(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Với vị thế hiểm yếu, cùng với chiến khu Ngọc Trạo (Thạch Thành), chiến khu Bái Sậy, xã Hà Tiến (Hà Trung) từng được xem là căn cứ cách mạng quan trọng trước và trong cách mạng tháng Tám. Nhưng giờ đây, giữa thời bình, địa chỉ cách mạng một thời này dường như đang bị lãng quên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một địa chỉ cách mạng đang bị lãng quên

(VH&ĐS) Với vị thế hiểm yếu, cùng với chiến khu Ngọc Trạo (Thạch Thành), chiến khu Bái Sậy, xã Hà Tiến (Hà Trung) từng được xem là căn cứ cách mạng quan trọng trước và trong cách mạng tháng Tám. Nhưng giờ đây, giữa thời bình, địa chỉ cách mạng một thời này dường như đang bị lãng quên.

Từng là căn cứ cách mạng quan trọng tiền khởi nghĩa

Cách chiến khu Ngọc Trạo không xa, chiến khu cách mạng Bái Sậy được biết đến là địa chỉ cách mạng đỏ tiền khởi nghĩa. Nơi này, sau khi chiến khu Ngọc Trạo bị địch phát hiện và tan rã, Tỉnh ủy Thanh Hóa lúc bấy giờ đã quyết định thành lập chiến khu Bái Sậy. Với vị thế đắc địa, cùng nhiều đường tắt thuận lợi cho việc trung chuyển chỉ thị của TƯ từ các tỉnh khu 3 vào khu 4 và ngược lại.

Ngay sau khi trở thành căn cứ cách mạng, đội quân tự vệ đã nhanh chóng ra đời tại đây, sẵn sàng tập luyện, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8. Theo đó, để che mắt kẻ thù, tổ chức phụ nữ cứu quốc do các bà, các mẹ, chị ở địa phương trong vai những người đi rừng đốn củi đã tiếp tế lương thực, nuôi dưỡng đội quân tự vệ, để các đồng chí chuyên tâm luyện tập.

Và cũng tại chiến khu Bái Sậy, đã nhiều lần diễn ra những cuộc họp bàn việc lớn của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, trong đó có những cuộc họp do chính đồng chí Tố Hữu chủ trì.

Ngày 18/8/1945, khi thời cơ chín muồi, đội quân tự vệ được nuôi giấu tại chiến khu Bái Sậy đã cùng với người dân đứng lên chiếm phủ Hà Trung, giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân.

Nhưng xa lạ giữa thời bình

Sự tình cờ đã đưa bước chúng tôi về với chiến khu một thời này. Dù chỉ cách chiến khu Ngọc Trạo khoảng 5 km nhưng để đến được địa chỉ đỏ này, chúng tôi mất không ít thời gian. Đường vào chiến khu nhỏ hẹp, xung quanh nhiều ao hồ, đầm lầy lại bao quanh là núi non trùng điệp, đó có lẽ là lí do vì sao nơi này lại được lựa chọn là chiến khu cách mạng ngay khi chiến khu Ngọc Trạo không còn an toàn.

Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được căn cứ cách mạng thuở nào. Có chút gì đó bất ngờ, hụt hẫng. Khu nhà bia di tích nằm khuất lấp phía sau rừng cây um tùm, cỏ mọc cao ngang thân người. Lạ hơn khi ngay cả một con đường nhỏ đi vào khu nhà bia cũng chẳng có.

Nhà bia di tích cách mạng chiến khu Bái Sậy.

Nhà bia chiến khu Bái Sậy nằm khiêm tốn trong khoảng mênh mông cây cối và cỏ dại. Hàng chữ “Chiến khu Bái Sậy” nằm trên cao đã bị đổ gãy, nghiêng ngả và mất nét. Phía trên là dòng chữ: “Nơi đây năm 1944 - 1945 là căn cứ của chiến khu Hòa - Ninh - Thanh. Địa điểm huấn luyện của nhiều lớp quân sự, chính trị. Cho lực lượng tự vệ huyện Hà Trung chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945. Được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng tại Quyết định số 41 ngày 16-1-2003 của Giám đốc Sở VHTT Thanh Hóa”.

Giải thích về sự xuống cấp có phần nhếch nhác của di tích, ông Mai Văn Quy - Bí thư Chi bộ thôn Bái Sậy cho biết: chiến khu Bái Sậy được xã Hà Tiến giao cho thôn quản lý, thôn lại giao cho Chi hội cựu chiến binh trông coi. Hàng năm, vào mỗi dịp 27/7 chi hội tổ chức dọn vệ sinh, thi thoảng có quét vôi cho sạch sẽ. Nhưng kinh phí cho mỗi lần “sửa sang” di tích không quá 300 nghìn. Di tích xuống cấp, đã nhiều lần cử tri thôn đề nghị với cơ quan cấp trên trong các lần tiếp xúc cử tri, hội họp nhưng chưa được phản hồi.

Trên đường trở ra, tôi lại nhìn thấy cánh cổng sắt bảo vệ nhà bia di tích nằm chỏng chơ, hoen rỉ. Phải chăng, vì nơi này hoang vắng nên việc có sửa chữa cánh cổng sắt kia để bảo vệ di tích khỏi bị xâm hại cũng chẳng còn quan trọng nữa?

Trao đổi với lãnh đạo xã về công tác trùng tu, bảo vệ di tích cách mạng chiến khu Bái Sậy, ông Vũ Văn Được - Chủ tịch xã Hà Tiến cho biết: xã có tất cả 7 di tích đã được xếp hạng. Đối với di tích cách mạng chiến khu Bái Sậy, xã cũng đã nhiều lần đề nghị với cơ quan cấp trên để được hỗ trợ kinh phí, song chưa có kết quả.

Cũng theo ông Được, bây giờ nếu có nguồn kinh phí, điều đầu tiên là di tích cần được xây bao toàn bộ xung quanh (trên 1 ha) để tránh trường hợp đất bị người dân sống xung quanh lấn chiếm. Cùng với đó trên đất di tích cần có một nhà truyền thống để làm nơi sinh hoạt, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để có thể xây dựng được những hạng mục đó nếu phó mặc cho địa phương thì không biết khi nào mới có thể thực hiện.

Thu Trang - Nguyễn Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]