(vhds.baothanhhoa.vn) - Giá trị văn hóa truyền thống chính là “bộ gen” phản ánh quá trình hình thành và phát triển của địa phương. Chính vì vậy, trong quá trình đô thị hóa, trong lòng các đô thị hiện đại nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống minh chứng cho phong tục tập quán, lối sống, sinh hoạt... vẫn được người dân giữ gìn và phát huy.

Giữ gìn nét văn hóa truyền thống giữa đô thị hiện đại

Giá trị văn hóa truyền thống chính là “bộ gen” phản ánh quá trình hình thành và phát triển của địa phương. Chính vì vậy, trong quá trình đô thị hóa, trong lòng các đô thị hiện đại nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống minh chứng cho phong tục tập quán, lối sống, sinh hoạt... vẫn được người dân giữ gìn và phát huy.

Giữ gìn nét văn hóa truyền thống giữa đô thị hiện đại

Làng cổ Đông Sơn (TP Thanh Hóa), nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống.

Có dịp về làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), chúng tôi không chỉ ấn tượng bởi vẻ đẹp giản dị, yên bình của ngôi làng giữa lòng phố thị, mà còn bị thu hút bởi những căn nhà cổ khoác trên mình tấm áo phủ đầy rêu phong... Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh làng cổ, đồng chí Nguyễn Đức Trường, Phó Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng tự hào giới thiệu về “báu vật” vẫn được người dân giữ gìn trong suốt hàng trăm năm qua. Đó là những con ngõ được đặt tên Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng mang ý nghĩa của phẩm giá tốt đẹp của con người. Cùng với đó là 13 ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Ẩn chứa trong mỗi ngôi nhà ấy, không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, văn hóa, thẩm mỹ mà còn là những câu chuyện đầy ý nghĩa gắn với nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử.

Dừng chân ở ngôi nhà của ông Lương Trọng Duệ, được xây dựng từ khoảng hơn 200 năm trước, ông Lương Thế Tập (con trai ông Lương Trọng Duệ) hiện đang trông coi ngôi nhà, chia sẻ: “Căn nhà được xây dựng với một nhà chính 3 gian, 2 chái bằng gỗ tốt, lợp ngói âm dương. Các vì, kèo, xà, bẩy... chạm trổ công phu, cầu kỳ mang đậm dấu ấn điêu khắc truyền thống. Ngoài nhà chính còn có 2 nhà ngang đều là nhà 3 gian cũng được những người thợ kỳ công xây cất. Không chỉ có kiến trúc cổ độc đáo, căn nhà còn có những bộ sưu tập về tư liệu sản xuất của bà con nông dân; các dụng cụ đồ đá, đồ đồng, gốm, sứ qua các thời kỳ; hay các vật dụng tái hiện lại một cách sinh động về đời sống sinh hoạt, sản xuất của vùng quê với nơm, dậm, cối, chày, cày bừa, cuốc, xẻng... đến những mảnh ghép của chiến tranh đã được lưu lại qua mảnh đạn, vỏ bom... Qua thời gian, chúng tôi vẫn cố gắng giữ nguyên trạng ngôi nhà. Việc này không chỉ góp phần bảo tồn nét độc đáo, tinh tế trong kiến trúc nhà ở của ông cha, mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần vô giá cho thế hệ con cháu”.

Cùng với những ngôi nhà cổ, tại làng hiện còn bảo tồn được nhiều di tích liên quan đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo như đền Đức Thánh Cả, đình Trung, miếu nhà Bà, văn bia “Tượng Sơn bi ký” gắn liền với các lễ hội được chính quyền địa phương và người dân tổ chức hàng năm. Tiêu biểu nhất là lễ hội đền Đức Thánh Cả được UBND phường Hàm Rồng tổ chức hằng năm (ngày 3-4 âm lịch), nhằm gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa cho thế hệ sau, qua đó khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức hướng về cội nguồn cho Nhân dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa, đời sống tâm linh của Nhân dân, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng.

Không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị sôi động, nhộn nhịp của cả tỉnh, mà từ xưa đến nay TP Thanh Hóa còn mang trong mình một nền văn hóa vừa lâu đời, lại vừa có giá trị đặc sắc đã và đang được các thế hệ tiếp nối nhau giữ gìn và phát huy. Đó là di chỉ văn hóa Đông Sơn thuộc làng cổ Đông Sơn; di chỉ khảo cổ ở núi Đọ - nơi phát hiện ra nguồn gốc người Việt cổ, thuộc địa bàn xã Tân Châu (Thiệu Hóa) và xã Thiệu Vân, phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa). Rồi, còn là một hệ thống đậm đặc các di tích lịch sử văn hóa, với 98 di tích đã được xếp hạng (25 di tích được công nhận cấp quốc gia, 73 di tích được công nhận cấp tỉnh), tiêu biểu như: khu du lịch văn hóa Hàm Rồng, động Long Quang, động Tiên Sơn, hồ Kim Quy, khu danh thắng Mật Sơn, khu vực núi An Hoạch, chùa Thanh Hà... Gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa đó là hệ thống các lễ hội truyền thống có vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng vẫn được người dân duy trì tổ chức hàng năm.

Giữ gìn nét văn hóa truyền thống giữa đô thị hiện đại

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, lịch sử đã để lại cho TP Thanh Hóa một bề dày văn hóa, truyền thống có giá trị. Bởi vậy, cùng với quá trình đô thị hóa, để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ấy, chính quyền và Nhân dân thành phố luôn phối hợp chặt chẽ giữa việc giữ gìn văn hóa gắn với phát triển du lịch, theo hướng đa dạng các sản phẩm, như du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, giáo dục, vui chơi giải trí... Đó cũng là nguồn lực đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ở thành phố biển Sầm Sơn xinh đẹp, vốn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cảnh sắc hữu tình, cùng một dải bờ biển thoai thoải, không chỉ là nguồn lực quan trọng trong phát triển du lịch, mà còn là tiềm năng để người dân nơi đây sớm hình thành nghề đánh bắt thủy hải sản. Cũng chính vì cuộc sống lênh đênh trên biển cả, quanh năm đối mặt với sóng to, gió lớn nên từ xa xưa cư dân đi biển đã xây dựng nên nhiều nét văn hóa truyền thống mang đậm sắc thái biển, đó là hệ thống di tích, đình, đền, miếu... được giữ gìn và phát huy từ đời này sang đời khác. Đó là, hòn Cổ Giải tựa như con rùa biển khổng lồ nâng đỡ trên mình ngôi đền thiêng thờ thần Độc Cước - chàng trai đã tự xẻ thân mình ra làm hai để bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân; hay hòn Tượng Lĩnh còn gọi là núi đầu Voi nằm phủ phục chầu về đền Cô Tiên; cách đó không xa là đền thờ Lệ Hải Bà Vương - Triệu Trinh Nương cưỡi voi đánh cồng chiêng chống lại giặc Ngô; rồi dãy núi Trường Lệ được cấu tạo bởi đá hoa cương và diệp thạch hình thành cách đây hơn 300 triệu năm với 16 ngọn núi cao thấp nhấp nhô vươn tới tận trời cao và hòn Trống Mái - biểu tượng của tình yêu muôn đời chung thủy...

Cùng với hệ thống di tích là những lễ hội truyền thống được người dân tổ chức hàng năm như: Lễ hội Cầu Phúc (từ ngày 17 đến 18-3 âm lịch), mở đầu cho bức tranh sinh hoạt đời sống của người dân Sầm Sơn; Lễ hội tình yêu - hòn Trống Mái (ngày 7 đến 11-4 âm lịch); Lễ hội bánh chưng - bánh dày (ngày 10-6 âm lịch), để tưởng nhớ công ơn của thần Độc Cước và cảm tạ thần đã ban cho dân làng một mùa màng bội thu; Lễ hội cầu ngư - bơi chải cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, thuyền bè đi về đầy ắp cá, tôm (ngày 11 đến 12-6 âm lịch)...

Những giá trị văn hóa truyền thống được trao truyền và lưu giữ qua nhiều thế hệ đã góp phần khẳng định bề dày văn hóa và tạo nên một “không gian lịch sử, cộng đồng” trong lòng các đô thị hiện đại. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập ngày nay cũng đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương rất cần sự chung tay giữ gìn của mỗi cá nhân, cộng đồng. Với sự vào cuộc đồng bộ và triển khai hiệu quả các giải pháp sẽ vừa bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa tạo ra được những lợi thế để phát triển du lịch, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến đậm bản sắc.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt


Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]