(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong khi nhiều hộ dân sông nước được lên bờ tái định cư, ổn định cuộc sống, thì đâu đó ở những khúc sông cạn trên địa bàn TP Thanh Hóa vẫn còn nhiều hộ dân bám trụ, chờ đợi.

Khát vọng lên bờ của xóm vạn chài

Trong khi nhiều hộ dân sông nước được lên bờ tái định cư, ổn định cuộc sống, thì đâu đó ở những khúc sông cạn trên địa bàn TP Thanh Hóa vẫn còn nhiều hộ dân bám trụ, chờ đợi.

Khát vọng lên bờ của xóm vạn chài

Nhiều hộ dân vạn chài trên các nhánh sông trên địa bàn TP Thanh Hóa mong sớm được lên bờ tái định cư

Ghé xóm vạn chài Thành Công ven chân cầu Sâng (Phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) những ngày sau tết, cơn mưa phùn rả rích khiến xóm vạn chài thêm phần ảm đạm. Trong khoang thuyền chưa đầy chục mét vuông là chỗ ngụ trú của vợ chồng và mấy đứa con gia đình anh Nguyễn Văn Hồng (35 tuổi).

Anh Hồng dễ nhận thấy khi đôi chân teo tóp không thể đi lại. Ấy vậy mà thanh niên xóm vạn chài này bảo anh là lao động chính của gia đình. Đôi chân dù bị tật nhưng anh còn có đôi tay lực lưỡng, nhờ vậy mà anh nuôi sống cả gia đình, còn được bà con xóm vạn chài ví như con “rái cá” trên các dòng sông.

Anh Hồng rất sát cá, những năm về trước, không cất lưới thì thôi, đã cất lưới bao giờ thu nhập của anh cũng gấp đôi các chủ thuyền khác.

Khát vọng lên bờ của xóm vạn chài

Anh Hồng (bên trái) suy tư, trăn trở về việc mưu sinh trên những khúc sông

Bao năm nay cuộc sống của anh phụ thuộc vào sông nước. Đêm anh lại thả lưới, sáng dậy từ tờ mờ lượn thuyền đi thu cá, tôm.

Đó là khi mưa thuận, gió hòa và dòng sông không bị ô nhiễm. Còn bây giờ, anh nghẹn lại chỉ tay xuống dòng nước đục bảo, cái thứ nước đen kịt kia chính là tác nhân của sự ô nhiễm và khan hiếm cá, tôm trên sông.

“Mùa này nước chưa hôi thối, chứ mùa hè nước sông cạn đục thì nồng nặc”, anh Hồng thở dài nói.

Theo anh, dù nước sông ô nhiễm, nhưng người dân vẫn phải dùng nguồn nước này để tắm rửa. Nước để ăn uống thì các hộ phải mua. Để có ánh sáng cho con cái học hành đêm khuya thì phải đấu mắc nhờ điện của các hộ trên cạn, hàng tháng dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu.

Khát vọng lên bờ của xóm vạn chài

Nước sông dù không đảm bảo những vẫn là nguồn chính để rửa ráy, tắm giặt...

Tìm hiểu được biết, số hộ còn phụ thuộc vào nghề đánh bắt cá trên sông như gia đình anh Hồng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Đa phần các hộ đều lên cạn tìm những công việc tự do để làm.

Trường hợp gia đình anh Nguyễn Văn Bút, chị Lê Thị Dung (5 khẩu) biên chế thường niên trên khúc sông này cho biết: Từ tết đến nay, mỗi ngày thu nhập được trên dưới 100.000 đồng. Số tiền trên vợ chồng anh chị phải tằn tiện lắm mới đủ sinh hoạt cho 5 thành viên.

Không còn phụ thuộc vào con cá, con tôm trên sông nên nguyện vọng của anh Bút, chị Dung cũng như đa số các hộ dân khác còn bám trụ trên khúc sông này là được lên cạn tái định cư. Có nhà, có cửa kiên cố sẽ “an cư, lạc nghiệp”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch MTTQ phường Đông Thọ cho biết, phường và thành phố rất quan tâm, thường xuyên thăm hỏi, động viên các hộ dân sông nước. Hiện đa phần các hộ dân đã được bố trí tái định cư lên cạn, tuy nhiên vẫn còn khoảng 15 hộ thuộc xóm vạn Thành Công đóng trên địa bàn phường và khoảng hơn 100 hộ trên các nhánh sông khác thuộc địa bàn TP Thanh Hóa vẫn đang chờ đợi bố trí tái định.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]