỉ ảnh hưởng tới bộ phận nhạc mới mà nó còn nhiều tác động đến âm nhạc cổ truyền của một số tộc ít người. PGS.TS Nguyễn Thụy Loan chỉ rõ, trong VCD mang tên Độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân gian VN 2 do một số nghệ nhân của một tộc ít người trình diễn bài dân ca của tộc mình trên một nhạc cụ dân gian nhưng có chen cadenza và kết bài theo mô hình D - T rất quen thuộc trong âm nhạc cổ điển phương Tây. Đó là minh chứng rõ nét về sự ảnh hưởng, tác động làm mất đi tính nguyên vẹn của âm nhạc cổ truyền VN dễ làm người nghe và xem ngộ nhận về bản sắc âm nhạc dân tộc cổ truyền...

Lẽ dĩ nhiên, trong bối cảnh mới của đời sống văn hóa nghệ thuật cần có những chính sách, giải pháp mới để bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc dân tộc cổ truyền. ThS Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL đề xuất: "Đổi mới phương thức bảo tồn, truyền dạy âm nhạc truyền thống trở thành vấn đề cấp bách". Gần đây, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan đã thử nghiệm đưa lên Youtube một số video trích đoạn lễ then của các thầy then Bế Sơn Chung ở Cao Bằng, Hoàng Đức Dục ở Bắc Kạn và Chu Thị Hồng Vân ở Bắc Giang... đã có kết quả bất ngờ với 5.165 lượt người xem. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan kiến giải: "Không cần có kế hoạch và giải pháp bảo tồn các hình thức nghệ thuật tín ngưỡng, bởi cộng đồng các dân tộc còn và tôn sùng những tín ngưỡng của họ nên họ tự giữ, tự bảo tồn, tự thực hành".

Theo baovanhoa.vn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]