(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu Hà Nội có làng cổ Đường Lâm nổi tiếng với nét đẹp cổ kính; Hưng Yên có làng Nôm với lối kiến trúc độc đáo... thì Thanh Hóa có làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) trầm mặc đi qua cả nghìn năm lịch sử. Ngôi làng nằm bên bờ sông Mã thơ mộng, được bao bọc bởi núi, đồi đan xen. Trải qua thời gian, nắng mưa người dân làng cổ Đông Sơn vẫn luôn giữ được không gian và lối sống của làng quê Bắc Bộ xưa.

Sắc cổ làng Đông Sơn

Nếu Hà Nội có làng cổ Đường Lâm nổi tiếng với nét đẹp cổ kính; Hưng Yên có làng Nôm với lối kiến trúc độc đáo... thì Thanh Hóa có làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) trầm mặc đi qua cả nghìn năm lịch sử. Ngôi làng nằm bên bờ sông Mã thơ mộng, được bao bọc bởi núi, đồi đan xen. Trải qua thời gian, nắng mưa người dân làng cổ Đông Sơn vẫn luôn giữ được không gian và lối sống của làng quê Bắc Bộ xưa.

Sắc cổ làng Đông SơnNgôi nhà cổ 200 năm tuổi của gia đình cụ Lương Trọng Duệ.

Bước chân vào làng cổ Đông Sơn, điều cảm nhận đầu tiên là không gian xưa cũ, một sắc màu đơn giản, trầm mặc nơi thôn quê thể hiện qua kiến trúc cây đa, giếng nước, mái đình, nét đặc trưng tiêu biểu của làng quê Việt. Đi sâu vào trong làng là những bức tường đá cao cao rêu xanh phủ bám, những con đường gạch lát chỉ đỏ dài hun hút dẫn vào từng ngõ nhỏ. Điều đặc biệt nữa là giao thông trong làng chủ yếu là đi bộ, rất ít người sử dụng phương tiện xe máy, xe ô tô không đi vào làng, bởi lẽ những con ngõ kết nối các cụm dân cư nơi đây nhỏ và dài chỉ phù hợp với nhịp sống bình dị, chậm rãi. Tô điểm vào bức tranh làng cổ là những đầm sen, ao súng, hay con đường rợp bóng cây,... tạo nên không gian thanh bình, lắng sâu truyền thống.

Thêm một điều đặc biệt nữa của ngôi làng chính là những con ngõ được đặt tên mang ý nghĩa: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng như truyền đi thông điệp về nét đẹp văn hóa của người dân trong làng. Bác Nguyễn Văn Vệ, Bí thư Chi bộ, Trưởng làng Đông Sơn, cho biết: “Nhân, Nghĩa là biểu tượng cho quan văn, Trí, Dũng biểu tượng cho quan võ. Ở giữa 4 ngõ là ngõ Miếu Nhị dẫn vào đền thờ Đệ Nhị Thần Hoàng Trịnh Thế Lợi (Cẩm hoa thị vệ thời Lê, người có công lập nên làng cổ Đông Sơn) như quan văn, quan võ đứng chầu hai bên”. Chợ làng cũng rất đơn giản, không tấp nập, xô bồ mà chỉ khoảng hơn chục người bán, thời gian chợ chỉ diễn ra trong vòng 1 giờ đồng hồ vào sáng sớm rồi tan.

Sẽ là thiếu sót nếu nói đến làng cổ Đông Sơn mà không nhắc đến những ngôi nhà cổ. Được biết, làng có 13 ngôi nhà cổ, trong đó ngôi nhà cổ của cụ Lương Trọng Duệ, số 10, ngõ Trí, là ngôi nhà còn nguyên vẻ đẹp cổ xưa, với tuổi đời 200 năm. Căn nhà chính gồm 5 gian, 2 chái bằng gỗ tốt, lợp ngói âm dương. Các vì, kèo, xà, bẩy... được chạm trổ công phu, cầu kỳ mang đậm dấu ấn kiến trúc nhà gỗ của miền Bắc xưa. Ngoài nhà chính còn có 2 nhà ngang 3 gian, được người thợ xưa kỳ công xây dựng. Năm 2006 ngôi nhà của cụ Duệ được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Bằng di tích kiến trúc nhà cổ cấp tỉnh. Ông Lương Thế Tập con cụ Duệ cho biết “Hiện tại ngôi nhà là niềm tự hào của gia đình, của làng Đông Sơn. Khi còn sống bố tôi vẫn luôn dặn dò con cháu giữ gìn ngôi nhà như báu vật”.

Cũng theo Bí thư Nguyễn Văn Vệ, làng Đông Sơn hiện còn 335 nóc nhà với 1.320 nhân khẩu, diện tích làng giờ chỉ vẻn vẹn 10 ha. Nét đặc trưng trong tính cách của người dân làng là tần tảo và tiết kiệm. Người làng Đông Sơn xưa nổi tiếng với sự chăm chỉ, cần cù, nhờ đó nông sản làng Đông Sơn nức tiếng xa gần, trong đó phải kể đến củ từ. Theo các cụ cao niên trong làng, một điều đặc biệt nữa mà chỉ ở làng cổ mới có đó là ngày hội họ và hội làng. Hiện tại làng có 5 dòng họ chính là họ Lương, họ Dương, họ Lê, họ Nguyễn và họ Đặng, trong đó họ Dương có nhiều đinh nhất. Cả 5 dòng họ lớn này và các dòng họ khác trong làng đều lấy ngày mồng 2 tháng 3 (âm lịch) hàng năm làm ngày Chạp họ. Ngày ấy, hàng người dài đổ về làng, phụ nữ cầm làn, đàn ông bưng lễ với đủ sắc màu rực rỡ, tạo nên không khí rộn ràng, đông vui.

Làng cổ Đông Sơn đã được đánh giá là 1 trong 10 làng cổ đẹp nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, khác với những làng cổ như Đường Lâm, Phước Tích, Mai Xá... làng cổ Đông Sơn hội đủ 5 yếu tố về khảo cổ, lịch sử văn hóa, danh thắng, cách mạng kháng chiến và kiến trúc.

Theo lý giải của Bí thư Nguyễn Văn Vệ: “Sở dĩ làng cổ Đông Sơn vẫn luôn giữ được hồn cốt làng quê trong thời buổi kinh tế thị trường là do 90% dân số của làng là người “gốc”, chỉ khoảng 10% là dân di cư từ nơi khác đến. Những người trẻ muốn phát triển ở nơi sôi động thì họ vào trung tâm thành phố lập nghiệp và sinh sống ở đó, còn lại người cao tuổi thích sống ở đây, với tổ tiên và xóm làng thân thiết”. Theo tìm hiểu, hiện làng cổ Đông Sơn có trên 200 người cao tuổi, công việc chủ yếu là nông nghiệp, một số gia đình có làm thêm các nghề tiểu thủ công nghiệp như đan lát... Tất cả các gia đình trong làng đều đề cao tinh thần cố kết cộng đồng và sống hòa hợp với thiên nhiên. Ở ngôi làng cổ nghìn năm tuổi này, còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử như: đền thờ Đệ Nhị Thần Hoàng Trịnh Thế Lợi - người đã có công lập nên làng Đông Sơn; Đông Sơn Cổ Tự, Phủ Mẫu, Miếu Nhị, văn bia “Tượng Sơn bi ký”...

Bài và ảnh: Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]