(vhds.baothanhhoa.vn) - Được người dân lập dựng ngay khi nhân vật được thờ tự vẫn còn sống, trải qua thời gian, Khu sinh từ - đền thờ Quận công Lê Đình Châu ở xã Ngọc Lĩnh (thị xã Nghi Sơn) vẫn nổi bật với kiến trúc và hiện vật điêu khắc đá nhiều giá trị. Ở đó, còn là câu chuyện về bậc công thần xứ Thanh.

Nét đẹp di tích sinh từ đền thờ Quận công Lê Đình Châu

Được người dân lập dựng ngay khi nhân vật được thờ tự vẫn còn sống, trải qua thời gian, Khu sinh từ - đền thờ Quận công Lê Đình Châu ở xã Ngọc Lĩnh (thị xã Nghi Sơn) vẫn nổi bật với kiến trúc và hiện vật điêu khắc đá nhiều giá trị. Ở đó, còn là câu chuyện về bậc công thần xứ Thanh.

Nét đẹp di tích sinh từ đền thờ Quận công Lê Đình ChâuSinh từ - đền thờ Quận công Lê Đình Châu được người dân lập dựng khi ông còn sống.

Bậc “Thượng trụ quốc phù” thời Lê - Trịnh

Từ Quốc lộ 1A rẽ vào con đường liên huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) - Nông Cống khoảng 4km sẽ đến địa phận xã Ngọc Lĩnh, nơi có Di tích quốc gia đền thờ Lê Đình Châu tọa lạc.

Là nhân vật lịch sử cuối thời Lê - Trịnh (1717-1789), Quận công Lê Đình Châu được ghi chép trong nhiều tài liệu văn sử như: Lịch triều tạp kỷ (của Ngô Cao Lãng); Hoàng Lê nhất thống chí (của Ngô Gia Văn phái)... Lê Đình Châu lớn lên với tướng mạo phi thường, bản tính ham học hỏi, nên dù sinh ra trong gia đình nhà nông nghèo nhưng ông đã sớm mang trong mình chí lớn.

Ông sống vào giai đoạn nội chiến diễn ra liên miên, tình hình đất nước bất ổn. Theo sử liệu, Lê Đình Châu từng nhiều lần trực tiếp dẫn binh ra trận. Trong đó, cuối năm 1774, đầu năm 1775, chúa Trịnh Sâm dẫn đại binh vượt đèo Hải Vân tiến vào phía Nam, đánh quân Tây Sơn, Lê Đình Châu và Nguyễn Nghiễm (thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du) được phong Hữu tướng quân và Tả tướng quân cùng đi đánh trận.

Theo văn bia Phúc thần đặt tại di tích, có tài thao lược, lại cẩn trọng nên trong cuộc đời làm quan của mình, Lê Đình Châu được vua Lê - chúa Trịnh tin tưởng giao phó nhiều trọng trách, kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình lúc bấy giờ, như: Thị Nam Cung phụng sai; Chánh Đề lĩnh việc quân vụ của bốn thành; Trị Thị Nội Thư Tả Binh Phiên kiêm Tri Lệnh Sử nhất nhị đẳng phiên... đến Tả Đô đốc Thái Tể. Với những đóng góp quan trọng, năm 1779, Lê Đình Châu được phong chức Đại tư đồ, Thượng trụ quốc phù, đại thần bậc nhất của triều đình, bậc trụ cột cao nhất của đất nước. Sau đó, năm 1782, vua lại sắc phong cho ông chức Đại Tư mã, đặc biệt tiến phong chức Thượng tướng quân, nhất phẩm triều đình.

Nhắc đến Quận công Lê Đình Châu, nhà bác học Lê Quý Đôn khi xưa từng nhận xét: “Đã là bậc danh thần thì tài đủ đảm đương mọi công việc, đức cũng đủ khiến cho mọi người phải khâm phục. Phải có đầy đủ phẩm hạnh thanh tao, điềm đạm, đoan chính, thuần hậu... hơn người. Phải như một thầy thuốc giỏi biết rõ về bệnh... để điều chỉnh phương thuốc một cách thích hợp, biết phân biệt rõ ràng. Không nhầm lẫn rạch ròi! Huân nghiệp phải được thể hiện rõ ràng ở đương thế (hiện tại), tiếng tăm phải để lại cho tương lai... Châu Quận công là nhân vật như thế đó (theo văn bia Phúc thần đặt tại di tích).

Tuy quyền cao chức trọng, song cuộc sống đời thường của ông lại hết sức giản đơn. Một lần về qua quê hương ông (xa giá nhà vua), tức làng Sen Hồ, thấy nhà cửa của gia đình ông quá “kiệm lậu” (sinh hoạt cần kiệm, nhà cửa dột nát), tường vách chung quanh tiêu điều... nhà vua khen ông là người liêm khiết. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, cảm phục trước công đức và tấm lòng của Quận công Lê Đình Châu, nên ngay khi ông còn sống, làng xã muốn được lập sinh từ (đền thờ khi còn sống) nhằm tỏ lòng thành kính. Đó là vào năm 1779, tức là trước khi ông mất 10 năm.

Và khu sinh từ

Việc lập sinh từ khi Quận công Lê Đình Châu còn sống, nhà bác học Lê Quý Đôn trong văn bia Phúc thần cũng ghi chép khá rõ ràng: “Việc làng xã muốn lập sinh từ thì có chi là không đáng chăng? Riêng về tình sâu nghĩa nặng đối với quê hương, nơi chôn rau cắt rốn, ông thường chu cấp cho những người khốn cùng thiếu thốn, không tiếc gia tư của cải, kính già, thương xót những người cùng khốn góa bụa... ông luôn tâm niệm làm việc tốt lành! Đối với việc ân đức của ông, người ta muốn hậu báo cũng là việc nên làm hợp lẽ. Các viên chức, hương mục, binh dân trong ba xã mọi người đều đồng thành muốn được sau này ngàn thu thờ phụng ông bên cạnh vị Thành hoàng để tỏ lòng sùng kính, vĩnh thế vô cùng...”.

Và để khẳng định cho tấm lòng của mình với Quận công Lê Đình Châu, nhà bác học Lê Quý Đôn bày tỏ: “Tôi và ông là đồng sự, lại quen biết nhau rất thân thiết, xin ghi lại lý lịch của ông đại khái như thế. Còn về sau này huân nghiệp phúc lộc của ông ngày càng phồn thịnh, bước đường thăng quan tiến chức của ông ngày càng rực rỡ, ngày vinh hoa áo gấm về làng... những cái đó đã có Sử quan ghi chép”.

Bậc danh thần thời xưa, khi mất được triều đình sắc phong, dân làng lập đền thờ phụng vốn là lẽ thường. Nhưng, việc lập sinh từ ngay khi còn sống để bày tỏ sự kính ngưỡng như đối với Quận công Lê Đình Châu, có lẽ cũng không nhiều. Trải qua gần 250 năm, Khu sinh từ - đền thờ Quận công Lê Đình Châu đến hôm nay vẫn giữ được nét cổ kính với diện mạo kiến trúc vốn có. Trong đó, phải kể đến hệ thống hiện vật đá điêu khắc tinh xảo, còn lưu giữ: 2 ngựa, voi; 4 tượng vũ sĩ; hương án; sập thờ; ngai thờ; hơn 10 đạo sắc phong.

Các pho tượng vũ sĩ đặt ở hai bên trong tư thế tay cầm chùy, cầm kiếm, mặc áo khoác... được chạm khắc tinh tế, sắc nét, tạo sự sống động. Bên cạnh, còn có voi, ngựa đứng chầu. Mỗi một hiện vật, linh vật bên trong khu di tích đều được người nghệ nhân xưa tâm huyết khéo léo “thổi hồn” vào mỗi nét đục, chạm. Để thông qua đó, hậu thế hiểu hơn về cuộc đời binh nghiệp của bậc quan đại thần xưa. Bên trong cùng là hương án (hương án lớn ở giữa, hai bên là hương án nhỏ) cũng được tạo tác từ đá liền khối. Đây là nơi để người dân đến hành lễ với bậc quan đại thần.

Tọa lạc trên khu đất “vượng khí ” theo cách nhìn của người xưa, việc bài trí các hiện vật, tượng vũ sĩ, linh thú thờ tự... hài hòa, cân đối song vẫn tạo được sự uy nghiêm. Đặc biệt, tại di tích còn lưu giữ văn bia Phúc thần (Phúc thần bi ký) bốn mặt khắc chữ do nhà bác học Lê Quý Đôn soạn năm 1779 (Hoàng triều Cảnh Hưng).

Đi qua thời gian với những biến động, thăng trầm và tranh đấu vương triều... tất cả đã khép lại, trở thành một phần của lịch sử. Với những giá trị hiện hữu, Khu sinh từ - đền thờ Quận công Lê Đình Châu năm 2013 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Hàng năm, vào ngày mất của ông (16 tháng 4 âm lịch) người dân trong làng lại cùng nhau trở về di tích dâng lễ tưởng nhớ. Ông Nguyễn Đình Đạo, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lĩnh, cho biết: Năm 2018, chính quyền địa phương đã thực hiện việc tôn tạo sân đền thờ. Hiện nay, do một số hạng mục của di tích xuống cấp, xã đã làm tờ trình gửi UBND thị xã Nghi Sơn để có biện pháp trùng tu, tôn tạo và bảo vệ phù hợp.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]