(vhds.baothanhhoa.vn) - Một chính sách ra đời không chỉ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, mà xa hơn, nó phải “đi tắt đón đầu” để làm cơ sở biện giải những vấn đề nảy sinh từ đời sống. Nếu không đáp ứng được yêu cầu đó thì chính sách sẽ phải “chạy theo”, thậm chí “bất lực” trước đòi hỏi khách quan.

Kéo gần khoảng cách “lượng” - “chất” các danh hiệu văn hóa (Bài 2): Khi chính sách vẫn “chạy theo” đời sống

Một chính sách ra đời không chỉ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, mà xa hơn, nó phải “đi tắt đón đầu” để làm cơ sở biện giải những vấn đề nảy sinh từ đời sống. Nếu không đáp ứng được yêu cầu đó thì chính sách sẽ phải “chạy theo”, thậm chí “bất lực” trước đòi hỏi khách quan.

Kéo gần khoảng cách “lượng” - “chất” các danh hiệu văn hóa (Bài 2): Khi chính sách vẫn “chạy theo” đời sống

Quang cảnh hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ảnh: L.D

Vừa làm ... vừa lựa

Không thể phủ nhận, Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17-9-2018 của Chính phủ, quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” (sau đây gọi là Nghị định 122), đã tiến một bước quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả các danh hiệu văn hóa. Tuy nhiên, bản thân chính sách mới này - từ khâu hoạch định đến thực thi trong thực tiễn - đang cho thấy độ “vênh” nhất định. Điều đó khiến cho mục đích mà chính sách ấy hướng đến, có đôi khi, sẽ “trôi” về phía không mong muốn...

Trình tự xét tặng danh hiệu văn hóa hàng năm gồm nhiều bước chặt chẽ là cần thiết. Song, phải tổ chức họp nhiều lần, với nhiều thành phần tham gia và một hệ thống bảng biểu quá nhiều (có tới 14 loại biểu mẫu). Điều này không chỉ đi ngược lại xu thế chung là đơn giản hóa thủ tục hành chính; mà còn gây lãng phí do việc in ấn, sao kê nhiều. Đó là chưa kể đến khâu lưu trữ hồ sơ, khi mỗi năm lượng giấy tờ, thủ tục, hồ sơ liên quan đến bình xét các danh hiệu ở mỗi địa phương là khá lớn. Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Tường, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân (Ngọc Lặc), cho biết: Nghị định 122 quy định việc xét tặng các danh hiệu chỉ được thực hiện khi các gia đình, làng, bản, tổ dân phố tự nguyện đăng ký tham gia hàng năm. Do đó, theo đúng quy định thì ngay từ đầu năm, xã phải in và phát mẫu đăng ký danh hiệu văn hóa đến từng gia đình, từng thôn làng. Tuy nhiên, do có nhiều loại giấy tờ, biểu mẫu, nên xã chỉ in và phát khoảng một nửa, số còn lại sẽ cho đăng ký chung vào một danh sách.

Các phong trào, các danh hiệu văn hóa đều xuất phát từ cơ sở. Và theo đó, đội ngũ cán bộ thôn, bản đóng vai trò quan trọng nếu không nói là có tính quyết định trong việc “khơi thông” chính sách vào cuộc sống. Tuy nhiên, nhận thức, năng lực, trình độ của đội ngũ này, không phải ở đâu và lúc nào, cũng đáp ứng được yêu cầu. Điều đó dẫn đến sự mơ hồ khi triển khai chính sách ở một số địa phương. Ví như tại thôn Ba Bái, xã Xuân Thái (Như Thanh), theo danh sách trưởng thôn đưa lên thì năm 2020, cả thôn chỉ có 5/70 hộ đạt điều kiện để được xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Băn khoăn về con số này, xã đã tiến hành kiểm tra, đánh giá lại thì số gia đình văn hóa của thôn đạt 50%. Nguyên nhân là do còn mù mờ về các quy định, nên trưởng thôn đã không làm đúng quy trình, thủ tục, thậm chí không đưa ra họp dân mà chỉ ghi danh sách rồi nộp lên xã.

Nghị định 122 đề ra 24 tiêu chí/100 điểm đối với danh hiệu “Gia đình văn hóa” và 27 tiêu chí/100 điểm với danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”. Tuy nhiên, cách xây dựng thang điểm/mức điểm cho từng tiêu chí lại chưa hợp lý. Đơn cử như việc “Treo Quốc kỳ trong những ngày lễ, sự kiện chính trị của đất nước theo quy định” được chấm 5 điểm; trong khi “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo quy định” chỉ có 3 điểm; hoặc “Không vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông như: Lấn chiếm lòng đường, hè phố, tham gia giao thông không đúng quy định” chỉ có 2 điểm. Nếu gia đình vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh hay an ninh trật tự, thì số điểm bị trừ thậm chí còn ít hơn việc không treo Quốc kỳ. Cách tính điểm của danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” cũng vậy. Chẳng hạn “Thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” được chấm 5 điểm; hay “Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp hơn mức bình quân chung” được chấm 3 điểm. Đây vốn dĩ là những “tiêu chí cứng”, phản ánh chất lượng cuộc sống và mức độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, nếu không đạt tiêu chí này thì số điểm bị trừ cũng chỉ 3 đến 5/100 điểm. Cho nên, nhiều địa phương, kể cả khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vẫn có thể “lách” qua tiêu chí này để được công nhận danh hiệu văn hóa, nếu các tiêu chí khác “cân” được đủ số điểm tối thiểu theo quy định.

Có lẽ chưa khi nào mà ở cơ sở lại có nhiều phong trào, các danh hiệu văn hóa như lúc này. Bên cạnh “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” (theo Nghị định số 122); còn có cuộc vận động xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và hướng tới là nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cũng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với văn hóa. Dù rằng, các phong trào hay danh hiệu văn hóa là yêu cầu tất yếu. Song, theo phản ánh từ cơ sở, việc cùng lúc triển khai nhiều phong trào dẫn đến “loạn” danh hiệu và ít nhiều gây lúng túng khi triển khai thực hiện, đặc biệt là những phong trào cần huy động nguồn lực trong dân. Đó là chưa kể, không ít phong trào cần danh hiệu văn hóa như một loại “thủ tục” hay “điều kiện cần”, đã buộc cơ sở phải “vận dụng” hay vừa làm vừa lựa cho phù hợp.

Trao quyền?

Liên quan đến thủ tục bình xét và công nhận danh hiệu văn hóa, ví như “Khu dân cư văn hóa”, Nghị định 122 quy định: trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả cuộc họp bình xét, UBND cấp xã lập hồ sơ trình chủ tịch UBND cấp huyện quyết định. Đồng thời, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, chủ tịch UBND cấp huyện quyết định tặng danh hiệu và giấy công nhận “Khu dân cư văn hóa”. Điều này đang ít nhiều gây khó cho các địa phương trong quá trình thực hiện. Bởi, như ông Trương Quốc Huy, Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hậu Lộc chia sẻ, thì cán bộ văn hóa ở huyện rất mỏng (chỉ có 3 người), trong khi lượng hồ sơ lớn từ các xã dồn về gần như vào cùng thời điểm (tháng cuối năm). Nếu thực hiện đúng theo quy định, thì trong vòng 5 ngày phải giải quyết hết hồ sơ của 153 thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn để tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện ra quyết định tặng danh hiệu văn hóa. Nhưng với khối lượng công việc lớn như vậy, chỉ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ thôi cũng đã làm không xuể.

Thực trạng ấy đang đặt ra câu hỏi, phải chăng danh hiệu văn hóa được bình xét trên giấy tờ?. Hay chỉ cần căn cứ trên hồ sơ “sạch” là có thể công nhận danh hiệu văn hóa, mà không cần qua các khâu kiểm tra, giám sát, đánh giá thực tế số lượng, chất lượng các tiêu chí?. Nếu như vậy thì liệu rằng chất lượng danh hiệu có được bảo đảm?. Bởi, các tiêu chí có thể dễ dàng được “lấp đầy” từ thôn, xã chỉ bằng vài bước “cân đo” trên giấy; hay linh hoạt điểm số ở một vài tiêu chí không quan trọng (ví như treo cờ, họp hành...); thậm chí, có thể làm đối phó để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ mà thôi.

Qua tìm hiểu, vấn đề đặt ra ở trên được lý giải rằng, do đã phân cấp, phân quyền nên chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trong việc thẩm định và xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu văn hóa. Nghĩa là, mấu chốt nằm ở thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ ở việc trao quyền, mà là giám sát quá trình thực thi nhằm tránh việc lạm quyền. Đó là chưa kể, nếu có kiểm tra thì cũng khó tránh khỏi “cưỡi ngựa xem hoa”, khi mà có tới hàng chục tiêu chí cho mỗi danh hiệu. Rồi quỹ thời gian từ khi nhận hồ sơ đến khi ra quyết định chỉ trong vòng 3 đến 5 ngày, bấy nhiêu là không thể đủ để tiến hành bước kiểm tra, thẩm định, đánh giá tại cơ sở.

Vậy nên, nếu các tiêu chí có cố tình được “làm tròn” cho đẹp thì cũng khó để phát hiện. Giả sử, nếu phát hiện hành vi vi phạm trong quá trình xét tặng, thì theo quy định của Nghị định 122, các tổ chức, cá nhân gửi kiến nghị và các chứng cứ liên quan đến cơ quan có thẩm quyền xét tặng. Cơ quan có thẩm quyền xét tặng tiếp nhận kiến nghị, xem xét chứng cứ liên quan và ra kết luận về hành vi vi phạm. Đồng thời, căn cứ kết luận về hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức trong quá trình xét tặng các danh hiệu, cơ quan có thẩm quyền xét tặng thực hiện thu hồi, hủy bỏ danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”. Nếu chiếu theo quy định, thì việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm liệu đã đủ sức thuyết phục?. Đó là chưa kể việc đi sau xử lý hệ quả từ các sai phạm trong lĩnh vực văn hóa là không đơn giản. Bởi, sự lệch chuẩn về văn hóa vốn dĩ khó uốn, khó khắc phục hơn việc nắn lại con đường bị lệch hay phá dở ngôi nhà xây dựng trái phép.

Hoàng Xuân - Nguyễn Đạt


Hoàng Xuân - Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]