(vhds.baothanhhoa.vn) - Suốt 10 năm ròng rã nếm mật nằm gai, chiến đấu gian khổ, dưới sự chỉ huy tài tình của Bình Định Vương Lê Lợi, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã giành thắng lợi hoàn toàn, mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ trong lịch sử đấu tranh của dân tộc.

Hào khí Lam Sơn toả sáng trường tồn (Bài 1): Khởi nghĩa Lam Sơn mốc son chói lọi

Suốt 10 năm ròng rã nếm mật nằm gai, chiến đấu gian khổ, dưới sự chỉ huy tài tình của Bình Định Vương Lê Lợi, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã giành thắng lợi hoàn toàn, mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ trong lịch sử đấu tranh của dân tộc.

Hào khí Lam Sơn toả sáng trường tồn (Bài 1): Khởi nghĩa Lam Sơn mốc son chói lọi

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được sân khấu hoá tại Lễ hội Lam Kinh.

Sự thất bại của nhà Hồ trong việc phòng thủ đất nước tránh họa ngoại bang xâm lăng, cùng các cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Minh bị đàn áp dã man, đã đưa đất nước ta vào thời kỳ đau thương và tăm tối. Nhà Minh đã áp đặt ách đô hộ tàn bạo, hà khắc nhất, ra sức thực hiện dã tâm hủy diệt mọi khả năng phục hồi nền độc lập và đồng hóa dân tộc ta bằng nhiều thủ đoạn thâm độc “bại nhân nghĩa nát cả đất trời”. Chứng kiến cảnh đất nước rơi vào tay quân giặc, Nhân dân lầm than, cơ cực, với tinh thần nồng nàn yêu nước, Lê Lợi đã quyết tâm đứng lên kêu gọi, tập hợp binh sĩ tại vùng đất Lam Sơn, là quê hương của ông để dựng cờ khởi nghĩa.

Để bắt đầu đại nghiệp chống giặc Minh, vào đầu tháng 2 năm Bính Thân 1416, tại làng Lũng Nhai (tức làng Mé, nay thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, cách Lam Sơn khoảng 10 km về phía Tây) là địa điểm kín đáo, nằm sâu trong núi rừng, lại có sông Âm và sông Chu che chở, Lê Lợi cùng 18 vị nhân kiệt gồm: Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lê Nhân Chú (tức Lưu Nhân Chú), Lê Bồi, Lê Lý (tức Nguyễn Lý), Đinh Lan, Trương Chiến, đã cùng tổ chức hội thề, mà lịch sử đã gọi tên là Hội thề Lũng Nhai.

Nội dung văn thề khẳng định quyết tâm đánh giặc cứu nước của chủ tướng Lê Lợi cùng 18 bề tôi thân cận và tất cả những người chứng kiến hội thề. Họ đã cùng nhau “kính đem lễ vật, sinh huyết tấu cáo cùng Hạo thiên Thượng đế, Hậu thổ Hoàng địa và các tôn linh thần bậc thượng, trung, hạ coi sông núi các xứ nước ta”. Vì “(có kẻ) bằng đảng xâm chiếm nước ta, qua cửa quan làm hại, nên Lê Lợi cùng Lê Lai đến Trương Chiến, 19 người chung sức đồng lòng, giữ gìn đất nước làm cho xóm làng được ăn ở yên lành. Thề sống chết cùng nhau, không dám quên lời thề son sắt”. Hội thề Lũng Nhai đã đặt nền móng đầu tiên và vững chắc để Bình Định Vương Lê Lợi phất cao ngọn cờ đại nghĩa, thu phục nhân tâm, đánh đuổi xâm lăng, giải phóng đất nước, dựng nên đại nghĩa.

Hào khí Lam Sơn toả sáng trường tồn (Bài 1): Khởi nghĩa Lam Sơn mốc son chói lọi

Đồi Bái Tranh, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân), vị trí được nhiều nhà nghiên cứu xác định là nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai. (Ảnh: Lê Đồng)

Dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Bình Định Vương Lê Lợi, nghĩa quân Lam Sơn bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần quả cảm, kiên cường, dù có lúc tương quan lực lượng chênh lệch khá lớn. Cuộc khởi nghĩa vừa phát động thì Tổng binh nhà Minh là Lý Bân đã phái Đô chỉ huy Chu Quảng dẫn quân từ thành Tây Đô lên đàn áp. Quân Minh liên tiếp mở các cuộc tiến công, càn quét vùng Lam Sơn, quyết dập tắt cuộc khởi nghĩa. Trước sự truy đuổi ráo riết của quân Minh, nghĩa quân phải rút lên ẩn náu trên núi Chí Linh (tức núi Pù Rinh, thuộc xã Giao An, huyện Lang Chánh). Bị quân Minh vây chặt, nghĩa quân cạn hết lương thực. Trước tình thế hiểm nghèo đó, Lê Lai đã tự nguyện đóng giả Lê Lợi, dẫn 500 quân xông ra phá vòng vây để đánh lừa quân địch và đã anh dũng hy sinh. Nhờ đó, Lê Lợi và nghĩa quân mới thoát khỏi vòng vây dày đặc của quân thù và trở về Lam Sơn khôi phục căn cứ, củng cố lực lượng, chuẩn bị những trận chiến đấu mới.

Trận thắng đầu tiên của nghĩa quân là trên Lạc Thủy (phía Bắc thượng du sông Chu, thuộc địa bàn huyện Cẩm Thủy ngày nay). Do lực lượng còn non yếu, lại bị giặc Minh đàn áp, nghĩa quân đã rút về Lạc Thủy để dựa vào địa hình hiểm yếu và bố trí mai phục. Khi quân Minh truy đuổi lên Lạc Thúy và lọt vào trận địa mai phục, quân khởi nghĩa đã “chém được hơn 3.000 thủ cấp, thu được hàng ngàn quân tư, khí giới” và buộc Mã Kỳ phải rút lui. Thắng lợi của trận Lạc Thủy có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ khẳng định nghĩa quân Lam Sơn dưới sự chỉ huy của Bình Định Vương Lê Lợi có thể đánh bại kẻ thù mạnh và đông gấp nhiều lần; mà trận thắng còn tạo dựng niềm tin cho Nhân dân vào phong trào đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.

Tuy nhiên, do lực lượng quân giặc khá mạnh, trong khi lực lượng đội quân Lam Sơn còn mỏng nên nghĩa quân đã mấy lần phải rút lên núi Chí Linh rồi lại quay về Lam Sơn để củng cố lực lượng. Đến tháng 9 năm Giáp Thìn 1424, nghĩa quân Lam Sơn từ Thanh Hóa chuyển vào xây dựng căn cứ tại Nghệ An. Từ đây, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bước sang một giai đoạn phát triển mới.

Thời điểm hoạt động trên địa bàn Thanh Hóa (1418 - 1424) là giai đoạn dài nhất và cực kỳ gian khổ của nghĩa quân Lam Sơn. Bởi đây là giai đoạn “nghĩa binh mới dấy”, “thế giặc đương hăng”. Dù chịu nhiều tổn thất nhưng được Nhân dân đùm bọc, giúp đỡ và bằng nghị lực phi thường, nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của chủ tướng Lê Lợi và bộ tham mưu, đã triệt để lợi dụng địa thế hiểm trở của núi rừng Thanh Hóa để đánh nhiều trận phục kích, tập kích, đập tan nhiều cuộc tiến công, càn quét của kẻ thù. Trải qua hơn 6 năm tôi luyện trong gian khổ, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ngày càng phát triển lớn mạnh, trở thành trung tâm quy tụ các lực lượng yêu nước; đồng thời, tạo cơ sở quan trọng để thúc đẩy cuộc khởi nghĩa địa phương phát triển thành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc có quy mô cả nước và giành thắng lợi vẻ vang trong lịch sử chống ngoại xâm của Nhân dân ta.

Với đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn, sáng tạo, nghĩa quân Lam Sơn đã chủ động tiến quân vào Nghệ An để tạo dựng căn cứ, rồi dựa vào vị thế, nhân lực, tài lực nơi đây làm cơ sở, làm bàn đạp tiến quân ra Đông Đô. Với nhiều trận đánh lớn, nhiều thắng lợi quan trọng: “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/ Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”; năm 1425, Bình Định Vương Lê Lợi cho quân siết chặt vòng vây thành Nghệ An, đắp thành Lục Niên ở núi Thiên Nhẫn bên hữu ngạn sông Lam để đóng quân lâu dài. Tháng 8-1426, Lê Lợi cho một số tướng tiến ra Bắc, mở đầu chiến dịch vây thành Đông Quan. Với dấu mốc là Hội thề Đông Quan, đã đưa cuộc khởi nghĩa đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Trải qua 10 năm nếm mật nằm gai, vào sinh, ra tử, với đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn, sáng tạo Lê Lợi đã phát huy tối đa sức mạnh của cả dân tộc dựa trên tinh thần “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo”, từ cuộc khởi nghĩa đã phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, đặt nền móng vững chắc đưa quốc gia Đại Việt bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ, huy hoàng nhất.

Nhóm PV phòng Chính trị - Xã hội

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu của các tác giả trong Kỷ yếu hội thảo khoa học Anh hùng dân tộc Lê Lợi và Nhân dân Thanh Hóa với khởi nghĩa Lam Sơn).


Nhóm PV phòng Chính trị - Xã hội

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]