(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh ra ở làng Cẩm Nga, xã Đông Yên (Đông Sơn), khai quốc công thần nhà Hậu Lê Nguyễn Nhữ Soạn - người em trai khác mẹ của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi là võ quan anh dũng nơi chiến trận. Không chỉ vậy, ông còn là người có tài thuyết khách.

Nguyễn Nhữ Soạn - Khai quốc công thần vương triều Hậu Lê

Sinh ra ở làng Cẩm Nga, xã Đông Yên (Đông Sơn), khai quốc công thần nhà Hậu Lê Nguyễn Nhữ Soạn - người em trai khác mẹ của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi là võ quan anh dũng nơi chiến trận. Không chỉ vậy, ông còn là người có tài thuyết khách.

Nguyễn Nhữ Soạn - Khai quốc công thần vương triều Hậu LêNăm 2018, Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn đã được trùng tu.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn ở xã Đông Yên. Ông Nguyễn Đình Hải - hậu duệ đời thứ 20 của khai quốc công thần Nguyễn Nhữ Soạn phấn khởi: “Đền thờ được lập dựng sau khi cụ (Nguyễn Nhữ Soạn - PV) qua đời. Trải qua thời gian dài, di tích bị xuống cấp. Được sự quan tâm của Nhà nước và các cơ quan chuyên môn, cùng sự chung tay đóng góp của người dân, con cháu dòng họ, năm 2018 Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn đã được trùng tu khang trang”.

Theo gia phả dòng họ Nguyễn ở làng Cẩm Nga, thân phụ Nguyễn Nhữ Soạn là Nguyễn Phi Khanh. Ông Nguyễn Phi Khanh vốn quê ở vùng đất Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn (nay là Chí Linh, Hải Dương) sau đó dời nhà đến huyện Thượng Phúc (nay là Thường Tín, Hà Nội), đỗ Bảng nhãn và làm quan vào cuối thời Trần. Ông Nguyễn Phi Khanh lấy con gái của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, sinh được bốn người con trai trong đó có Nguyễn Trãi. Sau khi người vợ đầu qua đời, cụ Nguyễn Phi Khanh lấy người vợ kế họ Nhữ quê ở làng Mục Nhuận (nay là Cẩm Nga) sinh được hai người con trai là Nguyễn Nhữ Soạn và Nguyễn Nhữ Trạch. Như vậy, Nguyễn Nhữ Soạn và Nguyễn Trãi là anh em cùng cha khác mẹ.

Nguyễn Nhữ Soạn tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ buổi đầu: “Nguyễn Nhữ Soạn và Ngô Sĩ Liên được Bình Định vương giao cho làm nhiệm vụ thư ký. Sau đó ông được chuyển sang làm võ quan, phụ trách ngăn quân giặc ở phía biên giới Việt - Lào; rồi sau được phái sang Lào tìm Trần Cảo đưa về nước để lập làm “vua Thiên Khánh” nhằm đối phó với quân Minh” (sách Địa chí huyện Đông Sơn trích dẫn Gia phả dòng họ Nguyễn).

Trong lịch sử, võ tướng Nguyễn Nhữ Soạn được nhắc đến với tài cầm quân và đánh trận. Khởi nghĩa Lam Sơn buổi ban đầu gặp không ít khó khăn, Nguyễn Nhữ Soạn tham gia đánh vào các đồn trại của giặc; đồng thời tham gia chống lại các cuộc càn quét của giặc Minh vào vùng đất Lam Sơn, Mường Nang... Sau lần bị quân Minh do Trần Trí chỉ huy tấn công trại Ba Lẫm (Điền Lư, Bá Thước) và bị quân Ai Lao vào hùa với quân Minh đánh ở đèo Thiết Ống, Lê Lợi tăng cường quân phòng ngự ở phía biên giới để ngăn chặn quân Ai Lao có thể tràn xuống. Đầu năm Nhâm Dần (1422), Nguyễn Nhữ Soạn được cử đem quân đi làm nhiệm vụ ấy. Gần một năm trời, quân Ai Lao không dám đem quân đến đánh các trại quân Lam Sơn ở Quan Hóa (theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh).

Sách Địa chí huyện Đông Sơn khi nhắc đến võ tướng Nguyễn Nhữ Soạn đã viết: “Nguyễn Nhữ Soạn là võ tướng có tài, tham gia nhiều trận chiến đấu chống lại sự đàn áp của quân Minh. Ông cùng các tướng Lê Thạch, Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Lý chỉ huy nghĩa quân đánh tan các cuộc càn quét của quân giặc ở Lạc Thủy, Nga Lạc, Ba Lẫm... Khi nghĩa quân Lam Sơn bị giặc vây hãm phải rút về Chí Linh, lương thực khánh kiệt, quân lính chỉ còn hơn 100 người, Lê Lợi đã sai Nguyễn Nhữ Soạn và Lê Trăn đi thương lượng hòa hoãn với quân Minh nhằm “bên ngoài giả thác hòa thân, bên trong lò rèn chiến cụ”... Năm 1424, theo kế hoạch của Nguyễn Chích, Lê Lợi tiến quân vào Nghệ An. Sau khi giành được thế đứng vững chắc trên đất Nghệ An, Lê Lợi sai Nguyễn Nhữ Soạn cùng Đinh Lễ, Trần Nguyên Hãn... đem quân đánh thành Nghệ An, rồi từ đó tiến vào giải phóng vùng Tân Bình, Thuận Hóa”.

Sau nhiều năm “nếm mật nằm gai”, nghĩa quân Lam Sơn do Bình Định vương Lê Lợi lãnh đạo ngày càng mạnh cả về thế và lực, điều này cũng đồng nghĩa với việc giặc Minh bị “sa lầy” khi vào xâm lược nước ta. Và để cứu Vương Thông thoát khỏi sự bao vây của nghĩa quân Lam Sơn ở thành Đông Đô, theo sử liệu, tháng 9 năm 1427 nhà Minh huy động tới 20 vạn quân, chia làm 2 đạo tiến vào nước ta. Một đạo do Liễu Thăng chỉ huy từ Quảng Tây theo ải Pha Lũy tiến vào nước ta; đạo còn lại do Mộc Thạnh chỉ huy từ Vân Nam kéo sang. Nắm rõ âm mưu của giặc, Lê Lợi sai các tướng Nguyễn Nhữ Soạn, Lê Sát, Lê Diên... phục binh bốn mặt đánh úp, chém đầu Liễu Thăng ở núi Mã Yên. “Quân giặc tan vỡ, Nguyễn Nhữ Soạn thu được các cáo sắc của Liễu Thăng, con dấu bằng bạc, một quả “song hổ phù” đem về dâng nộp cho Lê Lợi” (theo Gia phả dòng họ Nguyễn ở làng Cẩm Nga).

Nguyễn Nhữ Soạn - Khai quốc công thần vương triều Hậu LêVăn bia tại đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn.

Mùa xuân năm 1428, trải qua 10 năm “nếm mật nằm gai”, khởi nghĩa Lam Sơn đã đi đến ngày toàn thắng, một dải non sông gấm vóc Đại Việt sạch bóng quân xâm lược. Lúc này, Nguyễn Nhữ Soạn và Ngô Sĩ Liên lại được vua Lê Thái tổ sai biên chép tên họ, công lao sự nghiệp của các công thần từ khi khởi nghĩa để lưu danh. Nguyễn Nhữ Soạn được phong chức Tham tri quân dân Hải Tây đạo (đạo Hải Tây gồm các lộ Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình ngày nay). Dưới thời vua Lê Thái tông, Nguyễn Nhữ Soạn được giữ chức Bắc đạo đồng tri quân ba tịch, sau đó cử làm Chính sự viện Tham nghị (hàm tứ phẩm) rồi thăng lên Nam đạo hành khiển (tước quan nội hầu).

Tháng 4 năm 1448, Nguyễn Nhữ Soạn qua đời. Sau khi ông mất, vua Lê Nhân tông đã ban sắc phong cho ông là bậc Khai quốc công thần, Vinh lộc đại phu, tả xa kỵ đại tướng quân, Nhập nội thị hành khiển Tư mã, tặng Thái phó Tuy quốc công, bao phong Thượng đẳng phúc thần” và lệnh cho người dân địa phương lập đền thờ phụng theo “điển phép Nhà nước" (sách Địa chí huyện Đông Sơn).

Ông Nguyễn Đình Hải - hậu duệ võ tướng Nguyễn Nhữ Soạn cho biết thêm: “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn còn được biết đến với tên gọi Quốc công từ. Ngoài một số hiện vật gỗ như long ngai, câu đối, thì tại di tích hiện còn lưu giữ một số sắc phong qua các triều vua với nội dung ca ngợi công đức tiền nhân. Hàng năm, vào ngày kỵ (giỗ) của ngài mùng 8 tháng 4, con cháu trong dòng họ Nguyễn Nhữ và người dân địa phương cùng tập trung về đền dâng hương tưởng nhớ người xưa. Tài năng, công đức của ngài là niềm tự hào và tấm gương cho hậu thế noi theo”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]