(vhds.baothanhhoa.vn) - Giải Sách quốc gia 2022 khép lại với nhiều ý kiến trái chiều, trong đó phản ứng lớn nhất là thể lệ xét giải, do không hạn chế sách tái bản mà có nhiều tác phẩm được giải đã có tuổi đời cả chục năm thậm chí vài trăm năm.

Mùa sách 2022: Chút tiếc nuối và những kỳ vọng

Giải Sách quốc gia 2022 khép lại với nhiều ý kiến trái chiều, trong đó phản ứng lớn nhất là thể lệ xét giải, do không hạn chế sách tái bản mà có nhiều tác phẩm được giải đã có tuổi đời cả chục năm thậm chí vài trăm năm.

Mùa sách 2022: Chút tiếc nuối và những kỳ vọng

Vinh danh một cuốn sách có tuổi đời hơn 200 năm

“Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” (tác giả: Lê Quang Định; dịch giả: Phan Đăng, NXB Thế giới, đơn vị liên kết: Công ty CP Sách Thái Hà) ra đời lần đầu tiên năm 1806, được xem là bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn. Bộ sách được viết từ khi Hoàng đế Gia Long vừa đăng quang, đang trong thời gian tổ chức và ổn định triều chính sau vài thế kỷ Nhân dân trải qua nạn binh đao, cát cứ. Bộ sách được thực hiện trong vòng 3 năm và là cơ sở ban đầu cho nhiều bộ địa chí sau này.

Ở ấn bản lần này, dịch giả Phan Đăng đã có công tu chỉnh, khơi gợi, khẳng định mạch nguồn lịch sử - văn hóa trong khát vọng thống nhất đất nước trên nhiều phương diện: giao thông, pháp luật, thủy trình, tiền tệ, phong tục tập quán lễ nghi, ăn mặc… vốn gắn chặt xuyên suốt chiều dài đất nước. Tác phẩm có nhiều từ địa danh, nhân danh, tên gọi các thổ sản vừa bằng chữ Hán vừa bằng chữ Nôm nên việc dịch thuật khá khó khăn. Tuy vậy, “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” được vinh danh đã khẳng định sách văn hóa, đặc biệt sách văn hóa lịch sử đang là mảnh đất tiềm năng được các đơn vị xuất bản khai thác.

Ngoài ra, một số cuốn sách có tuổi đời khá lớn cũng giành giải thưởng. “Cô bé nhìn mưa” của tác giả Đặng Thị Hạnh ra mắt độc giả lần đầu vào năm 2008 và “Văn minh vật chất của người Việt” của tác giả Phan Cẩm Thượng được xuất bản lần đầu năm 2011. Dù tái bản nhưng hai cuốn sách vẫn nhận được sự đón đợi của độc giả. “Văn minh vật chất của người Việt” không chỉ là công trình sưu tầm, khảo cứu công phu về văn minh vật chất của người Việt với một bộ tư liệu khá đồ sộ, cùng 960 bức ảnh và 505 hình minh họa mà còn thể hiện sức nghiên cứu đáng nể của họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng. Trong khi đó, hồi ức “Cô bé nhìn mưa” của PGS Đặng Thị Hạnh dù được viết cách đây 15 năm nhưng đến nay đọc lại vẫn mới mẻ và đầy chất thơ của một nữ trí thức đã vượt qua tuổi xưa nay hiếm, vừa giỏi quan sát đời sống người Việt, vừa thấm đượm cách nhìn của một người hiểu biết văn hóa, phong cách phương Tây, đặc biệt là văn học Pháp.

Việc vinh danh những cuốn sách có tuổi đời khá lớn một mặt thể hiện sức sống của những tác phẩm do các nhà văn có tên tuổi, có vị thế trên văn đàn, mặt khác lại cho thấy vẫn rất thiếu những cây viết trẻ với những cuốn sách được đầu tư công phu và nghiêm túc.

Những tín hiệu mới

Vắng mặt ở cả hạng mục giải A và giải B chính là sự phản ánh khá thực tế về văn học thiếu nhi. Có thể nhiều người cho rằng đây là thiệt thòi của các tác phẩm thiếu nhi. Tuy vậy với giải C được trao cho “Cà Nóng chu du Trường Sa” (tác giả: Bùi Tiểu Quyên, NXB Kim Đồng) và bộ sách Người sao chổi (tác giả Cao Việt Quỳnh, NXB Lao động và Công ty CP Văn hóa Chi phát hành), đây là tín hiệu sáng để thay đổi quan điểm và quan niệm về sáng tác cho thiếu nhi.

Điểm nhận thấy, tác phẩm thiếu nhi không phải chỉ là chuyện loài vật, chuyện hoa, chuyện lá, các tác giả đã dám đi vào những đề tài nhạy cảm của đời sống hiện nay, vào những thể loại mới.

Trong những năm gần đây, Bùi Tiểu Quyên là cái tên khá quen thuộc với thế hệ 8X với nhiều tập truyện, tản văn: “Đi ngược chiều thương”, “Cỏ đồi phương Đông”, “Những cánh cửa đều mở”, “Cỏ dại thênh thang”, “Sông có bao giờ thẳng”… Và chị đã thực sự gây bất ngờ với bạn đọc, bạn văn khi trình làng “Cà Nóng chu du Trường Sa”. Cùng hành trình với nhân vật chính Cà Nóng - chiếc máy ảnh vật bất ly thân của cô chủ - còn có nhiều bạn bè đồng nghiệp, những bác Tê Lê, thằng So, cô Meica, thằng Ni... làm nên một thế giới của những người bạn mới lần đầu đến với quần đảo Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Qua chuyến hải trình của nhóm bạn đó, Bùi Tiểu Quyên khéo léo chuyển vào trong từng tình tiết truyện niềm yêu mến biển đảo và ý thức chủ quyền đối với Tổ quốc. Mục tiêu có vẻ “người lớn” được chuyển tải trong câu chuyện dành cho thiếu nhi là một thử thách không nhỏ cho tay nghề và bút lực. Đọc cuốn sách người ta thấy được cái háo hức của nhân vật Cà Nóng lần nghe tin mình sẽ được đến một loạt đảo trong quần đảo Trường Sa, sau đó là làm quen với các nền nếp sinh hoạt trên tàu, làm quen với gió to sóng dữ, đặc biệt là làm quen với không khí sinh hoạt trên tàu, chẳng hạn như cách chia nhóm và đặt tên theo tên đảo để gọi nhau Sinh Tồn ơi, Đá Lát ơi, Sơn Ca ơi, Tiên Nữ ơi... nghe đầy cảm xúc. Bằng giọng văn thủ thỉ tâm tình, thông qua nhân vật Cà Nóng, tác giả giúp bạn đọc biết về sự kiện Gạc Ma và sự hy sinh của 64 chiến sĩ qua buổi lễ thả hoa từ boong tàu tưởng niệm, những ngôi chùa được xây từ loại gạch mà mỗi viên đều đóng quốc huy Việt Nam, thậm chí ngược về quá khứ với Hải đội Trường Sa thời nhà Nguyễn. Hơn 200 trang sách là chuyến hải trình đặc biệt mà nhân vật Cà Nóng được sống cuộc đời mà con người và máy ảnh đều mơ ước. Và cả những ai, chưa một lần được đến với Trường Sa, khi đọc cuốn sách đều chỉ mong nhìn thấy đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn để thấu hiểu sự khó khăn và dũng cảm của các chiến sĩ Trường Sa.

“Cà Nóng chu du Trường Sa” khiến những câu chuyện về Trường Sa mới lạ và lôi cuốn hơn so với hàng trăm, hàng nghìn bài báo mà mọi người đã đọc. Ôm chứa những kiến thức về biển đảo, thiên văn, về lịch sử… mà đầy tự nhiên, đẹp như… cổ tích và nhiều mê hoặc. Cuốn sách như thêm một cột mốc mà tác giả xác lập trên biển Đông, góp phần bảo vệ biển trời của Tổ quốc.

Nếu như Tiểu Quyên là cây viết quen thuộc thì Cao Việt Quỳnh là nhà văn nhí 14 tuổi. Bộ tiểu thuyết “Người sao chổi” đánh dấu sự dũng cảm của em khi bước vào thể loại truyện giả tưởng.

Đánh giá về bộ tiểu thuyết này, nhiều người ví như gặp một cơn gió lạ. Đang chuẩn bị “lạc” trong “ma trận” dày đặc nút thắt, sơ đồ nhân vật phức tạp, những dòng thời gian đan xen chóng mặt…, hay đắm chìm trong không khí kỳ ảo, liêu trai, hoặc u ám thường thấy thì bạn lại bước vào cuộc phiêu lưu kỳ thú cùng Thành, cậu học sinh lớp 6 hoàn toàn bình thường, bỗng một ngày bị nhiễm chất lạ và trở thành Người Sao Chổi...

Giải Sách quốc gia 2022 khép lại với nhiều ý kiến trái chiều, trong đó phản ứng lớn nhất là thể lệ xét giải, do không hạn chế sách tái bản mà có nhiều tác phẩm được giải đã có tuổi đời cả chục năm thậm chí vài trăm năm. Điều này cho thấy cần thay đổi thể lệ của giải thưởng nhằm thúc đẩy việc tôn vinh những tác phẩm mới.

Tuy vậy, như ban tổ chức đánh giá Giải thưởng Sách quốc gia ngày càng quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của văn hóa, lan tỏa tri thức và bày tỏ mong muốn Giải thưởng Sách quốc gia ngày càng có uy tín hơn. Mùa sách khép lại với những hoan ca bên cạnh không ít tiếc nuối. Âu đó cũng là chuyện rất thường tình của bất kể một cuộc thi, một giải thưởng nào.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]