(vhds.baothanhhoa.vn) - Có một tín hiệu vui trong giới mỹ thuật đó là sự quay trở lại của sơn ta. Đối tượng là những người trẻ... sử dụng lại chất liệu cũ. Trong số đó, có họa sĩ Phạm Thành.

Phạm Thành, mang mùa xuân về phố

Có một tín hiệu vui trong giới mỹ thuật đó là sự quay trở lại của sơn ta. Đối tượng là những người trẻ... sử dụng lại chất liệu cũ. Trong số đó, có họa sĩ Phạm Thành.

Phạm Thành, mang mùa xuân về phốNắng thu (sơn mài).

Sinh năm 1985 ở xã Tiến Lộc (Hậu Lộc), sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Phạm Thành đã bôn ba với vài ba thứ nghề khác nhau, nhưng rồi điểm dừng hiện tại của chàng trai này là hội họa.

Điểm đến đầu tiên của Phạm Thành là tranh sơn dầu. Có thể nói là anh rất có duyên khi tranh khá đắt khách và đắt giá. Sau 10 năm ngồi trước giá vẽ, gần đây, họa sĩ Phạm Thành đã chuyển hướng sang sơn mài, cụ thể là sơn ta.

Khi tôi hỏi: Tại sao không sử dụng sơn Nhật cho tiện dụng?. Phạm Thành cười nói: Dùng sơn Nhật có thể thỏa mãn nhu cầu tức thời, song lại khá nhanh phai màu, bong tróc... Quan trọng hơn hết, sơn ta chính là tiếng nói của tranh Việt Nam, người Việt Nam.

Dẫu biết, làm sơn ta thì đủ cái khó nhọc, trước hết là bị “sơn ăn”, sau nữa là khá mất thời gian, giá thành lại cao, nhưng Phạm Thành vẫn quyết học hỏi và theo dòng tranh này.

Vẫn rượu cũ... nhưng đã có bình mới. Phạm Thành tiếp tục theo đuổi đề tài miền núi với phong cảnh và người đồng bào dân tộc thiểu số nhưng sự thay đổi hình thức thể hiện khiến Phạm Thành say mê hơn.

“Ban đầu để làm quen chất liệu sơn mài với tôi là khá khó, đặc biệt lại là sơn ta. Nhưng quá trình làm lại hấp dẫn tôi, vì độ đằm, độ thắm. Thông thường để hoàn chỉnh bức tranh sơn mài phải vẽ rất nhiều lớp, mỗi lớp sơn phải chờ ít nhất ba ngày mới khô, đợi lớp này khô mới vẽ lên lớp khác. Cứ như thế phải mất khoảng thời gian ít nhất 2 - 3 tháng mới hoàn thành một bức tranh sơn mài - sơn ta.

Phạm Thành, mang mùa xuân về phốMùa hoa mận (trái, sơn dầu) và Nơi vùng cao (sơn dầu).

Cũng vì thế mà tranh sơn mài bao giờ giá cũng cao. Trung bình một bức tranh khổ 80x120cm của Phạm Thành có giá 45 triệu đồng. Chính lời tâm sự của Phạm Thành khiến tôi nhớ tới câu chuyện về việc đi lấy nhựa sơn... Người ta phải thức dậy từ lúc 2 giờ sáng để lấy nhựa sơn. Chỉ cần khi mặt trời vừa ló rạng thì cây sơn không tiết nhựa nữa. Lại thêm phải lấy từ 300 cây sơn mới được chừng 1kg nhựa. Giá thành sơn đã đắt, nhưng để làm tranh thì cần có vóc, có vàng, bạc, trai, ốc... Vật liệu nào cũng giá cao, thì tranh bán giá cao hơn nhiều so với bức sơn dầu là chuyện dễ hiểu.

Giá cao kéo liền với việc kén khách. Tôi khá tò mò nên hỏi: Tại sao đang vẽ tranh sơn dầu với lượng khách thường xuyên, anh lại chuyển sang thể loại tranh sơn mài vừa vất vả vừa kén khách?. Phạm Thành nói: "Vì tôi yêu màu sắc, thích cái chất Việt Nam trong tranh sơn mài. Càng xem, càng học hỏi các họa sĩ thế hệ đi trước, càng thấy muốn tiến hơn nữa trong việc chinh phục chất liệu này. Qua một thời gian trải nghiệm tôi thấy hợp với sơn mài. Tự tin hơn là khi vẽ ra, tranh bán được, thôi thúc tôi mạnh dạn gắn bó dài hơn với dòng tranh này".

Giới thiệu với tôi những bức tranh mùa xuân nơi núi cao, Phạm Thành chia sẻ: "Thời sinh viên tôi thường có những chuyến đi thực tế đến các bản làng ở miền núi, tôi bị không gian thoáng đãng hút vào. Rồi tiếp xúc với người dân lại càng thích hơn cái mộc mạc trong tính cách của họ. Cứ thế tự lúc nào, từng nét cười, tiếng nín thở của người dân vùng cao khiến tôi muốn cầm cọ để theo đuổi đề tài này".

Quả thực xem tranh Phạm Thành, chúng ta thấy rõ không gian miền núi với điệp trùng núi non, những bức tường đá, hoa đào, những con ngựa lang thang và người phụ nữ lầm lũi... Tất cả được hòa sắc trong những gam màu nóng, ấm áp và đằm sâu.

Người khó tính xem tranh của Phạm Thành có thể chưa hấp dẫn ngay, nhưng với đại đa số xem tranh của Phạm Thành đều ít nhiều đọng lại những cảm xúc dễ chịu vì sau mỗi nét vẽ là sự chân thành đến mộc mạc. Ở đó có bước chân của những đứa trẻ, có màu đỏ của hoa đào, có những khoảng tối và sáng của rừng mận... Dường như hồn núi, tình người gần gũi khiến tranh của Phạm Thành dễ bán.

Phạm Thành, mang mùa xuân về phốMùa hoa xoan (sơn mài).

Không riêng gì Phạm Thành, nhiều họa sĩ trẻ hiện nay đang quay về với sơn mài thay vì hướng đến những dòng tranh hiện đại. “Mỗi người có tạng riêng, mình thích cái gì và thấy mình có thể khai thác được thế mạnh ấy thì mình làm”. Vừa làm tranh, vừa học hỏi, vừa nhận ra vẻ đẹp truyền thống của dân tộc mình, thì còn gì thú vị bằng.

Phải nói thêm rằng, sơn ta xuất hiện từ rất xa xưa nhưng vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ để các thế hệ họa sĩ có thể khai thác và đổi mới liên tục. Cũng vì công phu trong quá trình thực hiện và khi hoàn thành mà tranh sơn mài - sơn ta mang một vẻ đẹp sâu thẳm và sắc nét hơn các loại sơn khác.

“Tôi còn trẻ, còn phải học hỏi nhiều. Sơn mài là thế giới vô cùng huyền ảo, để làm dòng tranh này thì không khó, nhưng để thực sự hiểu về sự đỏng đảnh của nó thì tôi còn phải yêu sơn mài hơn nữa”.

10 năm vẽ tranh mới là hành trình khởi đầu làm nghề của một họa sĩ trẻ. Từ lúc ban đầu còn chưa phân biệt được các ký hiệu màu bán trong, màu bán đục ở vỏ tuýp sơn, đến nay, Phạm Thành đã có được gia tài với vài trăm bức tranh. Trong 10 năm ấy, Phạm Thành đã “ngộ” ra nhiều điều. Không chỉ là vẽ theo sở thích và không thể “tham lam” đưa tất cả những thứ mình muốn tả mà phải biết “bỏ” đi những cái không cần thiết để tập trung vào trung tâm của bức tranh. Một góc nhỏ cũng có thể chứa thông điệp của những điều lớn lao.

Xem tranh Thành tôi cảm giác như anh muốn mang mùa xuân về phố, chia sẻ suy nghĩ đó với Thành, anh cười: "Nếu được như thế thì tốt quá. Ở đô thị đông người, tôi bị bủa vây xung quanh là cơm áo gạo tiền, với những công việc thường nhật là chăm sóc 2 đứa con. Thời gian trong mơ của tôi là được ngồi trước tấm toan, để thả hồn mình vào với những tự do bên trong, những khát khao biểu đạt".

Mùa xuân của Phạm Thành còn dài, đó không chỉ là thời gian cơ học, nó là thời gian mà một họa sĩ trẻ như anh luôn căng tràn nhựa sống, muốn khám phá, trải nghiệm và đắm đuối.

Theo tiết lộ của Phạm Thành, cuối năm 2024, anh sẽ có cuộc triển lãm nhóm cùng với vài người bạn để đánh dấu chặng đường nhiều đêm thức trắng với cây cọ và tấm toan.

Bài và ảnh: Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]