(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Ngày 23/11, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận, tại huyện Thạch Thành. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa to lớn, là mốc son xác định rõ vị trí của di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hang Con Moong - Hành trình đi tới Di sản Văn hóa Thế giới

(VH&ĐS) Ngày 23/11, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận, tại huyện Thạch Thành. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa to lớn, là mốc son xác định rõ vị trí của di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Giá trị trường tồn di chỉ khảo cổ hang Con Moong

Nằm trong vùng đệm rừng Quốc gia Cúc Phương, hang Con Moong thuộc bản Mọ Xưa, nay là thôn Thành Trung, xã Thành Yên. Theo tiếng địa phương, hang Con Moong nghĩa là hang con thú. Di chỉ hang Con Moong được cán bộ Vườn Quốc gia Cúc Phương phát hiện năm 1974. Năm 1975, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã cử cán bộ đến xác minh và chính PGS.TS Nguyễn Khắc Sử là người đầu tiên đảm nhận nhiệm vụ này. Năm 1976, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Ty Văn hóa Thanh Hóa (nay là Sở VH,TT&DL) và Vườn Quốc gia Cúc Phương tiến hành khai quật lần thứ nhất. Từ năm 2010 đến 2014, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga tiếp tục khai quật, nghiên cứu khảo cổ hang Con Moong, đồng thời phát hiện, khảo sát, khai quật và nghiên cứu một số hang động xung quanh khu vực hang Con Moong như: hang Lai, hang Đắng, Mái đá Mộc Long, hang Mộc Long, hang Mang Chiêng, hang Diêm, hang Bố Giáo, hang Lý Chùn. Từ những kết quả khai quật đã cho thấy con người thời tiền sử đã có mặt ở hang Con Moong từ khoảng 60.000 năm trước.

Hang Con Moong và các di tích phụ cận được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt đã thêm cơ hội cho du lịch xứ Thanh phát triển.

Theo PGS.TS Nguyễn Giang Hải - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam thì hang Con Moong là nơi quần cư liên tục của người Việt cổ, với ba nền văn hóa: Sơn Vi, Hòa Bình, Bắc Sơn, tiêu biểu cho Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung. Hang Con Moong là một điển hình nổi bật về việc định cư truyền thống của loài người, từ đá cũ đến đá mới, từ săn bắt hái lượm sang trồng trọt, chăn nuôi. Sự phát triển này là một trong những thành tựu vĩ đại của nhân loại. Việc phát hiện một di chỉ khảo cổ học có tính liên tục được thể hiện qua các tầng, các lớp văn hóa rõ ràng, kéo dài liên tục qua nhiều thời đại để nghiên cứu tiến trình của lịch sử nhân loại như hang Con Moong và các di tích phụ cận là rất hiếm và vô cùng quý giá. Có thể xem đây là điển hình tiêu biểu của sự định cư hang động truyền thống lâu dài, ổn định của nhân loại; minh chứng cho thấy sự tác động của con người đến môi trường tự nhiên trong một khu có hệ thực vật đặc sắc ở Việt Nam, mà hiện nay vẫn còn lưu lại ở Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Cụm di tích khảo cổ hang Con Moong là một di tích có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ đối với việc nghiên cứu thời đại nguyên thủy ở Thanh Hóa, mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử Việt Nam. Từ cụm di tích khảo cổ hang Con Moong đã cho thấy đời sống kinh tế, xã hội của các công xã thị tộc phát triển qua các thời kỳ khác nhau của các nền văn hóa và lịch sử. Việc phát hiện các loại hình hiện vật qua các cuộc khai quật khảo cổ tại di tích, chứng tỏ người nguyên thủy đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ theo bậc thang tiến hóa trên nhiều lĩnh vực của đời sống.

Di tích khảo cổ học hang Con Moong và các di tích phụ cận cùng với những di tích như: Núi Đọ, núi Nuông, núi Quan Yên, Đa Bút, Cồn Cổ Ngựa, Gò Trũng, Hoa Lộc... đã góp thêm vào quá trình nghiên cứu, tìm hiểu nguồn gốc dân tộc trong sự phát triển của lịch sử Việt Nam.

Và hành trình đi tới Di sản Văn hóa thế giới

Với những giá trị nổi bật của di tích khảo cổ học hang Con Moong và các di tích phụ cận đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2367 ngày 23 tháng 12 năm 2015. Ngày 23/11/2016, tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ đón bằng công nhận. Có thể nói, đây là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa; là mốc son xác định rõ vị trí của di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận, của đất và người xứ Thanh trong dòng chảy lịch sử dân tộc, và là thành công có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trên hành trình tiến tới đề nghị UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới.

Cũng tại buổi lễ đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận, để phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong và hành trình đi tới Di sản Văn hóa thế giới, đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp huyện Thạch Thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê quyệt Quy hoạch tổng thể di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận; tổ chức công bố rộng rãi Quy hoạch tổng thể khi được Thủ tướng phê duyệt, làm cơ sở kêu gọi đầu tư; xây dựng, triển khai, thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận, gắn với các di tích liên quan của Vườn Quốc gia Cúc Phương, để nơi đây dần trở thành trung tâm văn hóa khảo cổ, là điểm đến du lịch hấp dẫn và nhiều ý nghĩa; tiếp tục nghiên cứu, củng cố, bổ sung tư liệu, tài liệu để hình thành bộ hồ sơ khoa học, đệ trình UNESCO công nhận Di tích hang Con Moong là Di sản Văn hóa Thế giới khi đủ điều kiện; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, về ý nghĩa lịch sử, kinh tế, văn hóa - xã hội đối với di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận đến với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân trên địa bàn, cũng như khu vực lân cận, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di tích; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu tiên nâng cấp hệ thống đường giao thông liên huyện, liên xã, đường nối các di tích trong khu vực, đặc biệt làm đường nối di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận, để tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng, gắn kết với di tích văn hóa tâm linh, danh lam - thắng cảnh...trên địa bàn huyện Thạch Thành và vùng lân cận; tích cực đấu mối, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đề xuất bố trí nguồn vốn đầu tư, cùng với nguồn vận động xã hội của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để đầu tư, tu bổ, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị đối với các di tích.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]