(vhds.baothanhhoa.vn) - Người dân Nga Sơn có câu: “Đồn rằng chùa Sỏi lắm tiên/ Bạch Câu lắm cá, Thạch Tuyền lắm quan”. Chùa Sỏi tức là chùa Vân Lỗi, chùa Sùng Nghiêm, nay là chùa Vân Hoàn. Theo lời kể của các cụ già làng, chùa là nơi tụ hội thường xuyên của những dải mây có màu sắc rực rỡ, nơi các nàng tiên giáng xuống để du ngoạn, đúng như ý nghĩa của từ Vân Hoàn (vân là mây, hoàn là tụ lại).

Linh thiêng đất và chùa Vân Hoàn

Người dân Nga Sơn có câu: “Đồn rằng chùa Sỏi lắm tiên/ Bạch Câu lắm cá, Thạch Tuyền lắm quan”. Chùa Sỏi tức là chùa Vân Lỗi, chùa Sùng Nghiêm, nay là chùa Vân Hoàn. Theo lời kể của các cụ già làng, chùa là nơi tụ hội thường xuyên của những dải mây có màu sắc rực rỡ, nơi các nàng tiên giáng xuống để du ngoạn, đúng như ý nghĩa của từ Vân Hoàn (vân là mây, hoàn là tụ lại).

Linh thiêng đất và chùa Vân HoànAnh Trịnh Văn Hải, công chức văn hóa xã Nga Phượng (Nga Sơn) giới thiệu những tấm bia còn sót lại trên núi Vân Hoàn.

Tọa lạc trên núi Vân Hoàn, ở làng Vân Hoàn, xã Nga Phượng (Nga Sơn), chùa nằm nơi lưng chừng núi, cách mặt đất chừng 20m, trên nóc mái chùa là hang động cao, những thạch nhũ thả xuống treo lơ lửng, đẹp tựa cảnh tiên. Xưa kia, ai đến đây một lần không bao giờ quên. Ấy thế nhiều văn nho đến đây không thể kìm lòng được, đã đề thơ trên đá. Trên tấm bia cổ nhất có ghi: “Đông có xóm làng, nhà cửa đông đúc có thể làm nơi cung đỉnh của hào gia. Nam gần sông lớn chảy tới biển khơi có thể làm chốn mênh mông cho thế giới... ăn thông với Thần đầu hải khẩu (tức cửa biển Thần Phù), có thể làm nơi nghỉ tốt cho kẻ qua người lại. Đúng là dùng bốn phía làm giới phong đứng trấn ở non Vân Lỗi vì non này là chủ các non”.

Nhắc đến chùa Vân Hoàn, không thể không nhắc tới 11 văn bia khắc vào vách đá. Theo hoa văn trên các bia đá, chùa được dựng vào thời Nhà Lý (khoảng thế kỷ XII - XIV). Nay dù chỉ còn lại 3 bia ký nhưng cũng đủ để cho thấy địa thế, cảnh sắc, sự linh thiêng của ngôi chùa... Tấm bia còn nguyên vẹn, sắc nét nằm ngay lối vào chùa được viết bởi danh nho nổi tiếng Phạm Sư Mạnh, tự là Nghĩa Phu, hiệu Úy Trai, làm quan dưới thời Nhà Trần. Ông tới đây năm Thiệu Khánh thứ 3 (1372) và để lại một bài ký, một bài minh 24 câu 96 chữ, và một bài thơ 4 câu 28 chữ. Đọc bài ký đã được dịch của Phạm Sư Mạnh: “Đây núi Vân Lỗi/ Am sát ven sông/ Ai người tạo dựng/ Hoàn hảo vô cùng/ Giúp kẻ sống chết/ Ngàn năm phúc chung/ Đức lớn rủ lòng/ Chúng sinh cứu vớt/ Trên dẫn bến mê/ Dưới đưa cõi sống/ Người người phấn chấn/ Chốn chốn nghe danh/ Đạo huyền sâu sắc/ Biết đâu là cùng...”, mới thấy đất và người ở đây như cảnh tiên. Đặc biệt, văn bia của văn nhân họ Phạm đã được nhiều nhà nghiên cứu phiên dịch. Trong tác phẩm Thơ văn Lý - Trần bút tích của ông đã được giới thiệu với đầu đề là: “Sùng Nghiêm tự Vân Lỗi sơn đại tự bi”. Còn sách Lược truyện tác giả Việt Nam thì ghi là “Vân Lỗi sơn, Sùng Khánh tự đại bi nhâm ký”.

Ngoài ra, tại chùa Vân Hoàn hiện nay vẫn còn nguyên vẹn bài ký của Ninh Tốn (1743 - 1790) là quan dưới triều Lê - Trịnh, đỗ tiến sĩ, khi vãn cảnh chùa đã viết: “Kìa núi xanh rậm và vút lên thẳng đứng như bức bình phong ngọc, lại như trướng gấm thế kia. Đó chẳng phải là cái vẻ đẹp của núi Vân Lỗi ư? Phía trước núi là dòng sông lớn, triều dâng sóng cuộn, lồng lộng vòng eo, thủy triều lên xuống sớm chiều nhiều vẻ... Đó chẳng phải là cái hùng tráng, dũng mãnh của dòng sông bên sườn Vân Lỗi kia ư? Giữa eo núi hương thơm sắc tỏa, mịt mùng như móc như mây, lại như lầu gác cô đơn mà cao vút lên, thấp thoáng trong mây, lúc ẩn lúc hiện... Đó chẳng phải là cái vẻ đẹp của chùa Vân Lỗi này ư?” (Những bút tích Hán - Nôm hiện còn ở các hang động, vách núi đá xứ Thanh, Võ Hồng Phi, Hương Nam; Nxb Giáo dục, 2007).

Bức thứ 3 do chúa Trịnh Sâm viết. Ở ngôi chúa 15 năm (1767 - 1782), ông đã tuần du khắp đàng Ngoài và nhiều vùng đất đàng Trong, vi hành thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh của đất nước. Những cảm nhận trong từng chuyến đi đã được nhà Chúa ghi chép, viết thơ và một số bài đã khắc trên vách đá. Tấm bia ký của Tĩnh Vương Trịnh Sâm được dịch nghĩa: “Danh thắng nêu cao đệ nhất châu/ Dáng non như mực nước như dầu/ Am mây nửa khép mong huyền hạc/ Bãi cát dường ngăn cợt bạch âu/ Nẻo tuyết tiều men chân đá cứng/Đường sao khách vượt bước nghềnh sâu/ Cao trông sóng cuộn theo tầm mắt/Trời đất mênh mang một sắc thâu”.

Ngoài ra, để ca ngợi thắng cảnh này, sách Đại Nam nhất thống chí thế kỷ XIX miêu tả: “Lên núi trông ra ngoài cửa biển Bạch Câu thì thấy chim biển, thuyền buồm hiện ra trước mắt”.

Ngoài cảnh đẹp nổi tiếng, chùa Vân Lỗi còn rất linh thiêng. Nơi đây ghi lại dấu tích của mặt trận quyết chiến thời Trần. Khi quân Nguyên chia làm 3 hướng tấn công vào Thăng Long, trong đó từ hướng Nam trận quyết chiến giữa quân Toa Đô và quân Trần do thái sư Trần Quang Khải chỉ huy diễn ra tại sông Lèn. Bên kia sông là xã Quang Lộc (Hậu Lộc ngày nay), bên này là địa phận xã Nga Lĩnh (Nga Phượng ngày nay), Nga Thạch, xác giặc chết ngổn ngang, máu chảy đỏ cả dòng sông (vì vậy đoạn sông xã Nga Thạch còn gọi là sông Thắm). Sau khi chiến thắng quân Nguyên lần thứ 3, Hoàng thái hậu nhà Trần về chùa Vân Lỗi làm lễ cầu siêu cho các vong hồn của cả quân Nguyên và quân Trần được siêu thoát. Dân làng Vân Hoàn kéo đến rất đông và sáng tác trò diễn “Bát man” (giết chết 8 tên tướng giặc) để mua vui cho Hoàng thái hậu.

Trong kháng chiến chống Pháp, Nhân dân làng Vân Hoàn đã nuôi giấu mẹ Trần Xuân Soạn tại chùa để ông an tâm cùng nghĩa quân Ba Đình chống giặc. Tháng 5-1950, tại chùa Vân Lỗi đã diễn ra Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Nga Sơn lần thứ 3, với nghị quyết lịch sử: Rào làng chống càn thắng lợi. Đây cũng là nơi tổ chức Đại hội thành lập Đảng bộ huyện Kim Sơn của tỉnh Ninh Bình.

Các cụ cao niên cho biết trước kia trên đỉnh Vân Hoàn có một cái hang, không rộng lắm nhưng rất sâu, người dân nối nhiều sợi dây thừng buộc hòn đá vào đầu dây thả mãi mà hòn đá vẫn không chạm đất, thì nay chỉ còn một cái hang nhỏ nông cạn. Chùa tượng cũng đã biến mất. Ông Nguyễn Hữu Dũng (77 tuổi), từ cách đây hơn 20 năm đã thường xuyên xuống chùa dọn dẹp chia sẻ: “Tôi lớn lên cả sân chùa là vườn táo chín vàng, trẻ con chúng tôi thoải mái ăn... bên trong chùa là bóng các vị tăng ni, chim sáo ríu rít. Giờ đây không gian chùa ngày càng bị thu hẹp, con sông trước mặt cũng đã bị bồi. Nhưng Sùng Nghiêm tự, Vân Lỗi sơn luôn là niềm tự hào của chúng tôi. Vì thế, ngày rằm, mùng một ngày tết, Nhân dân trong làng vẫn đến đây thắp nhang mong mọi điều tốt lành.

Trịnh Văn Hải, công chức văn hóa xã Nga Phượng cho chúng tôi biết: Chùa đã có quy hoạch tổng thể kiến trúc cảnh quan, tuy vậy, đến nay vẫn chưa thực hiện được vì nhiều lý do, chủ yếu là nguồn xã hội hóa. Điều lo lắng nhất là trăm năm bia đá cũng mòn, những tấm bia ký còn lại là minh chứng về chùa thiêng trên đất thiêng. Nhưng nếu không có kế hoạch giữ gìn nhóm bia đá chùa Vân Lỗi - một di tích văn hóa - lịch sử cấp tỉnh sẽ ngày càng xuống cấp.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]