(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi cây đào còn vương nụ, đất trời còn đương xuân cũng là lúc các chiếu chèo quê rộn ràng tiếng trống, phách và làn điệu í ì i. Dù năm Nhâm Dần này, nhiều hội làng không được tổ chức, tiếng chèo cũng không thể rộn ràng như những năm trước khi chưa có dịch COVID-19, song những câu hát vẫn cứ ngân vang...

Gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống

Khi cây đào còn vương nụ, đất trời còn đương xuân cũng là lúc các chiếu chèo quê rộn ràng tiếng trống, phách và làn điệu í ì i. Dù năm Nhâm Dần này, nhiều hội làng không được tổ chức, tiếng chèo cũng không thể rộn ràng như những năm trước khi chưa có dịch COVID-19, song những câu hát vẫn cứ ngân vang...

Gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thốngMột tiết mục hát chèo thờ tại lễ hội đền Mưng năm 2021.

Những năm qua, cùng với sự phát triển của sân khấu chèo chuyên nghiệp, phong trào hát chèo trong quần chúng Nhân dân cũng diễn ra sôi nổi tại các địa phương trong tỉnh. Hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) chèo đã góp phần tích cực trong việc gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống.

Dẫn chúng tôi thăm Khu Di tích lịch sử, văn hóa đền Mưng, xã Trung Thành (Nông Cống), ông Lê Huy Cẩn (thôn 3) giới thiệu về Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội đền Mưng gắn với những sinh hoạt tín ngưỡng dân gian được hình thành trong cộng đồng dân cư vùng ven sông Lãng Giang từ rất lâu đời. “Nếu như không vì dịch COVID-19, hàng năm, vào tháng Giêng địa phương lại tổ chức lễ hội bơi thờ hay còn gọi là lễ hội bơi đua (đua thuyền) và lễ hội chèo rước vào tháng ba. Đến với lễ hội, người dân sẽ được xem và thưởng thức 4 hình thức chèo: chèo cạn, chèo thờ, chèo đua, và chèo rước. Mỗi hình thức chèo gồm nhiều làn điệu, riêng chèo thờ cũng có tới 28 làn điệu”.

Ông Cẩn cho biết thêm: “Điểm khác biệt trong những câu ngân ở hội đền Mưng là dùng “a” thay vì đệm “í ì i” như nhiều nơi khác. Tuy vậy, lại khá dễ hát vì chủ yếu sử dụng thể thơ 4 chữ, thơ lục bát. Chẳng hạn như: “Sơn thủy hữu à á a... tình, a... mấy quê tôi, a... Sơn thủy hữu à á a... tình. Có đền thờ thánh a... á... có hội bơi, a... thuyền à... rằng... Một năm, a.. có mấy á... tháng ba. Chồng gần thì lấy a... a mấy chồng xa, ứ a à ứ ừ...”.

Và đặc biệt, chèo làng Mưng dù có sử dụng một số làn điệu chèo đồng bằng Bắc Bộ như nói lối, nói sử, hát cách, nhưng chủ yếu dùng các làn điệu mang sắc thái, âm điệu của dân ca Thanh Hóa như Vãn lên đường, Vãn tuyết sương, Vãn khổng, Hát chú tiếu, Hát than, Đào lý một cành, Đò đưa, Nói nhịp một, Hát lão say... Chính sự nhẹ nhàng, thư giãn của những câu chèo thờ mà ở làng Mưng, chủ yếu là các bà các mẹ tham gia hát.

Nói về các CLB chèo ở huyện Hoằng Hóa thì không thể không nhắc đến CLB nghệ thuật hát chèo văn làng Phượng Mao, xã Hoằng Phượng. Về đây trong những ngày đầu xuân này, chúng tôi được nghe những làn điệu chèo mượt mà được cất lên bởi những “nghệ sĩ nông dân”. Nhớ lại những ngày còn rất nhỏ, ông Hàn Hải Vịnh, Chủ nhiệm CLB nghệ thuật hát chèo văn làng Phượng Mao, cho biết: “Từ đời ông nội tôi là chủ gánh hát, đến bố tôi là đội trưởng đội văn nghệ, tiếng hát chèo ngấm dần mỗi ngày và tôi thuộc làu làu cả vở Tấm Cám, Quan Âm thị Kính. Thời đó, mỗi tối khi bố tôi và cả đội biểu diễn, mọi người tranh nhau mang ghế rồi vẽ vôi giữ chỗ từ buổi chiều”.

Ông Hàn Ngọc Cường, người dân ở làng Phượng Mao, chia sẻ: “Sau một ngày bận rộn với công việc nhà nông, tối đến chúng tôi tập trung lại, học hát chèo và cất lên những giai điệu ca ngợi cuộc sống ân nghĩa, thủy chung, tình yêu quê hương đất nước. Dù nhiều người đã lên chức ông, chức bà, nhưng khi tham gia hát, họ như được trẻ và khỏe hơn nhiều”.

Chính bởi thế mà không nhiều làng quê ở xứ Thanh như thôn Phượng Mao, trong tất cả đám cưới, hay mỗi sự kiện vui của các gia đình, người dân cũng chỉ hát chèo. Nói như ông Hàn Hải Vịnh, “là bởi hát chèo mộc mạc, thân thương lắm”.

Dù bận rộn nhưng cuộc sống của nhiều người dân xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) không thể thiếu những làn điệu chèo. Các cụ cao niên ở đây cho biết: Bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống xuất hiện ở địa phương từ những năm 1945. Khi đó, trong xã thành lập được các đội văn nghệ vừa hát chèo, vừa hát tuồng và hát cải lương, phục vụ Nhân dân trong xã. Trong những năm chiến tranh, các chiếu chèo vẫn được duy trì để cổ vũ tinh thần chiến đấu, sản xuất cho bà con trong và ngoài xã. Sau năm 1986, tiếng trống chèo thưa dần. Bẵng đi hơn chục năm, nhờ tình yêu của người dân, tiếng chèo lại rộn ràng trên đất Thiệu Nguyên. Theo lời bà Tống Thị Ca (thôn Nguyên Thành): Xã Thiệu Nguyên hiện có 9 thôn, mỗi thôn có một đội chèo, mỗi đội từ 12-15 người. Không qua trường lớp đào tạo nào nhưng những “nghệ sĩ” này đều có niềm đam mê mãnh liệt với chèo. Dù đã bước sang tuổi “Thất thập cổ lai hy” nhưng các ông, bà Nguyễn Văn Thoan ở thôn Nguyên Thịnh; Tống Thị Ca ở thôn Nguyên Thành vẫn nhiệt huyết với nghệ thuật chèo truyền thống của địa phương. Chính tình yêu với chèo đã khiến nhiều vùng quê lúc nào cũng rộn ràng, người nông dân có đời sống tinh thần vui vẻ, lạc quan.

Có thể khẳng định, các vùng quê vẫn gìn giữ được tiếng hát chèo là nhờ những người có cùng sở thích đã tập hợp lại cùng đóng góp, để được thỏa nhu cầu ca hát, cũng như gìn giữ giá trị văn hóa. Từ môi trường này đã phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng được nhiều “hạt nhân” cho phong trào nghệ thuật quần chúng ở cơ sở.

Theo thống kê của Trung tâm Văn hóa tỉnh, hiện trên địa bàn Thanh Hóa có 4.650 đội văn nghệ quần chúng. Trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19, mỗi năm có hàng trăm buổi biểu diễn và các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ được tổ chức đều đặn từ tỉnh đến cơ sở, gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương và các ngày lễ lớn của dân tộc, thu hút sự tham gia của đông đảo tầng lớp Nhân dân. Đánh giá về hiệu quả của các CLB, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, cho biết: "Để nâng cao đời sống văn hóa cơ sở và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể thì hoạt động của CLB có tính hiệu quả cao nhất. Đặc biệt các CLB chèo ở các huyện: Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc, Hà Trung... đã phát huy rất tốt vai trò. Thời gian tới, khi dịch COVID-19 ổn định, trung tâm sẽ tạo điều kiện tổ chức thêm các sân chơi để những người có cùng sở thích ca hát gặp gỡ, giao lưu. Hy vọng, qua sân chơi này sẽ hội tụ được một lực lượng những người đam mê ca hát cùng chung tay, góp sức đưa văn nghệ trở thành món ăn tinh thần của tất cả mọi người. Từ đó, nâng cao ý thức, vai trò của mỗi một “nghệ sĩ” quần chúng trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đẩy mạnh phong trào thi đua, thắt chặt tình đoàn kết trong cuộc sống”.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]