(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi ấn tượng với cuốn sách mỏng này trong một sạp sách báo cũ, là bởi gương mặt của một người phụ nữ thời xưa, rất đẹp, khí độ tôn quý, in ở trang bìa.

Hồi ức về những anh hùng áo vải đất Yên Thế

Tôi ấn tượng với cuốn sách mỏng này trong một sạp sách báo cũ, là bởi gương mặt của một người phụ nữ thời xưa, rất đẹp, khí độ tôn quý, in ở trang bìa.

Hồi ức về những anh hùng áo vải đất Yên Thế

Càng háo hức hơn, bởi đó là bản dịch từ nguyên bản viết tay bằng tiếng Pháp - hồi ký của bà Hoàng Thị Thế, con gái “Hùm thiêng Yên Thế” Hoàng Hoa Thám, tựa đề: “Kỷ niệm thời thơ ấu”. Sách do Ty Văn hóa Hà Bắc xuất bản lần đầu từ năm 1975.

Tên dịch giả cũng sẽ khiến độc giả tò mò, Lê Kỳ Anh. Rất ít người biết, dịch giả chính là nhà thơ Bùi Tằng Việt với các bút danh Hoàng Cầm, Bằng Việt, Bằng Phi, Lê Thái, nhà thơ của những “Lá Diêu bông”, “Bên kia sông Đuống”.

Bà Hoàng Thị Thế là con gái của thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế Hoàng Hoa Thám. Mẹ bà là Đặng Thị Nho, tục gọi là Ba Cẩn, vợ ba đồng thời là cộng sự của Đề Thám. Năm 1909, hai mẹ con bà cùng bị bắt trong chiến dịch tấn công cuối cùng của quân Pháp vào Yên Thế. Mẹ bà sau đó mất trên đường đi đày, còn Hoàng Thị Thế được Albert Sarraut, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ đưa sang Pháp. Năm 1961, bà trở về sống ở Việt Nam và hồi ký “Kỷ niệm thời thơ ấu” được bà viết ở Hà Bắc năm 1963, khi ở tuổi 62.

Sách gồm 18 chương chỉ với 177 trang viết, 4 phụ lục và 12 trang phụ bản ảnh, điều đó cho thấy sự cô đọng trong cảm xúc của tác giả sau nhiều năm sống xa Tổ quốc, được trở lại mảnh đất Yên Thế oai hùng, được cảm nhận tình cảm siết bao trân trọng của người Phồn Xương - trong đó có những người từng sống và chiến đấu trên đất Phồn Xương từ năm 1906 đến 1909, dành cho bố, mẹ và bản thân bà.

Với lối kể chuyện nhẩn nha, dung dị mà chi tiết, sống động, chúng ta sẽ được thăm lại không gian ngôi nhà năm xưa nơi tác giả lớn lên trong lòng nghĩa quân Yên Thế. Ấy là ngôi nhà “có năm buồng, trông ra đằng trước là một cái sân rộng mênh mông” nơi không chỉ lưu dấu những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ, mà còn chứng kiến hào khí cách mạng sục sôi: “Đằng sau lại có một khu vườn lớn: một chiều 30 thước, một chiều 50 thước... Bên trái là bãi tập bắn, tháng nào mọi người cũng tập bắn ở đó. Cha mẹ tôi thì tập nhảy qua các mái nhà con... Tiếp đó là rừng sâu mà cha tôi đã cho đào hố để phòng bọn do thám mò tới ban đêm. Vả chăng, nhiều lần người ta đã được nhìn thấy những tên do thám ấy mang theo mìn, bị chết ngay cạnh quả mìn của chúng”.

Trong không gian đó, chúng ta được gặp lại thủ lĩnh Đề Thám - ở vị trí của một người cha nhân từ, trong một nét họa rất đời: “Cha tôi ngồi như Phật trên sập. Tôi chạy đến ôm hôn cha tôi và định cù vào cổ ông nữa”, rồi “tôi cứ ngồi trên đùi cha tôi và thiu thiu ngủ vì mệt. Lúc tỉnh dậy chỉ thấy có một mình”. Đan xen là các mảnh ghép về những con người đã trở thành một phần lịch sử của đất thiêng Yên Thế, là bà Ba Cẩn tài sắc vẹn toàn, bà Cả Tảo, Cả Trọng, Cả Dinh, Cả Huỳnh, chú Cỏn... Đến cả chú chó nhỏ trung thành, khi anh Cả Trọng hy sinh, “nó đã nằm ở nơi chôn cất anh suốt ngày đêm, không chịu ăn uống và đã chết theo anh tôi”.

Và, đó còn là những lát cắt về cuộc chiến không khoan nhượng trên tất cả các mặt trận của nghĩa quân Yên Thế, của thủ lĩnh Đề Thám với quân Pháp, mà từng câu chữ đều ánh lên niềm tự hào, kiêu hãnh: “Cha tôi đánh Pháp mấy chục năm trời, không bao giờ buông lơi tay súng. Bọn thực dân tổn thất quá nhiều binh lính và tiền của mà Đề Thám vẫn đứng vững trên đất rừng Yên Thế, nên chúng nghị hòa”. Rồi: “Chúng đã từng thuê người quen biết cha tôi đem bom mìn vào sâu trong dinh lũy; thậm chí làm nổ ngay dưới gậm giường của cha tôi. Rút cục, chẳng ăn thua gì”. Cái lũ tìm đến bày mưu đầu độc cụ Đề, thì bị “người ta liền lột trần đám vô lại ấy, lấy gậy tre mà đánh đuổi. Bọn chúng cứ tông hông như vậy mà chạy về Nhã Nam”.

Càng về cuối hồi ký, nhịp kể của tác giả gấp gáp hơn, với những cuộc chiến “ăn miếng trả miếng” giữa nghĩa quân với thực dân Pháp. Những mất mát, hy sinh cũng nhiều hơn và cuối cùng là biến cố xảy đến với ngay chính tác giả khi cùng với mẹ mình bị rơi vào tay địch. Để rồi, nhịp kể chậm lại, lắng lại ở chương cuối cùng, khi tác giả đã trưởng thành - “một thiếu nữ Việt Nam, người con của đất rừng Yên Thế đang sống xa Tổ quốc - quê hương”. Đó là tâm sự của một người con sống cảnh tha hương, nhưng dòng máu Yên Thế - Hoàng Hoa Thám vẫn chảy tràn kiêu hãnh, bởi “những cuộc đi đây, đi đó ở nước Pháp và các nước Âu” đã giúp tác giả nhận ra “nhiều người ở bên Pháp biết tôi, bởi họ biết cha tôi và cuộc đề kháng ở Yên Thế từ lâu. Họ đến để chiêm ngưỡng giọt máu của Đề Thám - bà Ba Cẩn...”.

Còn chúng ta, đọc cuốn hồi ký để “được truyền thêm sức mạnh mãnh liệt bởi các tấm gương nghĩa liệt ngàn đời trong sáng” - về những người anh hùng áo vải đất Yên Thế đã sống trong lòng dân tộc, “như bao người thân thiết, như bao tiếng tâm tình”.

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]