(vhds.baothanhhoa.vn) - Người đi trong bão lũ” là cuốn sách do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai biên soạn. Xuyên suốt các trang viết là tinh thần trách nhiệm, sát thực tiễn, gắn bó với dân, không quản khó khăn, hiểm nguy của người vẫn thường được Nhân dân yêu mến gọi bằng cái tên “Bộ trưởng nông dân”, “Bộ trưởng bão lũ” - ông Lê Huy Ngọ.

Những trang viết chân thực, sinh động, ấm tình “người đi trong bão lũ”

Người đi trong bão lũ” là cuốn sách do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai biên soạn. Xuyên suốt các trang viết là tinh thần trách nhiệm, sát thực tiễn, gắn bó với dân, không quản khó khăn, hiểm nguy của người vẫn thường được Nhân dân yêu mến gọi bằng cái tên “Bộ trưởng nông dân”, “Bộ trưởng bão lũ” - ông Lê Huy Ngọ.

Những trang viết chân thực, sinh động, ấm tình “người đi trong bão lũ”

Ông Lê Huy Ngọ nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương (nay là Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT), Đại biểu Quốc hội khóa X, khóa XI.

Nội dung cuốn sách mang tính tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm theo nhiều góc nhìn khác nhau. Nhưng tựu chung, những kinh nghiệm, bài học thực tiễn được nêu bật trong cuốn sách đi đến một điểm thống nhất là: đặc biệt chú trọng phương châm “tại chỗ” trong phòng và ứng phó với mọi tình huống thiên tai ngay từ đầu; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động, phối hợp tốt các lực lượng; chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả khẩn trương, hiệu quả.

Cuốn sách có dung lượng hơn 200 trang, bố cục thành 3 phần: “Tầm nhìn và tư duy về phòng, chống thiên tai”; “Người đi trong bão lũ”; “Bộ trưởng của nông dân”. Trong đó, hình ảnh ông Lê Huy Ngọ được khắc họa chân thực, sinh động, đầy ấn tượng qua bài viết của các chính khách, lãnh đạo từng có nhiều năm sát cánh với ông trong công tác phòng, chống lụt bão, vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong sách còn có những bức thư, bài thơ... là tình cảm của người dân gửi đến ông Lê Huy Ngọ được lưu giữ qua nhiều năm...

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo ven biển tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Huy Ngọ và những người dân nơi đây hiểu hơn ai hết sức tàn phá khủng khiếp, khốc liệt của bão lũ. Ông từng có những tâm sự, trải lòng trong một lần trả lời phỏng vấn: Từ nhỏ tôi đã tiếp xúc, trải qua bão lụt và sớm biết sợ cảnh bão lụt. Người dân miền biển, theo nghề biển nếu không biết sợ thì mất mát lớn lắm. Và người miền biển thường rất tinh, có khi cảm giác còn chính xác hơn cả dự báo thời tiết... Những điều đó đã đi vào cuộc sống gia đình, bà con quê hương tôi. Có lẽ nhiều năm gắn bó với nông nghiệp, nông dân và trực tiếp chứng kiến những cơn bão, lũ, đến giờ như một thói quen, tôi vẫn thường xuyên theo dõi thông tin về thiên tai, bão lụt, nhất là mỗi khi có tin cơn bão, lũ đổ vào nước ta, là tim tôi lại đập nhanh, hồi hộp, có khi bật ti vi cả ngày để cập nhật tình hình.

Cuốn sách cho bạn đọc ấn tượng sâu sắc về một “chính khách” gần gũi, giản dị hết mực trong cuộc sống thường nhật, sinh hoạt hằng ngày nhưng quyết liệt, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, không ngại khó, ngại khổ.

Trong 10 năm công tác tại Bộ NN&PTNT với cương vị là Bộ trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, ông đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ứng phó và khắc phục hậu quả 67 trận thiên tai khác nhau ở hầu khắp các vùng, miền của Tổ quốc.

Ông là con người đã quen với những thử thách khắc nghiệt, tựa như “lửa thử vàng”. Năm 1999, cơn “Đại hồng thủy” kéo dài suốt 1 tuần lễ, từ Quảng Trị đến Bình Định chìm trong biển nước với sức tàn phá kinh hoàng, người dân cả nước vẫn thấy bước chân ông tiến về phía trước, bình tĩnh nắm bắt tình hình, kịp thời đưa ra đối sách, quyết định thấu đáo. Sau mỗi lần như thế là tiến hành rút kinh nghiệm, trên cơ sở hệ thống và tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm cá nhân, ông cùng tập thể nghiên cứu, đề xuất chiến lược, phương châm chỉ đạo cho phù hợp với tình hình mới. Nghĩa là, trong con người ấy lúc nào cũng thôi thúc, trăn trở vì dân, vì nước. “Người đi trong bão lũ” là vậy!

Đọc “Người đi trong bão lũ” được khắc họa thông qua các bài viết trong cuốn sách để thấm thía hơn vì sao người dân TP Huế trong cơn “đại hồng thủy” năm 1999 lại reo lên sung sướng khi thấy ông cùng đoàn công tác “mặc áo phao, đi ca nô của Bộ đội Biên phòng vượt sóng đến kiểm tra và đôn đốc các nơi giúp đỡ bà con bị nạn và bàn cách giải quyết hậu quả”.

Những dòng viết rất dung dị: “Bác Ngọ đây rồi, chúng ta sống rồi bà con ơi! Bác Ngọ nhớ giữ gìn sức khỏe nhé”. Họ tin tưởng nơi ông, thấy được ở nơi ông động lực, quyết tâm lớn, hết lòng vì họ. Đó là niềm vinh dự, tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao. “Người đi trong bão lũ” là người dám đương đầu và dám chịu trách nhiệm như thế!

Đọc cuốn sách “Người đi trong bão lũ”, chúng ta “không chỉ đọc về dấu ấn, mà hơn hết là cảm nhận về tình cảm”. Đọc để tiếp tục kế thừa và phát huy tầm nhìn và tư duy về phòng, chống thiên tai của người “Bộ trưởng nông dân”, “Bộ trưởng bão lụt”. Bởi đó là những kinh nghiệm, bài học vô cùng quý giá, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, từ tấm lòng và ý chí, trách nhiệm mà đúc kết thành...

Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]