(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nằm trên đường ra cảng nước sâu Nghi Sơn (Tĩnh Gia), di tích Giếng Ngọc gắn với truyền thuyết Mị Châu thời Hùng Vương đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mai này có còn di tích Giếng Ngọc?

(VH&ĐS) Nằm trên đường ra cảng nước sâu Nghi Sơn (Tĩnh Gia), di tích Giếng Ngọc gắn với truyền thuyết Mị Châu thời Hùng Vương đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.

Tìm đường đến khu vực di tích Giếng Ngọc, trước mắt chúng tôi là bãi cỏ mọc um tùm rộng chừng 30m2, nhìn thật kỹ bên trong đó là một khoảng đất nhỏ trũng xuống bị đất bụi phủ kín. Người dẫn đường chỉ tay xuống khu vực được xếp đá khẳng định: đó là di tích Giếng Ngọc, gắn với truyền thuyết Mị Châu. Người này bật mí thêm rằng, nếu bắt được ngọc dưới biển, đem về giếng rửa thì ngọc sẽ sáng vô cùng. Nghe mà không khỏi xót xa vì gọi là Giếng nhưng bây giờ làm gì còn nước, đến hình hài của Giếng cũng chẳng còn nguyên vẹn.

Nói về di tích Giếng Ngọc, người dân trong vùng cho rằng, nơi này đã có lịch sử hàng nghìn năm, gắn với truyền thuyết Mị Châu - Trọng Thủy và bài học về sự lơ là, mất cảnh giác dẫn đến mất nước của vua An Dương Vương. Trước khi chết, nàng khấn: Trung tín trọn tiết, bị người đánh lừa, xin hóa thành ngọc châu để rửa thù nhục này. Máu nàng loang mặt nước biển, loài trai ăn phải hóa hạt minh châu. Trọng Thủy theo vết lông ngỗng tìm đến thấy xác vợ bên bờ biển, hối hận vô cùng nên sau khi chôn cất vợ cũng buồn đau mà nhảy xuống giếng tự vẫn. Người dân biển biết được câu chuyện bi thương của đôi trai gái nên khi bắt được ngọc trai dưới biển Đông thường đem về giếng này mà rửa cho sáng và gọi cho nơi ấy là Giếng Ngọc.

Ngày nay, di tích thuộc xã đảo Nghi Sơn, nằm dưới chân núi Biện Sơn ở phía Tây Nam. Trên đỉnh núi có đền thờ Mị Nương công chúa, dưới đền là Vũng Ngọc. Đời Lê đây vốn là khu vực khai thác lấy ngọc trai, ngọc lấy được phải rửa bằng nước giếng Ngọc thì mới sáng, và di tích có tên giếng Ngọc có lẽ từ ngày đó.

Một di tích những tưởng đã tồn tại hàng nghìn năm gắn với câu chuyện lịch sử, in dấu trong lòng người dân, vậy mà giờ đây lại như lạc lõng giữa Khu kinh tế Nghi Sơn sầm uất và có nguy cơ bị san bằng. Dù người ta chưa tác động trực tiếp đến di tích nhưng mỗi ngày với hàng trăm lượt xe tải chạy qua, thả xuống Giếng biết bao là bụi, đá thì hiện trạng đau lòng của di tích có lẽ cũng là điều dễ hiểu. Điều đáng buồn hơn, nhiều bạn trẻ là cư dân xã đảo này thậm chí còn không biết, không nhớ đến sự tồn tại của di tích.

Hiện trạng di tích Giếng Ngọc.

Trò chuyện với Phó Chủ tịch xã Nghi Sơn - ông Nghiêm Xuân Dũng cho biết: Cùng với pháo đài Tĩnh Hải, chùa Bái Đông thì Giếng Ngọc Mị Châu là những di tích của địa phương vẫn chưa được xếp hạng. Riêng di tích Giếng Ngọc lại nằm ở vị trí đặc biệt, dưới chân núi Biện Sơn và cạnh biển. Trước đây, nơi này vẫn thường được người dân ghé thăm thường xuyên. Tuy nhiên, kể từ khi dự án Cảng nước sâu Nghi Sơn đi vào thực hiện, cùng với đó là việc mở đường ra cảng thì di tích cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.

Cụ thể, di tích nằm án ngữ ngay trên tuyến đường lớn Đông Tây được quy hoạch mở rộng, trong khi đó không hiểu vì lí do tại sao mà khi quy hoạch di tích lại không được đưa vào vùng bảo vệ đặc biệt. Bởi vậy, khi dự án làm đường được triển khai, do sợ di tích sẽ bị vùi lấp nên người dân địa phương đã làm hàng rào bảo vệ tạm thời. Cũng theo ông Dũng thì để có những chứng cứ cụ thể về di tích thì cần thiết có một cuộc khai quật, khảo cứu cụ thể.

Nói về di tích, anh Lê Văn Cường - Cán bộ văn hóa xã cũng cho biết, ngày 8/10 năm Đinh Hợi, một nhóm học giả nghiên cứu về di tích cùng với người dân địa phương đã dựng một tấm bia đá ngay tại di tích. Tuy nhiên, đến bây giờ, dù thời gian chưa lâu nhưng tấm bia đó cũng bị khuất lấp trong cây cỏ và bụi đá.

Lãnh đạo UBND xã Nghi Sơn cũng cho biết thêm, hiện tại địa phương đã đề nghị với UBND huyện Tĩnh Gia qui hoạch Giếng Ngọc vào quần thể các di tích xã Nghi Sơn. Đồng thời, do dự án làm đường Đông Tây ra Cảng nước sâu Nghi Sơn không thuộc sự quản lý của huyện nên cần có sự vào cuộc của cơ quan có thẩm quyền, có như vậy mới mong giữ lại được di tích khỏi bị vùi lấp.

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]