(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Hàng chục lễ hội kỳ phúc diễn ra trên địa bàn tỉnh trong dịp đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống, thấm đẫm trong đời sống tinh thần của người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nét đẹp lễ hội kỳ phúc

(VH&ĐS) Hàng chục lễ hội kỳ phúc diễn ra trên địa bàn tỉnh trong dịp đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống, thấm đẫm trong đời sống tinh thần của người dân.

Đến hẹn lại về, hàng năm cứ đến ngày 9/2 (âm lịch), người dân xã biển Quảng Cư (Sầm Sơn) lại náo nức theo chân nhau về đền Bà Triều tổ chức lễ hội kỳ phúc đầu xuân. Lễ hội đền Bà Triều có lịch sử hàng trăm năm qua, ăn sâu vào tiềm thức người dân vùng biển này.

Khi nói về đền Bà Triều, nơi thờ đức thánh tổ Bà Triều, người dân địa phương lại nhắc về vị thánh bà có công giúp dân vùng biển cơm ăn, áo mặc, thạo nghề canh cửi, dệt súc, đánh cá. Tương truyền rằng Bà Triều là con gái Ngọc Hoàng, đã xuống dạy dân nơi đây nghề kéo sợi, dệt nhiễu, dệt súc (lưới). Sản phẩm làm ra không chỉ đáp ứng việc kéo lưới, đánh cá trong làng mà còn được các vùng duyên hải xa xôi ưa thích tìm đến. Nghề dệt súc lâu dần trở thành nghề truyền thống của người dân trong vùng. Cũng nhờ đó mà đời sống làng chài vốn nghèo đói dần no đủ, hạnh phúc. Đến hẹn Bà Triều phải về trời. Nhưng từ lúc bà đến rồi đi, người dân không ai biết đến tên bà. Chỉ biết rằng, bà ra đi vào một buổi triều dâng cuộn sóng, vì lẽ đó mà đặt tên Bà Triều.

Nghề đánh bắt cá, dệt súc đem lại cho người dân biển Sầm Sơn cuộc sống no đủ, sung túc. Hàng năm vào dịp đầu xuân, người dân lại tổ chức lễ hội tại đền Bà Triều để tri ân công lao của thánh bà đã giúp dân vùng biển. Họ tin rằng, Bà Triều vẫn luôn phù trợ, giúp đỡ dân biển.

Nghi lễ rước kiệu tại lễ hội kỳ phúc xã Hoằng Trung, Hoằng Hóa. (Ảnh: Bá Dũng)

Còn đối với người dân xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa), ngày 6/2 (âm lịch) hàng năm là ngày hội để người dân cùng hướng về bậc tiền nhân, thành hoàng có công với làng, phù trợ cho người dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc, yên bình với tấm lòng biết ơn, ngưỡng vọng. Đây là thời điểm diễn ra lễ hội kỳ phúc (cầu may) đầu năm. Lễ hội diễn ra tại đền thờ Tô Hiến Thành, vị quan có công lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước dưới thời Lý.

Lễ hội diễn ra với nghi thức dâng cỗ, tế lễ, rước kiệu truyền thống, tôn nghiêm. Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian: Cờ người; đánh đu; gói bánh chưng...những trò chơi thể hiện trí tuệ, sự khôn khéo và nét văn hóa lúa nước lâu đời của người Việt.

Lễ hội kỳ phúc xã Hoằng Tiến tổ chức đầu năm trong tiết xuân ấm áp để người dân cầu mong thần linh, thành hoàng làng phù trợ một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi điều may mắn, bình an sẽ đến với người dân trong làng.

Về làng Phú Khê xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa) vào dịp 16/2 (âm lịch) hàng năm, lại được hòa mình trong không gian lễ hội kỳ phúc đặc sắc. Đây là dịp để người dân trong làng tưởng nhớ công lao của nhị vị thành hoàng làng hiện đang được thờ phụng tại đình Thượng (đình Phú Khê). Tương truyền rằng, chính hai vị thành hoàng làng Phú Khê đã hiển linh phù trợ giúp vua Lý đánh thắng giặc Ai Lao, được nhà vua phong thần và ban thưởng sau khi thắng trận trở về.

Với người dân Phú Khê thì nghi thức tổ chức lễ hội kỳ phúc phải hết sức cẩn trọng, bắt đầu từ việc lựa chọn vị chủ tế. Theo đó, mỗi năm, làng sẽ chọn ra một vị chủ tế thực hiện nghi lễ tế thần. Xưa kia, vị chủ tế phải là người đỗ đạt, có chức tước, được nể trọng. Giờ đây, vị chủ tế là người trong làng, gia đình có trai gái đầy đủ, hạnh phúc... Sở dĩ có yêu cầu khắt khe đó bởi vị chủ tế là người đại diện cho nhân dân giao cáo với thành hoàng làng. Và với người dân Phú Khê thì 5 ngày diễn ra lễ hội kỳ phúc chính là khoảng thời gian còn vui hơn tết. Đó là lúc những nghi lễ thiêng được tái hiện, những trò chơi dân gian được tổ chức, để mọi người dân đều được hòa mình trong đó.

Trò nấu cơm thi tại lễ hội kỳ phúc xã Hoằng Trung, Hoằng Hóa. (Ảnh: Bá Dũng)

Dân gian tin rằng, mỗi làng được thành lập, phát triển đều có công sức, giúp đỡ của vị thần linh, thành hoàng làng. Đó có thể là nhân thần hay thiên thần bảo trợ cho làng. Niềm tin đó ăn sâu vào tâm thức và cứ đúng dịp lễ tôn vinh đã trở thành nét văn hóa lâu đời của người Việt từ bao đời. Hiểu một cách đơn giản thì đó chính là nét đẹp truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta. Thế hệ sau luôn tưởng nhớ công lao của thế hệ tiền nhân, để ngưỡng vọng, noi theo.

Lễ hội kỳ phúc được tổ chức ở nhiều địa phương cũng là dịp để gắn kết văn hóa làng xã bền chặt hơn. Bởi lẽ, lễ hội là dịp để nhân dân tụ họp, gặp gỡ, trao đổi, để người xa quê trở về nơi chôn nhau cắt rốn, để người ở gần xích lại gần nhau thêm nữa. Đó là sức mạnh của văn hóa làng xã đã chống lại mọi cuộc xâm lược trong lịch sử.

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]