(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi của gia đình ông Lương Thế Tập tiếp nối, gìn giữ được xem là dấu tích “sót lại” mang nét đặc trưng, dáng dấp xưa của một làng cổ được nhiều người biết đến, làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hoá).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngôi nhà hơn 200 năm tuổi ở làng cổ Đông Sơn

Ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi của gia đình ông Lương Thế Tập tiếp nối, gìn giữ được xem là dấu tích “sót lại” mang nét đặc trưng, dáng dấp xưa của một làng cổ được nhiều người biết đến, làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hoá).

Men theo ngõ Trí, thuộc làng cổ Đông Sơn, chúng tôi tìm tới ngôi nhà hơn 200 năm tuổi nổi tiếng trên. Sở dĩ chúng tôi gọi là nổi tiếng bởi những dấu tích hiếm hoi còn “sót lại” mang đặc trưng, dáng dấp xưa của làng cổ Đông Sơn. Không gian yên tĩnh, thanh bình của ngày đầu xuân, tại khuôn viên sân vườn rộng rãi, trước mắt chúng tôi là ông Tập với vẻ khoan thai, đủng đỉnh ngồi thưởng trà.

Theo gia chủ cho biết, ngôi nhà vốn được ông cụ tổ họ Lương xây dựng từ thời Nguyễn (cách đây khoảng hơn 200 năm). Đây là ngôi nhà ở truyền thống, có 5 gian (3 gian sinh hoạt chính, 2 gian buồng), gian giữa dành riêng để đặt bàn thờ tổ tiên và kê một bộ bàn ghế để tiếp khách quý, hay để cúng tế, ăn uống trong những ngày khao vọng; 1 gian bên tay trái là thờ bà cô tổ họ Lương, 1 gian bên tay phải là thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn...

Ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi ở làng cổ Đông Sơn.

Thấy chúng tôi chăm chú quan sát, tò mò trước những hoa văn nét cổ, gia chủ tiếp lời phân tích, 2 xối chúng tôi đang quan sát (còn gọi là chòi, nhiều tài liệu có ghi là Đông phòng và Tây phòng, hoặc 2 buồng). Theo lý giải, dù có cách gọi khác nhau nhưng lại cùng chung mục đích là dùng để đựng đồ đạc trong gia đình. Tổng thể căn nhà có chiều dài 13,75m, chiều rộng trong lòng nhà là 4,5m, chiều rộng của gian hè là 2,25m, chiều cao từ nền đỉnh nóc 4,7m...

Điểm nhấn của ngôi nhà nằm ở những họa tiết trang trí vô cùng độc đáo. Các mảng trang trí của ngôi nhà cổ thường nằm ở các khung bao trên ba chuồng cửa ra vào, ở bên chính giữa, hai xà trên đầu cột với hình trúc hóa “long vân” hình “vân mây” cách điệu.

Trong nhà cổ hiện tại có tổng cộng 50 cái rường được mạ các dây và chạm khắc hoa văn lá lật. Trên mỗi ngạch cửa có mắt cửa, mỗi cửa có 2 mắt với quan niệm xưa là nhìn xa, trông rộng, suy xét mọi người ra vào nhà. Mắt cửa cũng được chạm khắc hoa văn lá lật trông rất bắt mắt, điều này thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ và óc sáng tạo của những người thợ mộc xưa... Đây là kiến trúc được xây theo kiểu tứ trụ (mẹ vuông, con vuông, cốt, vách và cả khóa giang, đường hoành, các xà nhà đều được soi vuông vắt chỉ, thượng chồng giường hạ kẻ truyền) phổ biến thời xưa.

Đưa tay gõ nhẹ vào cửa, chúng tôi tò mò về loại gỗ được sử dụng để làm cửa nhà. Gia chủ bảo, đây là gỗ xoan. Hầu như toàn bộ căn nhà được làm từ loại gỗ này. Xưa ông cha ta có câu “Tre 3, luồng 7, gỗ đảy năm”. Đây là gỗ xoan ngâm đầy năm, khi dựng nhà lên sẽ không bị mọt mối. Luồng trên mái nhà cũng được ngâm 7 tháng mới được vớt lên nên mới giữ được đến ngày nay mà vẫn chưa bị mối mọt hỏng hóc.

Riêng phần mái, lấy cảm hứng từ mũi thuyền của nền văn hóa sông nước nên mái lợp truyền thống Việt Nam có triền mái ngôi nhà thẳng, không cong, nhưng hếch lên ở góc mái tạo sự thanh thoát và hòa hợp với thiên nhiên. Mái hiên của nhà nhô ra sân cũng được lợp bằng ngói, ở 2 đầu cột được gắn tấm mành trúc đan hình ô vuông để gió thổi bay nhẹ vào nhà. Với việc gắn mành trúc này ngôi nhà như một bức bình phong buộc mọi người khi ra vào đều phải vào từ 2 bên hoặc không thể nhìn thẳng vào nhà - Đây cũng chính là quan niệm phong thủy truyền thống của người Việt xưa.

Ít ai biết được rằng, để ngôi nhà còn hiện hữu tới ngày nay, bản thân nó đã phải trải qua biết bao thăng trầm, biến cố. Những năm 1964 đến 1968 khi giặc Mỹ đánh phá Hàm Rồng ác liệt, mọi người phải ra trận, phải đi tản cư nơi khác, ngôi nhà cổ cũng bị tàn phá, đồ đạc trong nhà cũng bán hết chỉ còn sót lại 2 xanh tiền đồng, 1 cái mâm bồng, khám thờ, bát hương sứ, đài gỗ,...

Sau khi giải phóng căn nhà được tu sửa lại. Đến năm 2003, một lần nữa gia đình ông Tập lại trùng tu lại ngôi nhà, nhưng về cơ bản giữ nguyên vẹn kiến trúc nhà truyền thống. Năm 2006 ngôi nhà cổ được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh. Đây cũng chính là ngôi nhà duy nhất đã được xếp hạng trong tổng số 13 ngôi nhà cổ ở làng cổ Đông Sơn.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]