(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm là người con của xứ Thanh, một vùng đất địa linh, nhân kiệt. Tâm hồn ông thấm đẫm tinh hoa tinh chất văn hóa lâu đời của nền văn minh núi Đọ, nền văn minh trống đồng Đông Sơn, truyền thống lịch sử kiên cường, bất khuất, sức mạnh đoàn kết, anh hùng trong quá trình dựng nước, giữ nước oai hùng tự hào, kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam nói chung, người Thanh Hóa nói riêng. Cho đến nay ông đã được xuất bản hơn hai mươi đầu sách đủ các thể loại thơ, văn xuôi. Ông đã đoạt nhiều giải cao nhất ở Trung ương và địa phương.

Lịch sử hào hùng của xứ Thanh ngời sáng qua trường ca “Mạch đất hồn trống đồng”

Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm là người con của xứ Thanh, một vùng đất địa linh, nhân kiệt. Tâm hồn ông thấm đẫm tinh hoa tinh chất văn hóa lâu đời của nền văn minh núi Đọ, nền văn minh trống đồng Đông Sơn, truyền thống lịch sử kiên cường, bất khuất, sức mạnh đoàn kết, anh hùng trong quá trình dựng nước, giữ nước oai hùng tự hào, kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam nói chung, người Thanh Hóa nói riêng. Cho đến nay ông đã được xuất bản hơn hai mươi đầu sách đủ các thể loại thơ, văn xuôi. Ông đã đoạt nhiều giải cao nhất ở Trung ương và địa phương.

Lịch sử hào hùng của xứ Thanh ngời sáng qua trường ca “Mạch đất hồn trống đồng”

Hầu hết các tập thơ, tập ký, trường ca của ông đều viết về xứ Thanh. Tất cả các tác phẩm đoạt giải của ông cũng viết về đất và người Thanh Hóa, nơi ông sinh ra, lớn lên và cống hiến. Ông được nuôi lớn, tôi luyện, hun đúc bằng tinh hoa, cốt cách, bản lĩnh, ý chí, văn hóa lịch sử quê Thanh. Thơ văn của ông trang nào cũng thấm đẫm lịch sử quê Thanh, tâm hồn cao đẹp, bản lĩnh, ý chí nghị lực phi thường của người quê Thanh. Nhiều bài thơ của Nguyễn Minh Khiêm được đưa vào sách giáo khoa, nhiều bài thơ được phổ nhạc, được chuyển thể thành chầu văn có sức lan tỏa lớn trong công chúng. Không mấy người yêu văn chương lại không nhớ bài thơ “Cứ về Thanh Hóa một lần” của Nguyễn Minh Khiêm.

Trong sự nghiệp sáng tác, Nguyễn Minh Khiêm có hàng trăm bài thơ thành công vang dội trên văn đàn song đó vẫn chưa phải là tuyệt đỉnh thăng hoa của ông. Đỉnh cao nhất, sáng chói nhất, tâm huyết nhất, thăng hoa nhất trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Khiêm phải kể đến Trường ca “Mạch đất hồn trống đồng”. Có thể khẳng định đây là một tác phẩm có tầm vóc lớn nhất, quy mô đồ sộ nhất, thành công nhất trọn vẹn nhất trong sự nghiệp thơ ca của ông nói chung và trường ca của ông nói riêng. Nó kết tinh toàn bộ trí lực, tâm hồn, tình yêu quê hương, đất nước, nó là một bước tiến lớn trên con đường sáng tạo văn học nghệ thuật của Nguyễn Minh Khiêm. Nếu chưa nhắc đến trường ca “Mạch đất hồn trống đồng” tức là chưa nhắc đến Nguyễn Minh Khiêm.

Trong suốt 6 phần của Trường ca “Mạch đất hồn trống đồng”, tác giả Nguyễn Minh Khiêm - một cây bút đa tài, có vốn kiến thức sâu sắc về rất nhiều lĩnh vực, nhất là về văn hóa và địa lý, nhân học… đã dày công sáng tác để ngợi ca quê hương, đất nước, con người xứ Thanh, đất Việt suốt dặm dài lịch sử để bạn đọc gần xa thêm yêu mến vùng đất địa đầu hai miền Trung - Bắc từng được học giả nước ngoài ví von là “Sân khấu của những bản anh hùng ca vĩ đại của nước Việt Nam”, vùng “tam vương nhị chúa” của Văn hóa núi Đọ, văn hóa Đông Sơn lừng danh muôn thuở…

Trong nền văn học hiện đại Việt Nam nói chung đã xuất hiện rất nhiều trường ca. Nhưng những trường ca có độ dài ba bốn nghìn câu thơ là tương đối hiếm. Với dung lượng hơn mười nghìn câu thơ như “Mạch đất hồn trống đồng” càng hiếm. Không phải vùng đất nào cũng sản sinh ra được những áng thơ văn có tấm vóc lớn như thế. Đó là một điều rất quý. Quý hơn tất cả, trường ca “Mạch đất hồn trống đồng” là trường ca viết về Thanh Hóa, ngợi ca Thanh Hóa, khắc họa hình ảnh Thanh Hóa, từ trang đầu đến trang cuối là Thanh Hóa. Từ cái tên Trường ca “Mạch đất hồn trống đồng” đến định danh từng phần, lời mở từng phần, chỗ nào cũng đậm đặc chất Thanh Hóa, hồn cốt Thanh Hóa. Từng chữ từng câu rất đặc thù Thanh Hóa.

Bất kể một cây bút nào, muốn thể hiện được sâu sắc hào khí xứ Thanh từ lúc khai thiên lập địa, qua các thời kỳ chống giặc ngoại xâm gian khổ, khốc liệt giành và giữ quyền sống của mình, xây dựng, phát triển, hòa nhập thời đại mới, trải dài hàng nghìn năm, đòi hỏi tác giả phải có một nền tảng kiến thức vô cùng rộng lớn, vốn hiểu biết kỹ càng, sâu sắc, nhuần nhuyễn, tinh tế nhiều lĩnh vực; phải thẩm thấu, chưng cất, đúc kết, cô đặc được các giá trị truyền thống cao đẹp về văn hóa, lịch sử, tâm hồn, nghị lực, ý chí, khát vọng, tinh thần chiến đấu và chiến thắng, sức vươn, sức vượt, sức sáng tạo, sự chịu đựng gian khổ hy sinh, tinh thần lạc quan, sức sống mãnh liệt, sức mạnh đoàn kết, tính nhân văn, nhân hậu, nhân ái, lòng vị tha, tình yêu, niềm tin, niềm lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống, với một nền tảng đạo đức, đạo lý uống nước nhớ nguồn, luôn hướng tới chân - thiện - mỹ của các dân tộc Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng. Không chỉ có thế, muốn thể hiện thành công về con người xứ Thanh, bản sắc văn hóa xứ Thanh đa dạng, phong phú, đầy sức sống, không ngừng phát triển rực rỡ qua các thời kỳ, tác giả còn phải có tầm nhìn, có sự khái quát cao, có năng lực phân giải lớn, vừa quy tụ được sức mạnh của tất cả các dân tộc anh em, sự tỏa sáng văn hóa các vùng miền, vừa phải khu biệt, riêng biệt được vẻ đẹp tâm hồn, phong tục tập quán của các vùng miền, của các dòng họ. Tất cả những phẩm chất ấy cùng chảy mãnh liệt trong dòng chảy của lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam vừa khắc tạc nên một xứ Thanh có nét đặc thù tự hào, kiêu hãnh. Bản lĩnh, tri thức, học vấn, cái tầm, tâm thế của tác giả phải đủ tầm cao, đủ tầm rộng, đủ tầm sâu, tạo nên được một sự kết nối, một sự thống nhất xuyên suốt từ nghìn xưa đến nghìn sau, từ lao động đến chiến đấu, từ chinh phục kẻ thù thiên nhiên đến chinh phục kẻ thù xâm lược, từ biết đứng vững và biết vỗ cánh bay lên. Viết về vùng đất này là viết về mồ hôi xương máu. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trên mảnh đất này, tiếng cười vẫn vươn cao hơn nước mắt, niềm lạc quan hy vọng phải cao hơn đau thương tang tóc, niềm tin chiến thắng phải là ánh sáng mặt trời xua tan mây mù và bóng tối. Tất cả mọi con đường đều dẫn tới hoa thơm và quả ngọt. Từng chương từng phần phải thể hiện được khát vọng ấy, mơ ước ấy, hiện thực đó.

Trường ca “Mạch đất hồn trống đồng” đã thể hiện được tất cả những đòi hỏi khắt khe ấy bằng ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ giàu sức khái quát, giàu sức gợi, giàu sức biểu cảm. Xứ Thanh từ thuở khai thiên lập địa với nền văn minh núi Đọ, nền văn minh trống đồng Đông Sơn hiện lên lung linh, đẹp đẽ, sinh động. Dòng chảy lịch sử từ thuở Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Hồ Quý Ly, Lê Lợi hiện lên cuồn cuộn mãnh liệt. Hào khí kiên cường bất khuất của ông cha nghìn năm hòa quện vào ý chí sắt đá “không có gì quý hơn độc lập tự do” thời đại Hồ Chí Minh tạo nên âm hưởng sử thi hiện đại một vùng đất địa linh nhân kiệt huyền diệu, với một kho tàng đồ sộ về giai thoại, thần thoại, huyền thoại, sự tích, huyền tích, thắng tích; một bản anh hùng ca về người xứ Thanh dám nghĩ, dám làm, thông minh, sáng tạo góp phần tô đẹp thêm trang sử vẻ vang, hào sảng, bi tráng, vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam.

Xuyên suốt Trường ca “Mạch đất hồn trống đồng” là niềm tự hào, kiêu hãnh về truyền thống văn hóa, lịch sử, sức sống mãnh liệt, cốt cách cao đẹp của người Thanh Hóa. Nó là nguồn cảm hứng cháy bỏng để tác giả hóa thân vào hơn mười nghìn câu thơ trong một chỉnh thể lôgic thống nhất từ tư duy hình tượng lịch sử, cảm quan lịch sử đến hình ảnh nghệ thuật, xúc cảm nghệ thuât.

Trường ca “Mạch đất hồn trống đồng” vừa đúc kết, chưng cất, cô đặc, vừa tiếp thụ tinh hoa các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa rực rỡ của dân tộc, vừa làm thăng hoa, bung nở, lan tỏa các giá trị ấy, vừa mở ra những cánh cửa sáng tạo mới tiên tiến và hiện đại trong lĩnh vực sáng tạo văn chương nói chung, sáng tạo trường ca nói riêng.

Hơn 10.000 câu thơ thể hiện trong 6 phần của Trường ca “Mạch đất hồn trống đồng”, chúng ta có cảm tưởng như đây là bản đại hợp xướng được thể hiện bằng những vần thơ có nhạc điệu cao thấp khác nhau, có lúc thăng, có lúc trầm, lúc nhẹ nhàng khoan thai, lúc dồn dập gấp gáp… làm cho người đọc phải liên tục thay đổi cảm xúc và tư duy khi đọc những lời kể, miêu tả về các kỳ tích và chiến công của người xứ Thanh như là những huyền thoại, đôi khi lòng chúng ta co thắt lại khi tác giả viết về sự mất mát, hy sinh to lớn của người xứ Thanh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy đã tạo ra cái chất xứ Thanh một cách đáng phục, đáng yêu.

Bài và ảnh: HOÀNG TÚ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]