(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm 2018 đã ghi dấu rõ nét công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, ngày 5/10/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định phê duyệt hỗ trợ kinh phí tu bổ, chống xuống cấp các di tích với tổng kinh phí hỗ trợ 50 tỷ đồng...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhìn lại công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích năm 2018

Năm 2018 đã ghi dấu rõ nét công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, ngày 5/10/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định phê duyệt hỗ trợ kinh phí tu bổ, chống xuống cấp các di tích với tổng kinh phí hỗ trợ 50 tỷ đồng...

Tập trung khai quật, khảo cứu di tích lịch sử

Nói đến di tích, danh thắng xứ Thanh không thể không nhắc đến những di tích lịch sử, dấu ấn triều đại gắn liền với sự hào hùng, thịnh, suy của dân tộc trong quá khứ. Đó là những tường thành, khu lăng mộ, vùng đất cổ...qua thời gian, bom đạn chiến tranh ít nhiều bị xuống cấp, hay thậm chí bị chôn vùi dưới đất đá, đòi hỏi cần được khai quật, khảo cứu, bảo tồn và phát huy giá trị.

Năm 2018, công tác khoanh vùng bảo vệ, khảo cứu tại các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được đặc biệt quan tâm. Thông qua những hiện vật, mảnh vỡ được tìm thấy là minh chứng xác đáng cho việc khẳng định giá trị lịch sử của di tích, vùng đất và con người xứ Thanh.

Theo đó, ngành văn hóa và các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước đã tiến hành khai quật khảo cổ học tại di tích lăng miếu Triệu Tường (xã Hà Long, huyện Hà Trung). Đây là công trình kiến trúc tưởng niệm, miếu thờ của vương triều, được xây dựng với quy mô lớn, có giá trị lớn về kiến trúc, nghệ thuật trang trí, điêu khắc. Việc tiến hành khai quật khu di tích này cũng góp phần vào việc nhìn nhận đúng công trạng của nhà Nguyễn trong lịch sử phong kiến của đất nước.

Cùng với lăng miếu Triệu Tường, ngành VH,TT&DL Thanh Hóa đã triển khai lập bản đồ khoanh vùng và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ, hoàn thiện hồ sơ khoa học di tích lịch sử Thành Hoàng Nghiêu - căn cứ Nguyễn Chích trên địa bàn các huyện Đông Sơn, Nông Cống, Triệu Sơn... Thành Hoàng Nghiêu trong lịch sử gắn liền với danh tiếng của tướng quân Nguyễn Chích trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh đô hộ. Với việc đắp thành Hoàng Nghiêu, xây đá nối giữa các ngọn núi... tướng quân Nguyễn Chích và nghĩa quân lúc bấy giờ đã tạo nên tòa thành đá hùng vĩ hiếm có trong lịch sử đấu tranh chống xâm lược của dân tộc Việt. Thành Hoàng Nghiêu được đương thời và hậu thế đánh giá như một sáng tạo nghệ thuật độc đáo trong kiến trúc xây dựng thành đá dựa vào thiên nhiên để đánh giặc.

Bên cạnh đó là kế hoạch khai quật khảo cổ nghiên cứu cấu trúc và kỹ thuật xây dựng tường thành Di sản Thế giới thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc). Thực hiện cam kết chiến lược bảo vệ quản lý, tiếp nhận dự án “tu sửa khẩn cấp mái vòm và bảo tồn cổng thành phía Nam di sản thành Nhà Hồ” thuộc chương trình tài trợ Quỹ Bảo tồn văn hóa của Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền thờ Tô Hiến Thành (TP Sầm Sơn) năm 2018 được hỗ trợ kinh phí 500 triệu đồng cho tu bổ, chống xuống cấp.

Đầu tư, hỗ trợ kinh phí trùng tu, chống xuống cấp có trọng điểm

Trong số hơn 1.500 di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh đã được kiểm kê, xếp hạng thì các di tích lịch sử, văn hóa, chiếm số lượng lớn. Các di tích là niềm tự hào của hậu thế đối với công lao to lớn của tiền nhân trong lịch sử. Tuy nhiên, đi cùng với đó còn là trách nhiệm, sức ép trong việc gìn giữ, bảo tồn.

Thực tế, trải qua hàng trăm năm dựng xây, tồn tại, phần nhiều các di tích cổ xưa đều đã có ít nhiều dấu hiệu xuống cấp, trong đó có không ít di tích đáng “báo động” đòi hỏi cần được trùng tu cấp thiết. Tuy nhiên, trong khi số lượng di tích xuống cấp đang “trông ngóng” vào nguồn ngân sách nhà nước thì kinh phí thực tế để tu bổ, chống xuống cấp các di tích trên địa bàn tỉnh mỗi năm vẫn còn hạn chế. Điều đó đòi hỏi công tác thẩm định, hỗ trợ kinh phí trùng tu cho các di tích phải vô cùng nghiêm túc, chặt chẽ. Cùng với đó là quan điểm đầu tư, hỗ trợ tập trung, tránh dàn trải, manh mún cũng được xem là nét mới trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích năm nay.

Tại Quyết định số 3825/QĐ- UBND ngày 06/10/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ kinh phí tu bổ, chống xuống cấp các di tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2018 với tổng kinh phí phân bổ là 50 tỷ đồng, cho 44 di tích. Theo đó, nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ tập trung vào các di tích trọng điểm có ý nghĩa lịch sử cách mạng, lịch sử văn hóa gắn với phát triển KT-XH: Di tích LSCM địa điểm lịch sử thắng cảnh Rừng Thông (Đông Sơn); Di tích cách mạng Đài kỷ niệm nơi thành lập chi bộ đầu tiên huyện Nông Cống; Tượng đài Lê Lợi (TP Thanh Hóa); Di tích kiến trúc nghệ thuật Đá Bái Lăng (Yên Định); Di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lê Thế Long (nguyên Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên). Các di tích có giá trị văn hóa, lịch sử lớn nhưng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nguồn kinh phí xã hội hóa huy động hạn chế: tu bổ, tôn tạo đền thờ Lý Thường Kiệt huyện Hà Trung (1,4 tỷ đồng); đình làng Gạo (Bỉm Sơn); đền thờ Tô Hiến Thành (TP Sầm Sơn); đền thờ Trần Khát Chân xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc).

Có thể nói, nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí tu bổ, chống xuống cấp các di tích được xem là “đòn bẩy”, yếu tố “kích cầu” để từ đây, các địa phương sở hữu di tích cùng người dân chung tay đóng góp kinh phí trùng tu, để bảo tồn, phát huy giá trị di sản mà người xưa đã đểlại. Đồng thời những quan điểm, tiêu chí rõ ràng được đặt ra trong việc xem xét hỗ trợ kinh phí trùng tu cho các di tích cũng phần nào để các địa phương và di tích không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào “bầu sữa” nhà nước.

Với sự quan tâm của Nhà nước, nỗ lực của ngành VH,TT&DL tỉnh Thanh Hóa trong công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, góp phần bảo tồn di sản cha ông để lại, tạo nên sắc thái văn hóa xứ Thanh độc đáo, riêng có.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]