(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Ghé thăm di tích đình làng Nga Châu, xã Hà Châu (Hà Trung) nhiều người không khỏi xót xa trước sự xuống cấp xập xệ của di tích. Nhưng điều đáng buồn hơn cả lại là ý thức và trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ di tích của lãnh đạo và một số người dân địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xót xa di tích bị xâm hại

(VH&ĐS) Ghé thăm di tích đình làng Nga Châu, xã Hà Châu (Hà Trung) nhiều người không khỏi xót xa trước sự xuống cấp xập xệ của di tích. Nhưng điều đáng buồn hơn cả lại là ý thức và trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ di tích của lãnh đạo và một số người dân địa phương.

Được sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến đình làng Nga Châu với ý định tham quan, tìm hiểu về di tích lịch sử văn hóa. Nhưng mọi cảm xúc bỗng chốc bị xáo trộn khi bước chân dừng trước cổng di tích. Đình Nga Châu hiện ra thật nhếch nhác và đầy xót xa.

Cánh cổng sắt xỉn màu hoen rỉ, đứt gãy và xiêu vẹo không thể làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài di tích, nó tồn tại lặng thầm như cách mà người ta muốn nói: nơi này vốn dĩ cũng có cửa cổng bảo vệ, nếu có chăng chỉ là do đã cũ nát, hư hỏng mà thôi! Lách mình qua cánh cửa cổng, chúng tôi vào bên trong khuôn viên di tích. Ngoài một số cây đại vẫn nở hoa thì nơi này dễ khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh những sân kho của hợp tác xã nông nghiệp.

Vào bên trong di tích đình Nga Châu, mọi cảm xúc như vỡ òa. Có điều gì đó xót xa, buồn lòng. Không xót xa sao được khi di tích hiện ra lúc này chẳng khác gì “phế tích”. Những cột gỗ vẫn sừng sững đứng đó hàng trăm năm qua nhưng có lẽ người ta nói đúng: mọi thứ đều sợ thời gian. Dấu ấn thời gian đã phủ lên từng cột gỗ, vì kèo hay từng viên ngói lợp đình. Bên trong mái đình, mạng nhện giăng mắc khắp nơi, bụi bặm phủ kín nền đình làng. Có lẽ, lâu lắm rồi, nơi này không được quét dọn.

Song, hình ảnh khiến chúng tôi bất ngờ hơn cả là một góc ngôi đình đã được một số hộ dân “trưng dụng” làm nhà kho chứa đồ. Hàng chục bao tải đã được đóng, buộc cẩn thận xếp chồng lên nhau hết gần cả gian đình. Bên cạnh đó là những tấm bạt che, chổi quét, thúng mủng và một số dụng cụ của nhà nông cũng nằm chễm chệ bên cạnh chiếc kiệu rước trong đình. Ở chính giữa gian đình là đống ngói lợp xếp chồng lên nhau.

Quan sát khắp lượt bên trong đình làng, chúng tôi bắt gặp quyết định “Bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa đình Nga Châu” do Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin kí ngày 27/7/1996. Nét mực xanh, đỏ trên quyết định tuy có ngả mầu song vẫn vô cùng sắc nét và rõ ràng.

Hình ảnh bên trong di tích đình làng Nga Châu.

Rời khỏi di tích đình làng Nga Châu mà cảm xúc hụt hẫng, xót xa cứ bủa vây, ám ảnh lạ kì. Đem chuyện di tích bị sử dụng thành nơi chứa đồ hỏi một số người dân sống gần đó thì câu trả lời nhận được đều có đại ý: vì ngày mùa nên một số hộ dân mang lúa ra sân đình phơi, sau đó mang vào bên trong đình cất giữ, chuyện đó thì vụ mùa nào cũng vậy.

Và ngạc nhiên hơn khi phần lớn người dân đều không biết rằng việc “trưng dụng” di tích làm sân phơi là hành vi xâm hại di tích, thậm chí có người còn vô tư cho biết: ngày trước người ta còn dệt thảm thủ công trong di tích, bây giờ chỉ phơi lúa, cất đồ thì chắc là không sao!

Trước thực trạng di tích lịch sử văn hóa đình Nga Châu bị xâm hại, chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Phạm Sỹ Hòa - Chủ tịch UBND xã Hà Châu (Hà Trung), ông Hòa thừa nhận thực tế một số hộ dân sử dụng đình làng Nga Châu làm nơi phơi lúa, chứa đồ. Tuy nhiên, theo ông Hòa: di tích đình làng Nga Châu có hai khu: khu đình làng bên ngoài và gian thờ cúng bên trong, người dân chỉ sử dụng sân và gian đình bên ngoài. Còn bên trong đó là khu vực thờ cúng thì vẫn được khóa cửa. Và giải thích cho sự nhếch nhác, xuống cấp của di tích, ông chủ tịch xã nêu rõ: do người được giao nhiệm vụ trông coi di tích đã nghỉ nên hiện tại di tích chưa có người trông coi, quét dọn.

Phản ánh thực trạng di tích đình làng Nga Châu bị xâm hại, xuống cấp nghiêm trọng với lãnh đạo huyện Hà Trung, ông Nguyễn Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung khẳng định: sẽ cho kiểm tra thực tế tại di tích đình Nga Châu và làm việc cụ thể với lãnh đạo xã Hà Châu để có phương án chấn chỉnh, xử lý, kịp thời có hướng bảo vệ và giữ gìn di tích lịch sử văn hóa đình làng Nga Châu.

Từng được xem là “linh hồn” của làng xã xưa kia, đình làng không chỉ là nơi thờ Thành hoàng làng mà còn là nơi họp bàn các vấn đề quan trọng của làng. Đó được xem là truyền thống văn hóa hàng trăm năm qua. Vậy mà giờ đây, vì những lý do khác nhau, vì sự thờ ơ của những người có trách nhiệm thì không ít di tích giá trị đang từng bước có nguy cơ trở thành phế tích. Một trong số đó có đình làng Nga Châu.

Thu Trang - Nguyễn Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]