(vhds.baothanhhoa.vn) - Giữa cuộc sống hối hả với sức hút của nhiều luồng văn hóa mới, nhưng Nghệ nhân Ưu tú Hà Công Mậu (dân tộc Thái), ở khu phố Cành Nàng, thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) vẫn ngày đêm say sưa với chữ Thái của ông cha. Ông quan niệm, mất đi tiếng nói và chữ viết, chẳng khác nào đánh mất chính sự tồn tại của dân tộc mình.

Nghệ nhân nặng lòng với chữ Thái

Giữa cuộc sống hối hả với sức hút của nhiều luồng văn hóa mới, nhưng Nghệ nhân Ưu tú Hà Công Mậu (dân tộc Thái), ở khu phố Cành Nàng, thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) vẫn ngày đêm say sưa với chữ Thái của ông cha. Ông quan niệm, mất đi tiếng nói và chữ viết, chẳng khác nào đánh mất chính sự tồn tại của dân tộc mình.

Nghệ nhân nặng lòng với chữ TháiNNƯT Hà Công Mậu tâm huyết truyền dạy tiếng Thái cho thế hệ trẻ.

Năm nay ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng nghệ nhân Hà Công Mậu vẫn nặng lòng với giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Hơn 50 năm theo đuổi “con chữ” Thái là từng ấy năm ông tranh thủ thời gian học, đọc, viết, dịch chữ Thái cổ với mong muốn giữ lại “hồn cốt” của dân tộc. Ông kể: “Tôi sinh ra, lớn lên ở bản Đôn, xã Thành Lâm, cha là người am hiểu văn hóa Thái. Khi tôi 10 tuổi đã bắt đầu được học chữ Thái từ cha. Vừa học chữ, vừa được nghe cha kể chuyện sinh đất, lập mường, đọc những câu ca dao, thành ngữ của người Thái mang đậm tính răn đe, giáo dục đạo lý làm người, khiến tôi ngày càng say mê học tập. Và năm 14 tuổi tôi đã đọc thông, viết thạo chữ Thái. Năm 1965, tôi đã trúng tuyển vào Trường Trung cấp Nông nghiệp miền núi. Tốt nghiệp, tôi được phân công công tác tại Ban Dân tộc và Định canh, định cư tỉnh Thanh Hóa - nay là Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa”.

Trải qua nhiều vị trí công tác, đến năm 2005, ông Hà Công Mậu về nghỉ hưu. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Bá Thước. Dù ở vị trí công tác nào, hay cả khi về hưu thì niềm đam mê văn hóa truyền thống của dân tộc Thái nói chung và chữ viết Thái nói riêng luôn cháy bỏng trong ông. Bởi vậy, sau hơn 50 năm dày công nghiên cứu, sưu tầm, ông đã sở hữu nhiều tư liệu văn hóa truyền thống người Thái có giá trị. Đặc biệt, thời gian công tác tại Huyện ủy Bá Thước, ông có điều kiện tham gia cùng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bá Thước đến các xã tuyên truyền, vận động bà con bài trừ mê tín dị đoan, học chữ Thái. Đó là thời điểm ông như “cá gặp nước” để thỏa ước mơ “gieo" chữ, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái.

Vì tâm huyết mà ông Hà Công Mậu đã tham gia giảng dạy nhiều lớp chữ Thái. Năm 1994, ông mở lớp học chữ Thái đầu tiên tại thị trấn Cành Nàng, học viên là các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy và cán bộ, công chức Huyện ủy, UBND huyện Bá Thước, các cơ quan ban ngành đóng trên địa bàn huyện. Sau đó là các lớp học ở xã Lũng Niêm và một số xã trên địa bàn huyện. Để dạy cho mọi người biết đọc, biết viết và hiểu ý nghĩa của từng từ, từng câu, ông đã phải giành nhiều thời gian nghiên cứu, soạn ra giáo án với những bài giảng mang nội dung gần gũi, thiết thực, gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày, giúp học viên dễ dàng tiếp nhận. Những lớp học này đã đặt “nền móng” thúc đẩy phong trào học chữ Thái ở huyện Bá Thước phát triển mạnh mẽ, ngày càng nhiều người tìm đến nhờ ông dạy chữ. Khi phong trào học chữ Thái ở huyện Bá Thước phát triển, huyện đã phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức mở lớp học chữ Thái và ông Mậu đã nhiệt tình tham gia giảng dạy.

Cùng với việc dạy chữ Thái, Nghệ nhân Hà Công Mậu còn phối hợp với Nghệ nhân Ưu tú Hà Nam Ninh, nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước nghiên cứu, sưu tầm, dịch ra tiếng phổ thông những cuốn sách cổ của người Thái, đồng thời bổ sung một số tài liệu như: Lịch sử của Nhà phủ Mường Khoòng, Truyện thơ Khăm Panh, Khun Lú - Nàng Ủa, Xống Chụ xon xao... Ngoài ra, ông còn tích cực sưu tầm những tư liệu về các lễ hội cổ truyền, tác phẩm văn học cổ, bản chữ cổ, phong tục, tập quán của người Thái. Hiện ông lưu giữ nhiều loại sách, tư liệu quý bằng chữ Thái có tuổi đời hàng chục, hàng trăm năm.

Khi được hỏi: Nhiều người về hưu, họ chỉ thích vui thú tuổi già, nghỉ ngơi bên con cháu, động lực nào khiến ông phải từng ngày nghiên cứu, bảo tồn, truyền dạy chữ Thái? Ông Hà Công Mậu cười hồn hậu và nói: “Niềm vui lớn nhất của tôi chính là chữ Thái đã có vị trí ngày càng quan trọng trong đời sống người dân; cấp ủy, chính quyền và bà con đã thực sự chung sức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của người Thái. Còn sức khỏe, tôi còn tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và truyền dạy văn hóa Thái, góp sức nhỏ bé của mình vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết: Ông Hà Công Mậu đã có những việc làm thiết thực, góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển chữ Thái nói riêng, giá trị văn hóa dân tộc Thái nói chung. Hiện nay, tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Bá Thước, ông đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ người khuyết tật và trẻ mồ côi. Nhờ đó, nhiều người có thêm cơ hội vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh đó, ông còn tích cực sưu tầm những tư liệu văn hóa dân tộc, luôn nhiệt huyết với việc trao truyền chữ Thái cho thế hệ con cháu.

Với những thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, năm 2015, ông Hà Công Mậu vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú - loại hình tiếng nói, chữ viết tỉnh Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]