Dư luận đang rất bức xúc trước việc ngôi đình cổ Lương Xá (thôn Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có tuổi đời 300 năm bỗng chốc bị thành… một ngày tuổi. Các cấu kiện gỗ vốn là hồn cốt của ngôi đình bị phế bỏ, thay vào đó, người ta đổ bê tông để dựng mới di tích.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngôi đình cổ 300 năm bị "biến" thành... một ngày tuổi: Không còn gì để nói!

Dư luận đang rất bức xúc trước việc ngôi đình cổ Lương Xá (thôn Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có tuổi đời 300 năm bỗng chốc bị thành… một ngày tuổi. Các cấu kiện gỗ vốn là hồn cốt của ngôi đình bị phế bỏ, thay vào đó, người ta đổ bê tông để dựng mới di tích.

Ngôi đình cổ đã bị dỡ bỏ, nay chỉ là "rừng" bê tông.

Trước thực trạng này, đại diện BQL di tích danh thắng Hà Nội phối hợp với Phòng VHTT huyện Ứng Hòa, UBND xã Liên Bạt và BQL di tích cơ sở đã tiến hành kiểm tra hiện trạng di tích. Chiều ngày 30/7, Sở VHTT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Ứng Hoà kiểm tra, xử lý sai phạm tại di tích.

Đình cổ biến đi đâu?

Cho đến sáng 30/7, việc đổ bê tông, gạch vữa, xi măng khói bụi mù mịt vẫn diễn ra ồn ã tại đình Lương Xá. Theo phản ánh, tình trạng này đã diễn ra từ trước đó không lâu.

Đình Lương Xá nằm ven đường quốc lộ 21B, phía Nam giáp với thị trấn Vân Đình. Điều xót xa khi bức tranh vốn yên bình của một ngôi đình cổ giờ lại được thay thế bằng một công trường với toàn bê tông, sắt đá. Theo người dân trong làng, trước đây mỗi khi đi qua cổng đình đều có cảm giác thanh thản, nhưng giờ đây ai ai cũng phải đeo khẩu trang, bịt mặt vì khói bụi từ bụi bê tông, sỏi đá và xe công nông chạy nườm nượp.

Khuôn viên sân đình thay vì sự uy nghiêm cổ kính lại trở thành bãi tập kết nguyên vật liệu xây dựng. Xót xa hơn phải kể đến phía trong ngôi đình, một quang cảnh trống rỗng và bề bộn, xếp đầy giàn giáo xây dựng. Ngay kế bên đình là nhà văn hóa, hàng chục chiếc cột gỗ bị tháo dỡ, chỏng chơ phơi nắng dầm mưa.

Dân làng thuật lại, thình lình một ngày đẹp trời, ngôi đình tuổi đời hơn 300 năm này bỗng nhiên được... làm mới. Trớ trêu hơn, mỗi khẩu trong làng phải đóng góp tới 800 ngàn đồng cho công tác tu bổ đình. Ngoài ra, còn có “Mạnh Thường Quân’’ ủng hộ 5 tỉ đồng để xây dựng lại đình. “Với số tiền phải đóng góp, nhà nào đông con cháu thì lên đến vài triệu, thậm chí cả chục triệu đồng. Nhưng phép vua thua lệ làng, nhiều gia đình không có tiền vẫn phải cố gắng xoay xở...”, một bậc cao niên ở Lương Xá cho hay.

Và ngôi đình cổ đã bị “san phẳng” bởi rất nhiều thiết bị máy móc. Các cấu kiện gỗ của di tích được thay bằng hệ thống bê tông cốt thép. Trong đó, hàng loạt cấu kiện gỗ của nhà tiền tế có giá trị kiến trúc nghệ thuật cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII đã bị phá dỡ, tập kết chỏng chơ tại nhà văn hóa thôn Lương Xá.

“Đình Lương Xá trước đây có nghi môn gồm 4 trụ biểu, trên bức tường hai bên cửa phụ có đắp nổi đôi voi đứng. Tòa tiền tế gồm 5 gian 2 chái và kết cấu với thiêu hương và hậu cung thành hình ‘’chữ Công’’, nay tất cả đều đã hỏng hết cả...”, bậc cao niên than thở.

Cấu kiện, cột gỗ của di tích bị vứt bỏ.

Đình chỉ hoạt động vi phạm tu bổ di tích

Công văn của Sở VHTT Hà Nội cho biết, theo đánh giá của đoàn kiểm tra, về thực trạng hiện tại di tích, đình Lương Xá gồm các hạng mục Nghi môn, Đại bái, Hậu cung, sân và tường bao. “Hiện nay, đã hạ giải hạng mục Đại bái, Hậu cung. Tại vị trí đình (cũ) đang xây dựng công trình kết cấu bê tông; đã dựng hệ cột, bộ vì và đang hoàn thiện phần mái. Các cấu kiện gỗ, chi tiết mảng chạm, hiện vật chất liệu gỗ được tập kết, lưu giữ tại sân và kho – nhà văn hóa thôn Lương Xá...”, Sở VHTT Hà Nội cho biết.

Trước thực trạng trên, Sở VHTT Hà Nội đề nghị tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan về việc để xảy ra sai phạm tại di tích. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến đến chính quyền, nhân dân thôn Lương Xá, xã Liên Bạt nói riêng và huyện Ứng Hòa nói chung về nội dung Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Sở cũng yêu cầu UBND huyện Ứng Hoà báo cáo bằng văn bản, trong đó đề xuất phương án khắc phục hậu quả gửi Sở VHTT Hà Nội tổng hợp, báo cáo UBND TP Hà Nội theo quy định trước ngày 15/8/2018.

Văn bản cũng nhấn mạnh, di tích Lương Xá chưa xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn huyện Ứng Hòa ban hành kèm theo Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 14.6.2016 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn TP Hà Nội đến ngày 31/12/2015. Di tích này hiện do UBND huyện Ứng Hòa, UBND xã Liên Bạt quản lý theo phân cấp của thành phố.

Căn cứ quy định tại Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hà Nội và thực trạng tại di tích, Sở VHTT đề nghị UBND huyện Ứng Hòa chỉ đạo các phòng ban chức năng, UBND xã Liên Bạt, BQL di tích cơ sở đình chỉ hoạt động vi phạm tu bổ di tích.

Hiện trạng ngổn ngang ở ngôi đình cổ không chỉ khiến các nhà quản lý, các chuyên gia văn hoá không khỏi xót xa mà với những người dân địa phương, số phận ngôi đình cũng là đề tài nóng hổi gây xôn xao trong những ngày qua. Nhiều bậc cao niên trong làng nhớ lại: “Thời chiến tranh, đình nằm ở gần đường 22, giờ đổi thành 21B. Có thời điểm, đình được tận dụng để đổ cao su, thuốc sâu, làm kho đựng lúa. Trải qua nhiều thăng trầm, có thời điểm tưởng như bị phá bỏ; cũng có lúc tường gạch bị phá hết, đình chỉ còn nóc và cột xung quanh. Hòa bình lập lại, người dân sửa sang lại đình bằng gỗ xoan, bạch đàn, xà cừ. 3 gian chính được làm bằng gỗ lim. Trước khi tu bổ, trong đình ngoài những rui đã mục thì nhiều kiến trúc như cột, đầu nghê vẫn còn nguyên...”.

Đình Lương Xá thế là hỏng hết rồi

Trả lời báo chí, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VHTT Hà Nội khẳng định: “Việc hạ giải, đổ bê tông các hạng mục trong di tích là hoàn toàn sai quy định, chưa được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền. Dù đình Lương Xá chưa được xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê cần được bảo vệ. Chính vì vậy, việc tu bổ vẫn phải xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có Sở VHTT Hà Nội. Tuy nhiên, đến lúc này (ngày 30.7), tôi chưa nhận được văn bản xin ý kiến nào của địa phương...”.

Người dân thôn Lương Xá cũng cho rằng việc tu bổ đình là cần thiết khi di tích đã bị xuống cấp, tuy nhiên phá bỏ hoàn toàn và đổ bê tông xây dựng lại là điều không thể tưởng tượng. Theo lãnh đạo Phòng VHTT huyện Ứng Hòa, trước khi hạ giải đình Lương Xá, ngày 13.12.2017, UBND xã Liên Bạt đã có văn bản gửi UBND huyện Ứng Hòa xin tu bổ, tôn tạo đình Lương Xá do đình xuống cấp. Sau khi có tờ trình, Phòng VHTT huyện Ứng Hòa đã kiểm tra thực tế và có công văn phúc đáp UBND xã Liên Bạt. Trong công văn nêu rõ yêu cầu UBND xã Liên Bạt lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật và hướng dẫn xã xác định rõ nguồn vốn gửi về phòng, ban chuyên môn. Phòng sẽ có trách nhiệm tham mưu UBND huyện Ứng Hòa xin ý kiến Sở VHTT Hà Nội về chủ trương tu bổ đình.

“Thế nhưng sau công văn phúc đáp, UBND xã Liên Mạc không phản hồi, không lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật. Việc tu bổ, tôn tạo đình Lương Xá là do xã Liên Bạt, thôn Lương Xá tự làm, không báo cáo với phòng chuyên môn của huyện. Việc phá bỏ hoàn toàn di tích 300 tuổi thành một ngày tuổi là điều đáng tiếc”, lãnh đạo Phòng VHTT huyện Ứng Hòa trần tình.

Trước sự tắc trách và vô nguyên tắc của chính quyền địa phương, dư luận và nhân dân thôn Lương Xá đang đặt ra những dấu hỏi lớn: Ai sẽ chịu trách nhiệm về sự “biến mất” của ngôi đình cổ? Và rằng khi đã minh bạch trắng - đen thì đình Lương Xá làm thế nào để tìm về nền xưa, dấu cũ?

Theo Báo Văn hóa


Theo Báo Văn hóa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]