(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là một trong những địa phương có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước. Hiện toàn tỉnh có 36 nghề, với 118 làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 75 làng nghề, làng có nghề truyền thống được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận. Để giữ gìn và phát triển làng nghề, bên cạnh những khó khăn là cả một quá trình nỗ lực của chính các chủ thể và các cấp chính quyền.

Giữ lấy nghề xưa: Buồn vui lửa nghề

Thanh Hóa là một trong những địa phương có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước. Hiện toàn tỉnh có 36 nghề, với 118 làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 75 làng nghề, làng có nghề truyền thống được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận. Để giữ gìn và phát triển làng nghề, bên cạnh những khó khăn là cả một quá trình nỗ lực của chính các chủ thể và các cấp chính quyền.

Giữ lấy nghề xưa: Buồn vui lửa nghềHơn 20 làng nghề sản xuất chiếu cói đã tạo dựng nên thương hiệu chiếu Nga Sơn.

“Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông” - câu thơ đã khẳng định thương hiệu của nghề dệt chiếu cói Nga Sơn. Qua hàng trăm năm tồn tại với không biết bao nhiêu thăng trầm, giờ đây, nghề dệt chiếu cói Nga Sơn đã được đôi bàn tay tài hoa, khối óc sáng tạo của người làm nghề nâng tầm thành những mặt hàng thủ công mỹ nghệ có chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu. Trong số 4 nghề truyền thống với 23 làng nghề của huyện Nga Sơn được UBND tỉnh công nhận thì nghề dệt chiếu cói có tới 20 làng nghề.

Ra đời từ thế kỷ 17, ấy vậy mà có thời kỳ người dân làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) phải bỏ nghề tìm kiếm công việc khác, các lò đúc đồng lạnh ngắt lửa than. Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Bá Châu, người đầu tiên đúc thành công trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống, tâm sự: “Nghề đúc đồng không chỉ đơn thuần là làm theo quy trình sẵn có mà còn phải thổi vào từng sản phẩm nét văn hóa truyền thống. Chính điều này đã làm nên thương hiệu để khách hàng tìm đến làng nghề”. Theo thống kê của UBND xã Thiệu Trung, trong xã hiện có 132 hộ duy trì, phát triển nghề đúc đồng truyền thống, trong đó có 15 hộ theo nghề đúc đồng “có bài có bản”, 32 hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm đồ đồng, tập trung chủ yếu ở làng Trà Đông.

Sau cái rộn ràng của những âm thanh quen thuộc phát ra từ các làng nghề là biết bao sự khó khăn, nhọc nhằn. Đến làng nghề mộc Đạt Tài, đón tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ An Nam thật đẹp mới dựng xong cách đây chưa đầy một năm, ông Lê Văn Bôn cho biết: "Tôi ám ảnh mãi cái thời kỳ phải chằng buộc tủ trên xe đạp, xe máy rồi chở lên thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa) vừa đi vừa rao bán. Còn bọn trẻ bây giờ ngại bẩn, ngại bụi, hầu hết có tay nghề tốt, nhưng vẫn lựa chọn đi làm ở các công ty, sạch sẽ, mát mẻ”.

Là một trong số ít người trẻ chịu khó gắn bó với nghề mộc làng Đạt Tài, nhưng anh Nguyễn Văn Lâm (sinh năm 1993) cũng không ít lần ý định chuyển sang làm việc khác: “Làm nghề truyền thống đôi khi rất bấp bênh. Có thời điểm cực phát triển, nhưng có khi cả năm ngồi chơi dài. Người ngoài nhìn vào sẽ chỉ thấy sự phát triển, ăn nên làm ra của các cơ sở sản xuất, còn người trong nghề mới thấy lo âu và nhọc nhằn. Xu hướng hiện nay là sử dụng gỗ công nghiệp, vài ba chục triệu là đủ sắm cả combo từ giường, tủ, bàn ghế... cho căn hộ chung cư. Vì thế rất có thể thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn với nghề mộc chúng tôi”.

Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, anh Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cói xanh, khi ấy lựa chọn về quê nhà ở xã Nga Liên (Nga Sơn) lập nghiệp với mong muốn phát triển nghề cói và đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói ra các thị trường trong và nước ngoài. Thấu hiểu những khó khăn sau 3 năm “chinh chiến”, anh Hùng cho biết: “Ngoài việc duy trì các mẫu hàng truyền thống, tôi phải nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, tìm kiếm các đối tác bạn hàng và tập trung đầu tư thêm máy diệt chiếu. Để tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập trung bình từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng thì vấn đề thị trường tiêu thụ là quan trọng nhất”.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, NNƯT Trần Thị Việt, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu Việt Trang (thị trấn Nga Sơn), cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, giữ được nghề truyền thống đã khó, việc mở rộng phát triển còn khó khăn hơn. Việc kết hợp cói với các nguyên liệu khác như: cọng bèo khô, rơm khô, bẹ ngô khô... sẽ làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ phong phú hơn về mẫu mã, tính năng sử dụng đa dạng hơn. Đó là sự đổi mới, thích ứng với nhu cầu thị trường để chúng tôi có thể xuất khẩu sản phẩm sang 17 nước trên thế giới”.

Giữ lấy nghề xưa: Buồn vui lửa nghềCác nghệ nhân chuẩn bị nổi lửa tạo nên những sản phẩm mang thương hiệu làng đúc đồng Trà Đông.

Hiện nay, làng nghề rèn ở xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) đã có 6 máy cắt Plasma, 307 búa máy, trên 300 máy đột dập các loại, hàng chục máy tiện, phay, bào, hàng nghìn các loại máy móc phổ thông phục vụ rèn, cơ khí khác. Càng rộn ràng sản xuất thì càng ô nhiễm môi trường bởi nước thải, rác thải, tiếng ồn,... ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Theo ông Hoàng Trọng Dân, Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc: “So với các nghề khác, nghề rèn Tiến Lộc cho thu nhập cao, lợi nhuận bình quân của các hộ trong làng nghề tại xã đạt từ 250 - 300 triệu đồng/hộ/năm, tạo việc làm cho hơn 300 lao động trong và ngoài xã. Tuy nhiên, không thể vì kinh tế mà đánh đổi môi trường và sức khỏe con người. Bên cạnh đó, xây dựng sản phẩm thương hiệu cũng là vấn đề. Làng nghề rèn Tiến Lộc nổi tiếng là vậy, nhưng đến nay xã cũng mới đang hướng tới xây dựng 2 sản phẩm OCOP là dao truyền thống và dao thép trắng.

Là một trong số ít làng nghề ở Thanh Hóa có nhiều NNƯT (6 người) lại có nghề được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, làng nghề Trà Đông mới chỉ có 2 sản phẩm trống đồng đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Ông Trần Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, cho biết: “Để tiếp tục khẳng định thương hiệu sản phẩm địa phương, năm 2022, xã phấn đấu có thêm 3 sản phẩm OCOP, đề nghị thăng hạng 2 sản phẩm trống đồng Quý Châu, trống đồng Toàn Linh lên OCOP 5 sao”.

Trải qua hàng trăm năm ra đời, tồn tại và phát triển, những làng nghề truyền thống chẳng phải khi nào cũng rực rỡ. Nhưng rồi với khát vọng giữ gìn nghề của ông cha để lại, sự bền bỉ, cần cù, chịu khó và sức sáng tạo của những người thợ, người nghệ nhân, những nghề truyền thống vẫn sống mãi. Bởi nơi đây, ngoài các nghệ nhân đau đáu với nghề, các cấp chính quyền cũng cần có những giải pháp giải quyết những khó khăn, bất cập nhằm bảo tồn, lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa nghìn đời mà cha ông để lại.

Bài và ảnh: Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]